Giáo viên: Dạy học "cực và bèo" lắm?

(Dân trí) - Tính đến nay, với thâm niên làm việc 17 năm, tổng thu nhập một tháng của cô giáo Khổng T.H. chỉ dừng lại ở con số hơn 7 triệu đồng.

Tham gia tranh luận về vấn đề dạy thêm, học thêm tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là cách lao động để mưu sinh.

Quan điểm này ngay lập tức nhận được sự chú ý, đặc biệt đến từ phía giáo viên. Hầu hết nhà giáo cho rằng, với đồng lương như hiện tại, cuộc sống của gặp rất nhiều khó khăn.

Chắt bóp  4- 5 tháng mới mua được máy tính

Năm 2004, cô Khổng T.H. bước chân vào nghề giáo và biên chế chính thức. Một ngày dạy 2 buổi sáng - chiều, tham gia chủ nhiệm lớp và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, song, tính đến nay, với thâm niên làm việc 17 năm, tổng thu nhập một tháng của giáo viên này chỉ dừng lại ở con số hơn 7 triệu đồng.

Ra trường với tấm bằng sư phạm, cô H. được nhận vào dạy môn Ngữ Văn ở trường THCS tại vùng nông thôn của Hải Phòng. Làm việc đúng chuyên ngành, nhưng sau nhiều năm đứng lớp, nhà giáo này kết luận "thực tế không màu hồng như mơ".

"Với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong sinh hoạt, mọi thứ tôi đều tằn tiện, "cân đong đo đếm", nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giá cả vật chất đều tăng.

Tiền sinh hoạt đã gặp khó, tất nhiên không dám nghĩ đến giấc mơ tích lũy để mua đất, làm nhà. Đó là tôi dạy lâu năm còn có tiền thâm niên, chứ những đồng nghiệp ít tuổi nghề, đồng lương eo hẹp, thử hỏi họ còn chật vật, khó khăn đến thế nào?".

Mức thu nhập ít ỏi từ việc dạy học còn khiến nhà giáo này gặp khó trong việc mua sắm, trang bị các thiết bị thông minh để phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục. "Đợt dịch vừa qua, để sắm một chiếc máy tính "đạt chuẩn" để phục vụ quá trình soạn bài và dạy trực tuyến, tôi đã phải chắt bóp, tiết kiệm 4-5 tháng trời".

Giáo viên: Dạy học cực và bèo lắm? - 1

Cũng theo cô H., hiện nay, do lương thấp nên một bộ phận giáo viên đã mưu sinh bằng việc dạy thêm và nhận lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, con số đó không nhiều, bởi trên thực tế, do đặc điểm vùng miền và cấp học, cô H. và rất nhiều đồng nghiệp ít có cơ hội tham gia dạy thêm.

"Tôi và phần đông các thầy cô ở trường chỉ tham gia dạy thêm buổi chiều tại trường, mỗi buổi chiều dạy 4 tiết. Còn giáo viên cấp 2 tại vùng nông thôn này không dạy thêm tại các trung tâm dạy học khác, càng không dạy thêm ở nhà do phụ huynh, học sinh không có nhu cầu. Nếu có dạy tại nhà thì phần lớn là dạy nâng cao miễn phí cho đối tượng học sinh giỏi.

Cơ hội dạy thêm thấp, đồng lương từ việc dạy này cũng vô cùng ít ỏi. Ví dụ như ở Hải Phòng chỉ cho phép mức thu 7.000 đồng/tiết. Tuy nhiên, số tiền ấy giáo viên không được hưởng cả mà còn phải chia theo tỷ lệ: 30% cho ban quản lý dạy thêm học thêm, 3% cho giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp thu tiền, đồng thời trích ra hỗ trợ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường. Về đến tay giáo viên, tiền lương dạy thêm gần như là không còn gì".

Trước câu hỏi tại sao vẫn bám nghề dù cuộc sống bấp bênh và khó khăn, nhà giáo này ngậm ngùi chia sẻ: "Nói thẳng ra, hàng ngày tôi lên lớp một phần vì vẫn giữ lửa đam mê, phần vì tiếc những năm tháng nhọc nhằn theo đuổi ước mơ và công lao nuôi dưỡng của bố mẹ. Còn xét đến nhu cầu mưu sinh, đa số giáo viên chúng tôi, đặc biệt là những thầy cô trẻ, chưa được biên chế vẫn phải sống dựa vào gia đình hay tự tìm cho mình một nghề tay trái như: giặt là, bán hàng online…".

Nhà giáo Đỗ D. (giáo viên cấp 1 tại Hải Dương) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hơn 7 năm gắn bó với nghề giáo là từng ấy cô luôn tự hỏi "bao giờ giáo viên được sống bớt chật vật với đồng lương của chính mình?".

Sau khi ra trường, thay vì trở về quê, cô D. lựa chọn ở lại thành phố lập nghiệp và xây dựng tổ ấm. Chia sẻ về công việc và thu nhập của mình, nhà giáo này bắt đầu bằng một tiếng thở dài vì "cực và bèo lắm".

"Mọi người thường nghĩ, công việc của giáo viên chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm điểm; nhưng suy nghĩ ấy sai hoàn toàn.

