Giáo sư Ngô Bảo Châu: Đừng để mất quan hệ mật thiết với Toán học

(Dân trí) - Giải đáp câu hỏi của học sinh sau khi hết cấp 1 lên cấp 2 rồi cấp 3 bỗng học cực kém môn Toán, Giáo sư Ngô Bảo Châu phân tích rằng bạn học sinh này đã mất đi quan hệ mật thiết với Toán học.

Tối 24/8, tại Trung tâm văn hoá Pháp, Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng người bạn đồng môn của mình là Giáo sư Cédric Villani đã có buổi chia sẻ để “tiếp lửa” đến các bạn sinh viên, đặc biệt là về Toán học.

Cả GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani cùng nhận giải thưởng Fields (được xem là "giải Nobel Toán học") vào năm 2010, cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt ở Pháp và Việt Nam. Tại buổi giao lưu, hai giáo sư đã chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về phương pháp giáo dục, xuất phát từ những cuộc phiêu lưu toán học của mình.

Tham gia buổi giao lưu, các bạn học sinh, sinh viên có mặt đều vô cùng háo hức. Nhiều người không ngần ngại đặt ra những câu hỏi thú vị và có phần “hóc búa” dành cho GS Ngô Bảo Châu.

11898603-10201127238218827-5203092282602917648-n-1d11e
Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng Giáo sư Cédric Villani "tiếp lửa" toán học cho các bạn học sinh.

Một học sinh nhỏ tuổi hỏi: “Trước đây, cháu là học sinh giỏi nhất lớp môn toán, nhưng bây giờ cháu học kém, chỉ đứng thứ tư, thứ năm của lớp. cháu không hiểu tại sao lại như vậy?”.

Trả lời em học sinh, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Cháu còn nhiều thời gian. Không bao giờ là quá muộn để học mọi thứ. Trước kia, có những vấn đề bản thân tôi học trong suốt 4-5 năm dù không hiểu gì".

Một nữ sinh viên khác lại đặt vấn đề: "Hồi còn học ở tiểu học em học rất giỏi toán nhưng sang đến cấp 2, rồi tới 3 năm THPT, em trở nên không biết gì về toán. 2 lần thi thử tốt nghiệp em đều bị điểm 0 môn toán. Để em vượt được qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ đã phải mời 3 gia sư về dạy, trong đó 2 gia sư phụ đạo môn đại số, 1 gia sư kèm môn hình học. Em thi vào đại học với 3 môn văn - sử - địa.

Em tự đặt ra câu hỏi vì sao từ một học sinh giỏi toán em lại trở nên kém cỏi như vậy. và câu trả lời của em là với môn văn, nếu bỏ qua một thời gian em vẫn học được. Còn môn toán thì không thể".

Câu hỏi trên dành được nhiều sự chú ý của những người có mặt trong khán phòng. Đứng dậy khỏi chiếc ghế, GS Ngô Bảo Châu nói: “Tôi nghĩ rằng chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 là quá trình khó khăn. Bởi vì môn toán thay đổi, không chỉ là các con số đơn thuần mà chuyển sang dạng thức mới.

Ở tiểu học, môn toán là các con số 1, 2, 3, 4 thực tiễn hàng ngày. Trong khi đó ở cấp 2 bắt đầu các khái niệm trừu tượng, học về góc, về tam giác. Và như vậy, thật sự các em bước vào lĩnh vực mình hoàn toàn không biết, đi vào những vấn đề trừu tượng hơn. Bản thân tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để hiểu như thế nào là góc và làm các bài toán.

Đây chính là lúc các bạn mất đi quan hệ thân thiết với toán. Bởi vì bây giờ chúng ta phải làm việc với các khái niệm trừu tượng rồi.”

Sau khi phân tích, dù không đưa ra giải pháp cho tình trạng học toán sa sút của học sinh trên, nhưng theo GS Ngô Bảo Châu, đối với Toán học, chúng ta luyện dần sẽ quen và hãy thay thế những khái niệm trừu tượng bằng cái dễ hình dung để cảm nhận. “Tôi cũng phải luyện và làm quen với những khái niệm vô cùng trừu tượng. Đôi khi suy nghĩ về một điều, tôi cũng phải thay khái niệm trừu tượng bằng những con số để bớt trừu tượng đi, như vậy sẽ dễ hình dung hơn”, GS Châu nói.

Cùng trả lời câu hỏi trên, người bạn đồng môn của GS Ngô Bảo Châu là GS Cédric Villani đưa ra chia sẻ thú vị: "Tôi thấy rằng một môn học có rất nhiều giai đoạn khác nhau trong một quá trình đào tạo. Chúng ta có thể rất giỏi tại giai đoạn 1, nhưng đến giai đoạn 2 lại chẳng hiểu gì, và ngược lại. Lấy ví dụ ngay từ chính bản thân tôi, khi ở giai đoạn 17, 18 tuổi tôi rất giỏi về đại số, thường xuyên đứng đầu lớp ở môn học này. Nhưng vài năm sau tôi không hiểu gì đại số nữa. Bây giờ, nếu anh Châu mà giải thích cho tôi những gì anh đang làm, anh Châu sẽ phải dạy kèm cho tôi 3, 4 năm trước đã. Tôi ví dụ như vậy để thấy rằng hố ngăn cách giữa tôi với đại số là rất lớn. Điều quan trọng nhất là chúng ta cố gắng làm giỏi những điều mà chúng ta có hứng thú".

Về việc dạy và học Toán hiện nay trong nhà trường, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, có những sai lầm khi quan trọng hóa lý thuyết mà quên đi việc thảo luận những ưu việt, lý giải sự giúp ích của Toán học. Theo ông,để học sinh thích học Toán, cần đưa vấn đề khó hơn một chút để các em cố gắng hơn với những bài toán sau.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)