Thanh Hóa:

Giáo viên lấy tiền lương mua gạo cho học sinh ăn

(Dân trí) - Do việc cấp gạo, tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ chậm nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà trường và sinh hoạt học tập của học sinh. Có những nơi, nhà trường phải “giật gấu vá vai” để lo cho học sinh bán trú, thậm chí phải ký nợ lương thực, thực phẩm cho học sinh ăn.

Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh (HS) và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 1/9/2016. Đối tượng được hỗ trợ là HS Tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho HS là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Dân trí, hiện nay, việc cấp gạo lần hai (3 tháng còn lại) của học kỳ 1, năm học 2016 - 2017 vừa được triển khai đến các nhà trường, đúng thời điểm HS nghỉ Tết. Cụ thể, tại huyện Quan Sơn, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT thì trong tháng 9/2016 đã cấp ứng gạo của tháng 9 và 10, đã cấp cho HS; tiếp đó bắt đầu từ ngày 17/1, cấp gạo tiếp 3 tháng còn lại của học kỳ 1.

Riêng tiền hỗ trợ HS được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116 đến nay HS vẫn chưa được cấp tiền. Tại huyện Quan Sơn, qua rà soát, trên địa bàn huyện có khoảng 1.932 HS Tiểu học và THCS nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ. Huyện Quan Sơn có 7 trường bán trú thì có 5 trường nuôi ăn tập trung.

Điều kiện ăn, ở bán trú của học sinh còn nhiều khó khăn
Điều kiện ăn, ở bán trú của học sinh còn nhiều khó khăn

Bà Vi Thị Trọng - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn cho biết: “Riêng việc thực hiện cấp gạo chậm thôi cũng đã gây những khó khăn nhất định cho các nhà trường. Ví dụ, những trường nuôi ăn bán trú thì vẫn duy trì nuôi ăn, nhưng ban giám hiệu các nhà trường phải tìm mọi nguồn lực, thậm chí là lương của hiệu trưởng, các đồng chí trong ban giám hiệu phải bỏ ra cung ứng gạo cho HS ăn, trong quá trình chưa có gạo cấp của nhà nước. Ngoài ra, cũng huy động từ phụ huynh hỗ trợ thêm để duy trì nuôi ăn, có khó khăn nhưng các nhà trường vẫn khắc phục được”.

Cô Vũ Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn cho biết: “Trường có 162 HS thì có đến 124 cháu ăn bán trú. Về chế độ 116 thì cực kỳ hiệu quả, đem lại thuận lợi rất nhiều cho các nhà trường, như trường chúng tôi trước đây tỷ lệ phổ cập rất thấp, có 132 HS ngoài nhà trường. Nhà trường có tổ chức phổ cập, nhưng tính hiệu quả không cao. Từ năm 2014, trường thực hiện chế độ bán trú, tỷ lệ chuyên cần nâng lên hẳn, nhất là huy động số HS ra lớp. Không chỉ về chất lượng giáo dục mà thể lực HS rất tốt, đấy là chế độ nhà nước đến kịp thời với các cháu”.

Để giải quyết những khó khăn trong thời gian chờ đợi chế độ, nhà trường phải “giật gấu vá vai” bằng cách kêu gọi cán bộ, giáo viên chia nhau tự nguyện chậm lương, mỗi người hỗ trợ một ít để mua gạo cho HS, còn thực phẩm thì ký nợ.

Học sinh được nuôi ăn bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn
Học sinh được nuôi ăn bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn

“Toàn bộ tiền 3% công tác bán trú là anh em tạm dừng chưa nhận để hỗ trợ HS trong giai đoạn chưa có chế độ để mua gạo, mua thực phẩm cho HS ăn. Những cô giáo, thầy giáo miền xuôi lên khó khăn thì không kêu gọi, ai tự nguyện cho nhà trường nợ lại để giải quyết cho HS rồi nhà trường trả sau. Tháng 11 vừa rồi tôi định cho HS về hết, vất vả lắm, nhìn cảnh mua gạo chênh lệch thị trường giá cao, sốt ruột lắm, Phòng giáo dục động viên, nếu cho về, HS mà bỏ học thì chết dở”, cô Huệ chia sẻ thêm.

Tại huyện Lang Chánh, ngay từ tháng 11/2016, UBND huyện đã phê duyệt số lượng và danh sách HS bán trú năm học 2016 - 2017. Theo đó, trên địa bàn huyện Lang Chánh có 732 HS thuộc 16 trường Tiểu học và THCS được hưởng chế độ hỗ trợ.

Không chỉ tại huyện Quan Sơn, Lang Chánh mà nhiều địa phương khác có HS là đối tượng được hưởng thụ chính sách theo Nghị định 116 đến nay vẫn chưa được cấp tiền hỗ trợ năm học 2016 - 2017. Đối với trường THPT, hiện Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có công văn gửi hiệu trưởng 40 trường về việc thẩm định hồ sơ, danh sách HS được hưởng chính sách theo Nghị định 116.

Hàng nghìn học sinh nằm trong diện được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ chậm được cấp tiền
Hàng nghìn học sinh nằm trong diện được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ chậm được cấp tiền

Đồng thời, ngày 12/1, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT tiến hành thẩm định hồ sơ HS đối với các trường Tiểu học và THCS; tổng hợp trình UBND cấp huyện ban quyết định phê duyệt danh sách HS được hưởng chính sách hỗ trợ năm học 2016 - 2017; tổng hợp kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí thực hiện.

Trước đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh mục địa bàn (thôn, bản) và khoảng cách HS không thể đi đến trường và trở về trong ngày để thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ. Theo đó, để không chậm trễ trong việc thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu HS là đối tượng hưởng thụ chính sách trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tạm thời phê duyệt danh mục địa bàn thôn, bản và khoảng cách HS không thể đi đến trường và trở về trong ngày để thực hiện Nghị định 116.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm