Giáo viên bắt học sinh tát bạn: Giáo dục quyền uy, áp đặt khiến giáo viên ngộ nhận
(Dân trí) - Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Giáo dục quyền uy và áp đặt, thiếu dân chủ của chúng ta đã tồn tại quá lâu trong các trường công lập. Thầy giáo luôn cho mình là nhất, kiến thức của thầy là duy nhất, học sinh phải ngoan ngoãn tiếp thu… chính vì vậy mới nảy sinh bạo lực học đường”.
Thưa tiến sĩ, vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái tại Quảng Bình vì nói tục đang gây bức xúc, cả xã hội lên án, thì nay tại Hà Nội lại xảy ra trường hợp tương tự như vậy. Theo ông, vì sao bạo lực học đường trong nhà trường giữa giáo viên và học sinh ngày càng lớn, không được chấm dứt?
Trong nhà trường bạo lực giữa học sinh với học sinh đã không được, cần phải nghiêm trị rồi. Nay, xảy ra bạo lực giữa giáo viên với học sinh lại càng không được, vừa vi phạm đạo đức nhà giáo, vừa vi phạm pháp luật về quyền bảo vệ trẻ em.
Tại sao cứ kéo dài mãi không dứt khiến dư luận bức xúc, mất niềm tin vào giáo dục. Theo tôi, có 3 vấn đề:
Thứ nhất, giáo dục quyền uy và áp đặt, thiếu dân chủ của chúng ta đã tồn tại quá lâu trong các trường công lập. Thầy giáo luôn cho mình là nhất, kiến thức của thầy là duy nhất, học sinh phải ngoan ngoãn tiếp thu.
Bây giờ khoa học phát triển, nguồn thông tin có rất nhiều, kiến thức không chỉ trong sách giáo khoa mà học sinh có điều kiện tham khảo rất nhiều nguồn học liệu khác trên Internet. Do đó, trong nhà trường, giáo viên không chỉ dạy học sinh kiến thức trong sách vở mà phải dạy học sinh làm người là chính. Phải phát triển tư duy học sinh để học sinh tự tìm kiếm kiến thức, học sinh phải áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Hiện nay, giáo viên vẫn bảo thủ, dạy theo quán tính, dạy theo sách giáo khoa. Từ đó, dẫn đến nhà trường và thầy cô giáo coi như mình quyền độc tôn, lúc nào cũng đúng, học trò phải nghe theo.
Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo thiếu năng lực, thiếu phẩm chất lại càng dựa vào quyền của mình để dạy học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ giáo viên này, chúng ta phải thừa nhận có nhiều giáo viên giỏi, giúp đỡ học sinh, thực hiện đúng đổi mới giáo dục.
Thứ hai, Các thầy cô giáo không được đào tạo đầy đủ về năng lực sư phạm, năng lực nghề nghiệp từ các trường sư phạm. Trong trường sư phạm vẫn nặng dạy về kiến thức còn tâm lý giáo dục dạy rất ít.
Các sinh viên sư phạm phải tiếp cận học sinh nhiều, phải thực hành nhiều ở trường học thì mới có kiến thức thực tiễn, có năng lực học tập để khi ra trường mới phát triển được.
Thứ ba, Hiện nay, trong các nhà trường, thường không kiểm tra đánh giá về mặt nghiệp vụ đầy đủ đối với giáo viên mà chỉ dự giờ để nhận xét; một số trường lấy ý kiến học sinh đánh giá giáo viên nhưng không có tác dụng nhiều vì với việc này nếu không cẩn thận sẽ là con dao 2 lưỡi, gây tổn thương tới giáo viên.
Thưa ông, để xảy ra các vụ “ tát” học sinh, có phải do áp lực thi đua đã đè nặng lên vai giáo viên, lên nhà trường, đã làm mụ mị họ, đã làm mất hết kỹ năng sư phạm dẫn đến phản giáo dục, ảnh hưởng đến thanh danh đội ngũ nhà giáo?
Theo tôi, công cụ dạy học của giáo viên chính là nhân cách của mình.
Nhân cách của giáo viên phải đủ lớn, tỏa sáng. Thầy giáo phải có tình yêu thương với tất cả học sinh, phải tôn trọng học sinh, khoan dung với học sinh, chỉ cái sai, cái đúng cho học sinh. Chính vì vậy, giáo viên phải nhìn nhận và tự tu dưỡng nhân cách của mình.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không nhìn thấy đặc thù của nhà giáo. Ví dụ: Đề xuất xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất nhưng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ lại trả lời không làm được, tốn kém. Như vậy không hiểu gì về giáo dục.
Ngành giáo dục khác với các ngành khác, sản phẩm của họ là đào tạo ra một con người tốt. Một người thầy giúp hết thế hệ này đến thế hệ khác phát triển, trở thành người có năng lực, có phẩm chất có lợi cho đất nước thì không ai tính đến điều đó.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải kể tới bệnh thành tích trong nhà trường. Bản chất của giáo dục là phát triển nhân cách của học trò chứ không phải là thi đua, trường chuẩn quốc gia. Cái này chỉ là công cụ, là phương tiện để đạt đến chất lượng giáo dục chứ không phải mục tiêu giáo dục.
Trong vụ 231 cái tát, nhầm lẫn của hiệu trưởng là đi xin báo chí không đưa để trường đạt chuẩn. Bệnh thành tích trong giáo dục là rào cản, làm cho con người ta dám hy sinh hết để chạy theo.
Đã có rất nhiều giải pháp đưa ra nhưng hình như không hiệu quả. Theo ông, đâu là giải pháp kiên quyết nhất để chấm dứt được tình trạng này?
Việc đầu tiên là quy trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở trường sư phạm phải thay đổi để có hiệu quả. Đối với cơ sở sử dụng phải chọn lọc giáo viên. Những giáo viên nào không đủ phẩm chất, đủ năng lực thì loại luôn chứ không thể cứ vào biên chế là yên tâm ngồi đó, không loại được.
Bên cạnh đó, tôn vinh và đãi ngộ thầy giáo phải làm tốt, nhà nước phải đứng ra làm. Với giáo dục không nên tiếc nếu muốn chọn người tài vào làm giáo dục.
Hiện nay, chúng ta loay hoay mãi chưa trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông. Các trường không được làm chủ, cấp trên sai gì làm nấy. Nhà trường phải được coi như một doanh nghiệp. Giáo viên và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tự chủ kèm theo đó là dân chủ.
Có dân chủ thì học sinh mới được nói, mới được phản ánh. Phải tuyên truyền để học sinh biết được quyền của mình, chứ không phải lúc nào cũng bảo học sinh hỗn, học sinh láo. Hội phụ huynh, tổ chức Đoàn, Đội phải đứng ra bảo vệ học sinh. Không thể để giáo viên, hiệu trưởng muốn làm gì thì làm. Giải pháp đó mới là quan trọng.
Giải pháp nữa là phải phát huy nội lực của thầy cô giáo, để nâng thêm lòng yêu nghề, trách nhiệm của mình với công việc. Đặc biệt, nghề dạy học là nghề sáng tạo trong phương pháp.
Hiện giờ, giải pháp cao nhất là đình chỉ giáo viên và phạt tiền, không hiệu quả.
Tôi nghĩ, giáo dục chưa được đối xử đúng với tầm của nó. Giáo dục cứ nói là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là lời nói, thực tế giáo dục có được đối xử như vậy đâu. Nhà nước, xã hội phải chuyển biến trước thì nhà trường mới đi sau được. Cứ đòi hỏi nhà trường, giáo viên phải hy sinh đi trước là không được.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nhật Hồng