Giáo sư Hàn Quốc: Nền giáo dục giận dữ “giết chết” sức sáng tạo của học sinh
(Dân trí) - Giáo sư Peck Cho đến từ Trường Đại học Hàn Quốc, chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc và cũng là người thiết kế chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” nhấn mạnh, học sinh không thể hạnh phúc và có sức sáng tạo nếu lớn lên trong nền giáo dục nhiều sự giận dữ, buồn bã.
Dạy gì để tương lai học sinh cạnh tranh được với trí tuệ nhân tạo?
Tại tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây, GS Peck Cho, đến từ Trường Đại học Hàn Quốc cho rằng, nhiều trường học đang có phương pháp giáo dục đầy sự giận dữ.
Ông nhắc đến nền giáo dục nhiều sự “giận dữ” bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố Memorizing (Ghi nhớ), Analyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu).
Giáo sư Peck Cho ám chỉ cách dạy học nhồi nhét kiến thức, áp đặt, bắt học sinh ghi nhớ khiến chúng áp lực, không hạnh phúc khi đến trường.
“Nếu muốn nhìn thấy tương lai của một đất nước hãy đến thăm các trường đại học. Trường học là tương lai của một quốc gia. Do vậy trường học phải thay đổi để tạo nên nền giáo dục đáp ứng nhu cầu tương lai”, ông phát biểu.
Đặt câu hỏi vì sao trường học phải thay đổi và cần thay đổi gì cho tương lai, GS Peck Cho khẳng định, chúng ta không thể hạnh phúc nếu có một nền giáo dục nhiều sự giận dỗi, buồn bã.
“Các bạn có đang có một nền giáo dục nhiều sự giận dữ, buồn bã không? Nếu có chúng ta phải chấm dứt ngay bây giờ. Nền giáo dục nhiều sự giận dữ là nền giáo dục mà học sinh phải ghi nhớ, phân tích, xử lý quá nhiều số liệu.
Nền giáo dục buồn bã là nền giáo dục học sinh trở thành con rối, không có giấc mơ hoặc bị tạo áp lực phải vào đạt điểm cao, vào trường đại học tốt”, ông Peck nêu vấn đề.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thế giới một cách vô cùng nhanh chóng, nền giáo dục cũng cần thay đổi để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Không đâu xa, ngay tại Việt Nam, robot đã bắt đầu chiếm những công việc của con người, ngay từ bây giờ.
Chúng ta hiện tại đang có công việc của mình nhưng thế hệ tương lai của chúng ta có thể nhiều người không có việc, đó là thực tế. Ước tính có 70% công việc mới sản sinh từ 2020-2030 và 80% công việc sẽ biến mất trong 10 năm nữa.
Vậy chúng ta phải dạy gì để tương lai học sinh cạnh tranh được với trí tuệ nhân tạo?
“Đó là sự sáng tạo và khả năng làm việc tập thể. Học sinh tương lai có thể thông minh nhưng phải biết phối hợp với tập thể trong sáng tạo, chúng sẽ tạo ra kỹ năng cảm xúc xã hội. Nền giáo dục giận dữ sẽ không được chấp nhận nữa. Lịch học tập 18h/ ngày sẽ không được chấp nhận nữa. Học sinh phải được tiếp cận nhiều kỹ năng mới”, vị giáo sư người Hàn chia sẻ.
Tiếp cận phương pháp giáo dục từ góc độ tâm lý học, ông Peck khẳng định, một gia đình lành mạnh rất quan trọng trong phát triển nhân cách của trẻ.
Dẫn chứng các nghiên cứu về việc não trẻ không phát triển bình thường nếu lớn lên trong gia đình có mầm mống bạo lực, thiếu chỉ dẫn, nhiều áp lực và căng thẳng, Peck Cho cho hay, những đứa trẻ này lớn lên sẽ gặp vấn đề liên quan đến cảm xúc nhận thức xã hội. Chúng sẽ là nhóm dễ rơi vào trầm cảm, nghiện game, dùng chất kích thích, tự tử...
Cũng giống như gia đình, trường học mang đến những cảm xúc tích cực sẽ quan trọng với sự phát triển và tính sáng tạo của trẻ. Khi gặp cảm xúc tiêu cực, não sẽ hoạt động khác với khi gặp cảm xúc tích cực.
Khi gặp căng thẳng thì cơ thể sẽ chiến đấu hoặc chạy trốn (trạng thái sinh tồn) như thế mất đi chỗ cho sự sáng tạo. Để có sự sáng tạo phải liên kết não cảm xúc với não tư duy. Nếu trường học chỉ mang đến cảm xúc tiêu cực thì đừng trông đợi sáng tạo.
“Rất nhiều trường có sự giáo dục giận dữ, buồn bã. Khi môi trường chỉ có sự áp đặt, kiểm soát thì không thể mong học sinh thay đổi, có kết quả tốt.
Nếu trường muốn học sinh tốt hơn thì phải cho học sinh quyền hi vọng, ước mơ và hạnh phúc. Những đứa trẻ và giáo viên phải được giải phóng. Không phải bằng cây gậy (sự thúc đẩy từ bên ngoài) mà cần sự thúc đẩy từ bên trong.
Và đó chính là hi vọng, ước mơ và cảm giác hạnh phúc. Nhà trường phải đẩy lùi cảm xúc tiêu cực, huấn luyện cảm xúc để tạo nên sự biến chuyển cảm xúc tiêu cực thành tích cực”, GS Peck Cho lưu ý.
Hiệu trưởng thay đổi, trường học hạnh phúc
Dẫn những lý do như học sinh thô lỗ, việc đó khó thực hiện, phụ huynh lúc nào cũng yêu cầu, đòi hỏi và chỉ quan tâm đến con mình, nhiều giáo viên chỉ được chuẩn bị bài giảng chứ chưa được chuẩn bị về hạnh phúc cùng rất nhiều quy định từ nhiều phía, ông cho rằng việc thay đổi đẩy lùi nền giáo dục nhiều sự giận dữ không hề dễ dàng. Rất nhiều giáo viên có gương mặt nhăn nhó, trùng xuống hàng ngày là một minh chứng.
Tôi đồng ý lỗi tại người này người kia nhưng chỉ duy nhất một điều tôi không thể đồng ý với các bạn: “Tôi không thể làm gì cả”. Tôi tin rằng, dù tình huống ngoại cảnh khó khăn đến thế nào nhưng luôn có điều gì đó mà mình có thể làm, dù nhỏ thôi…
Những việc làm dù nhỏ có thể mang lại thay đổi lớn lao làm cho học sinh hạnh phúc để phát triển đúng sở trường, đam mê của mình. Và để làm được điều đó, người hiệu trưởng phải đi đầu. Hiệu trưởng hạnh phúc để tạo trường học hạnh phúc.
Cũng tại Tọa đàm, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội đã có những chia sẻ về hành trình làm Hiệu trưởng hơn 25 năm của ông và vì sao ông chọn lựa xây dựng ngôi trường mình đứng đầu trở thành ngôi trường hạnh phúc.
Thầy Hòa tâm sự, trong 10 năm đầu thành lập trường, tầm nhìn của ông cho trường tư khi đó “cũng chỉ đến được tầm trường công là hết. Bởi học sinh vào trường ông khi đó không quậy phá thì cũng học kém, đơn giản vì "bị trường công từ chối mới phải vào trường dân lập" chứ con ngoan, trò giỏi mấy ai vào trường tư học.
Mục tiêu của vị hiệu trưởng lúc bấy giờ là làm sao tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường mình cũng đạt 60 - 70% như trường công. Song nhiều năm trường vẫn dậm chân tại chỗ. Lúc đó, ông nghĩ mình cần phải thay đổi và tìm hướng đi mới cho trường.
Mỗi học sinh là một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nên nhà trường cam kết không lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi để xem xét, đánh giá giáo viên. “Chúng tôi cũng không lấy chỉ tiêu thành tích để đánh giá các lớp bởi mỗi lớp đều có sự khác biệt, hoàn cảnh khác nhau. Thay vào, sự tiến bộ của học trò và thay đổi của mỗi lớp mới là thước đo năng lực của thầy cô giáo và đó cũng là thước đo chất lượng của trường”, thầy Hòa chia sẻ.
Học sinh ngày càng tiến bộ và lượng học sinh nộp đơn vào trường ngày càng tăng lên thế nhưng những áp lực mới lại nảy sinh: bạo lực học đường.
“Đây là vấn đề xảy ra hàng ngày. Hàng mấy nghìn học sinh ở các độ tuổi khác nhau, mỗi em một tính nết, hoàn cảnh, văn hóa gia đình khác nhau nên khi tập hợp lại thì xảy ra chuyện cãi cọ, bất đồng, đánh nhau. Có lúc phụ huynh kéo cả bè cánh đến đe dọa, đập phá trường… Cũng có lần trẻ chửi lại, cô giáo bị xúc phạm rồi kiện hiệu trưởng làm mất danh dự nhà giáo và xin thôi việc. Rồi học sinh kéo bè đánh nhau, bố mẹ nói nhà trường không biết dạy, để học trò đánh nhau. Hiệu trưởng đôi khi là quan tòa, khi trở thành người bị kiện, cũng là người bị phụ huynh trách móc”…
Suốt ngày giải quyết những chuyện đau đầu như vậy, vị hiệu trưởng thấy mình già đi rất nhanh, tóc đần bạc cả đầu.
Làm sao để thôi bức xúc, căng thẳng ngày ngày như vậy, phải có cách gì đó để các giáo viên tự giải quyết được vấn đề này. Thầy hiệu trưởng sau nhiều trăn trở giải quyết bạo lực học đường từ mầm mống đã nhận ra, cốt lõi phải nâng cao hiểu biết tâm lý học của thầy cô và các bậc phụ huynh. Làm sao phụ huynh cũng trở thành những thầy cô giáo của chính con em họ chứ không chỉ giao phó 100% cho nhà trường.
Và lớp học giá trị sống cho giáo viên của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập. “Chỉ sau 4 ngày, các giáo viên đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn. Họ thay đổi chính bản thân, biết chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành tích cực, có kỹ thuật, kỹ năng chia sẻ, động viên khuyến khích học sinh. Biết tổ chức lớp học, xây dựng kỷ luật tích cực theo phương pháp tâm lý học”.
Thầy Hòa cho rằng, điều quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc là hiệu trưởng phải chấp nhận thay đổi đầu tiên.
Bản thân thầy Hòa cũng tham gia và sau khóa học ông cảm thấy mình như trẻ lại, vui vẻ và hạnh phúc hơn. “Tôi trở thành người hạnh phúc, vui vẻ hơn và tôi nhìn nhận những khuyết điểm để hỗ trợ chứ không phải đay nghiến hay xử phạt.
Hiệu trưởng hạnh phúc thì nhà trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc và kéo theo gia đình học sinh, xã hội mới hạnh phúc.
Chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên những cảm xúc tích cực, được sáng tạo và tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha và tạo được môi trường yêu thương.
“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên.
Từ giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh và từ học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. Cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lệ Thu