Giáo viên đánh học sinh là hợp pháp tại nhiều bang của Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù Mỹ được đánh giá là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển và tốt nhất trên thế giới, tuy nhiên việc giáo viên đánh học sinh, bằng một tấm gỗ, như hình thức kỷ luật vẫn được coi là hoàn toàn hợp pháp tại nhiều bang của nước này.

C:\Users\User\Downloads\teacher-with-paddle.jpg

Theo báo cáo của tờ Washington Post, việc phạt học sinh bằng cách đánh bằng tấm gỗ này là hoàn toàn hợp pháp tại 19 bang của Mỹ tuy nhiên các giáo viên chỉ được đánh từ phần eo trở xuống và bắt buộc phải tránh các khu vực nhạy cảm.

Ví dụ như trong cuốn sách giới thiệu về một trường công tại thành phố Greenwood, bang Mississippi có ghi rõ: “Việc đánh học sinh vào mông được coi là một hình phạt đối với các học sinh vi phạm kỷ luật. Tuy nhiên, chỉ có hiệu trưởng cũng như phó hiệu trưởng mới được thực hiện hình thức xử phạt này và không được vượt quá 5 phát đánh. Hình phạt này sẽ không bị coi là hành động hành hung, tấn công hay bạo hành trẻ em”.

Tờ Washington Post cũng dẫn một số thống kê cho biết mỗi ngày tại Mỹ, có khoảng 838 học sinh phải chịu hình thức xử phạt trên và nếu chỉ tính riêng trong hệ thống trường công, trung bình cứ mỗi 30 giây lại có một học sinh bị đánh. Thống kê này cũng chỉ ra rằng phần lớn việc đánh học sinh bằng thước kẻ chủ yếu diễn ra ở các bang miền Nam như Mississippi, Alabama, Georgia và Texas. Đáng chú ý, số liệu trên cũng chỉ ra rằng mặc dù chỉ chiếm 16% tổng số học sinh trong hệ thống trường công của Mỹ song các học sinh da màu lại chiếm tới 35% trong tổng số học sinh bị phạt bằng thước kẻ.

Việc hình phạt này còn tồn tại đang vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia giáo dục khi cho rằng hình thức xử phạt này là thiếu hiệu quả và có thể gây ra các hậu quả tiêu cực trong thời gian dài. Hiệp hội Y tá học đường Quốc gia của Mỹ nhấn mạnh rằng điều này không chỉ đem đến các tổn thương về thân thể mà còn có khả năng dẫn tới các tác động tiêu cực đối với tinh thần của các học sinh, bao gồm gia tăng tính hiếu chiến cũng như các hành động chống đối.

DsK (Theo Washington Post)