Bên cạnh những việc "bề nổi", mỗi thầy cô còn có nhiệm vụ xử lý sổ sách, hồ sơ; thời gian trống thì lên tiết dự giờ, gửi giáo án hàng tuần… Chưa kể, giáo viên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ cấp trên, phụ huynh cho tới học sinh. Nhất là trong bối cảnh dạy online, "hòn đá" áp lực lại càng đè nén hơn bao giờ hết".

Theo cô D., cộng mức lương cứng với tất cả các khoản thu, từ dạy bán trú, phụ đạo… mỗi tháng, thu nhập của cô dao động từ 6,5 - 7 triệu đồng. Sống tại thành phố, mọi thứ đắt đỏ nên gia đình chẳng có gì dư dả. Cả nhà 3 người vẫn phải sống trong căn trọ rộng 20m vuông.

"Cứ cuối tháng là chi đủ thứ tiền, nào là tiền học của con, rồi tiền điện nước, tiền nhà, xăng xe… Nhiều lúc nghĩ đi làm từ 7h sáng, về nhà làm việc đến 22h đêm mà chỉ tạm đủ sống qua ngày thì tủi thân quá. Trong khi với mức thâm niên 7 năm, 10 năm, 20 năm, những người làm việc trong lĩnh vực khác hoàn toàn có thể mua nhà, tậu xe" - cô D. trải lòng.

Cần sự hỗ trợ và lộ trình tăng lương hợp lý

Khẳng định nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đã dành sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, song theo cô Đỗ D., thực tế, cuộc sống phần lớn nhà giáo ngày nay vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt trong vấn đề lương bổng.

Nhất là những thầy cô mới ra trường, giáo viên đang công tác ở vùng sâu… khó khăn sẽ càng chồng chất bởi nhiều yếu tố liên quan đến địa lý, môi trường.

"Nếu cuộc sống cứ diễn ra bình thường, sức khỏe tốt, gia đình bình an thì tôi nghĩ, mức lương hàng tháng cũng đủ cho giáo viên lo toan, trang trải. Nhưng lỡ không may, gia đình có chuyện, đồng lương còm cõi khiến chúng tôi chẳng biết dựa vào đâu.

Tôi mong, trước mắt, Nhà nước sẽ có trợ cấp bổ sung từ nguồn ngân sách để hỗ trợ đời sống giáo viên, nhất là trong thời buổi dịch bệnh, nhà giáo cũng chính là đối tượng bị tổn thương và cần trợ giúp.

Còn về lâu dài, nên có sự tính toán, cải cách hệ thống bậc lương, bởi muốn "nâng tầm" giá trị và năng lực để đóng góp vào sự phát triển giáo dục thì trước hết phải nâng cao mức sống để giáo viên có đủ sức lực và năng lượng cống hiến".

Nhà giáo Khổng T.H. cũng đồng tình với quan điểm này. Bên cạnh lộ trình tăng lương hợp lý cho đội ngũ giáo viên, cô H. còn mong muốn các bộ, ban ngành liên quan tạo điều kiện cho những nhà giáo có cơ hội được chuyển ngạch theo chuẩn nghề nghiệp.

"Bên cạnh đó, tôi hy vọng các đơn vị giáo dục, đặc biệt là UBND xã, huyện và thành phố… cần có kế hoạch hỗ trợ giáo viên trong việc mua máy móc hay thiết bị đồng bộ để hỗ trợ công tác giảng dạy, san sẻ gánh nặng với nhà giáo. Còn về phía tài liệu như sách vở, tài liệu dạy học, tôi nghĩ giáo viên chúng tôi có thể chủ động được" - cô H. đề xuất.

Vào ngành biên chế từ năm 2005, tính đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng, thầy T.V.V. (giáo viên cấp 3 môn Văn tại Thường Tín, Hà Nội) nhận được mức lương cứng là 7.902.000 đồng (trong đó đã có 3 lần tăng lương trước thời hạn vì có thành tích).

Giáo viên: Dạy học cực và bèo lắm? - 2
Với mức lương chưa đầy 8 triệu/tháng, thầy T.V.V. chia sẻ, cuộc sống và gia đình gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Với mức lương này, thầy V. khẳng định "chỉ đủ "đỏ lửa" 3 lần trong ngày; không có tích lũy, nuôi con hoặc đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ".

"Để có thể duy trì và trang trải cuộc sống gia đình, tôi phải dựa vào nguồn thu nhập đến từ việc dạy thêm. Phải dạy thêm thì gia đình tôi mới có một cuộc sống bình thường tối giản nhất, còn nếu không, chỉ dựa vào lương công chức, thì rất chật vật khó khăn".

Theo thầy V., dạy thêm không xấu. Đây hoàn toàn là cách lao động chính đáng; đồng thời đem lại lợi ích về kiến thức cho học sinh. Và với mức lương giáo viên như hiện nay, nhà giáo phải chân trong, chân ngoài là điều dễ hiểu.

"Tôi không kỳ vọng vào một lộ trình tăng lương. Điều tôi mong muốn là sự nhận thức của mọi người về dạy thêm, học thêm. Đây là nhu cầu thực tế khách quan đến từ người dạy và học.

Theo đó, cần có sự hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, để học sinh được học theo nhu cầu, và giáo viên được kiếm tiền một cách chính đáng, cải thiện chất lượng cuộc sống từ chính nghề nghiệp của mình".

Kiều Phương

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Bài viết phù hợp Báo Dân trí sẽ lựa chọn đăng tải. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm