1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Cô giáo sững người đọc văn của trò: "Bố cho ta những câu chửi khi ta khóc"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Bài văn viết về bố của học sinh lớp 8 khiến cô N.T.H. sững sờ trước những tổn thương ẩn giấu của học trò.

Bài văn đã được cô N.T.H. xin phép học trò và gia đình để chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Theo đó, khi được giáo viên yêu cầu viết 2 đoạn văn theo hai phong cách diễn dịch và quy nạp, nam sinh lớp 8 đã chọn viết về mẹ và bố.

Đoạn văn học trò viết còn nhiều lỗi đặt câu, chưa thực sự chuẩn về phong cách, chữ viết nguệch ngoạc, nhưng điều khiến cô H. quan tâm là nội dung của nó.

"Bố là người sinh ra ta. Bố luôn mắng chửi đánh khi đến tuổi tới trường. Bố là người kệ chúng ta trong việc học.

Bố luôn hy sinh để lấy lợi lộc cá nhân, khi ta ốm bố vẫn mặc kệ chúng ta có ốm hay không. Bố chỉ biết ngồi, nằm, hàng tháng không đưa tiền cho mẹ. Cho ta những câu chửi khi ta khóc. Là người đi luôn khi ta phạm sai lầm, là người đi xa ta dù cuộc đời có đổi thay.

Cho dù bố có như thế nào bố cũng là bố của em", đoạn văn viết.

Cô giáo sững người đọc văn của trò: Bố cho ta những câu chửi khi ta khóc - 1

Bài văn viết về bố của học sinh lớp 8 (Ảnh: NVCC).

Khi nhận bài làm của học sinh, cô N.T.H. sững người. Cậu học trò bình thường vẫn hồn nhiên, trong sáng và có phần vô tư, vô lo lại mang trong lòng những tổn thương về bố.

"Đoạn văn viết về mẹ của em ngọt ngào bao nhiêu thì đoạn văn viết về bố đau lòng bấy nhiêu.

Nhưng từng câu chữ không thấy em ghét bố, chỉ thấy rất giận khi không được bố quan tâm. Câu kết đoạn khiến tôi ứa nước mắt: "Cho dù bố có như thế nào bố cũng là bố của em".", cô H. chia sẻ.

Khi trao đổi với mẹ của học trò, cô H. được biết những gì học trò viết đều là sự thật. Bố của em không phải người tâm lý, không biết cách bày tỏ tình cảm với con cái dù thực lòng rất yêu thương.

Cô H. gửi bài văn của học trò về cho gia đình với mong muốn bố mẹ em sẽ điều chỉnh cách giao tiếp với con hằng ngày, để con cảm nhận được tình thân ấm áp, sự lo lắng ruột thịt.

"Ai cũng nói em là con trai, vô tư lắm, trẻ con, không biết gì. Nhưng không phải vậy. Đứa trẻ nào cũng khao khát được nghe những lời yêu thương. Thương cho voi cho vọt chỉ đẩy con cái và cha mẹ ra xa nhau", cô H. nói.

Cô H. kể thêm, cô luôn dùng chính những đề bài truyền thống như viết một bài văn về bố, mẹ, người thân để học trò được bộc lộ suy nghĩ của mình, và nhờ đó giúp các em kết nối, hàn gắn với gia đình.

"Tôi khuyến khích các em viết tự do, chân thật. Bài văn chân thật luôn là bài văn hay nhất.

Tôi nhớ mãi một học trò đã chọn viết về người mẹ đặc biệt - mẹ kế của em. Tôi đã gửi bài văn đó cho mẹ của em, cô ấy rất xúc động vì lần đầu tiên được biết rằng con gái riêng của chồng dành cho mình tình cảm rất đặc biệt.

Tất cả những quan tâm, chăm sóc của mẹ kế đều được cô bé đón nhận, biết ơn, nhưng không có cách nào để nói ra cho đến khi nhận được bài tập làm văn có yêu cầu "viết về người mà em yêu quý"", cô H. tâm sự.

Theo cô H, chương trình ngữ văn mới tăng cường nội dung nghị luận xã hội là một trong những yếu tố thúc đẩy học sinh bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, góc nhìn về cuộc sống quanh mình.

Thông qua những bài văn trong nhà trường, cha mẹ thầy cô có thêm dữ liệu để hiểu hơn con trẻ.

"Đây cũng là cơ hội để giáo viên ngữ văn sử dụng các tiết giảng để trau dồi tình cảm, nhân cách, định hướng nhân sinh quan cho học trò.

Tôi luôn quan niệm giờ văn không chỉ là giờ học đọc, học viết, học cảm nhận văn chương mà còn là học cách sống bao dung, hài hòa trong quá trình trưởng thành", cô H. nêu quan điểm.

Kể từ năm 2025, đề thi ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ thay đổi cấu trúc định dạng. Theo đó, đề thi chia làm hai phần gồm đọc hiểu và viết. Phần viết chiếm 6/10 điểm, với câu nghị luận văn học chiếm 2 điểm và nghị luận xã hội chiếm 4 điểm. 

Cô giáo sững người đọc văn của trò: Bố cho ta những câu chửi khi ta khóc - 2
Cô giáo sững người đọc văn của trò: Bố cho ta những câu chửi khi ta khóc - 3

Đề minh họa môn ngữ văn thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2025 (Ảnh chụp màn hình).

Việc tăng số điểm câu nghị luận xã hội lên gấp đôi câu nghị luận văn học cho thấy sự đổi mới trong việc đánh giá năng lực của học sinh ở môn học này theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.