Những câu hỏi đó đã được đề cập khá nhiều trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong hy vọng đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp tư duy từ cách đặt câu hỏi đến nhận thức về giáo dục, TS Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Tâm Việt Group đã bày tỏ với báo chí những tâm huyết của mình.
Vừa là một thầy giáo lâu năm, vừa là Tổng Giám đốc một tập đoàn giáo dục đào tạo, ông có đánh giá gì về nền giáo dục nước ta hiện nay?
Nền giáo dục Việt Nam hiện nay quá chú trọng về IQ tức là logic, trí thông minh. Giống như chiếc máy tính, IQ chính là phần cứng, là bộ khung, rất khó thay đổi. Thực chất ta cũng chỉ nói về IQ chứ chưa thực sự có phương pháp đào tạo và rèn luyện để tăng IQ cho người Việt Nam. Điều đó có thể nhận thấy ngay trong hình thức đào tạo thầy đọc, trò chép, thi cử thiếu trung thực.
Thực tế, nền giáo dục chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa xin cho, chờ đợi. Học sinh đi học chỉ đợi thầy “rót” bao nhiêu kiến thức thì “hứng” chứ chưa thực sự chủ động, tham gia tích cực vào bài giảng. Chính vì vậy sinh viên ra trường đi làm, câu đầu tiên là: “Em đến để học hỏi, hy vọng anh chị giúp đỡ”. Mới nghe tưởng khiêm tốn nhưng tư duy kiểu này cực kỳ nguy hiểm. Vì nếu tư duy học hỏi thì chỉ mãi mãi theo đuôi, thầy truyền cho 8 thì chỉ biết 6; đến khi dạy lại người khác có khi chỉ còn được 4.
Vậy theo ông, phương pháp giảng dạy nào mới là hữu hiệu?
Chúng ta cần tập trung chủ yếu vào EQ (Emotional Quotient) là trí tuệ xúc cảm và SI (Social Interation) là sức mạnh tập thể hơn.
Người Việt Nam ta rất thông minh, nhiều tài năng trẻ đạt các giải thưởng quốc tế nhưng thử hỏi trong số những người đó mấy ai đóng góp được nhiều cho xã hội tương xứng với tài năng và trí tuệ của họ. Giỏi nhưng không muốn làm thì có đóng góp được gì không?
Thực tế, để đóng góp cho xã hội trước tiên là phải muốn đóng góp, đam mê làm việc. Khi đã có được niềm yêu thích thì bạn sẽ tìm được mọi cách để thực hiện nó. Thế nên kiến thức hay IQ chỉ là thứ yếu (chỉ chiếm chưa đầy 20%).
Gần đây, thế giới có nhắc tới SI là mối quan hệ với xã hội, sức mạnh tập thể, đồng đội cùng đóng góp. Nếu như người giỏi mà không tương tác với xã hội, chỉ phục vụ bản thân mình thì chưa thực sự thành công. Không ai mạnh bằng tất cả chúng ta cộng lại. Không có gì mới chỉ có sự kết nối mới. Xã hội chỉ phát triển khi mỗi cá nhân đóng góp nhiều hơn sự đòi hỏi cá nhân.
Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy hữu hiệu nhất là biến trường học thành sân chơi đích thực, thành môi trường sống thực sự. Thầy cô giáo đến lớp để mong muốn học sinh thay đổi, thực sự là người hỗ trợ học thì bài học sẽ luôn luôn mới.
Còn học sinh đến lớp để đóng góp và xây dựng cuộc sống đơn giản chỉ là chuẩn bị một câu chuyện chia sẻ cho bạn bè, bài hát hay hoặc những sai lầm của mình cũng mang lại cho bạn bè nhiều bài học bổ ích - học từ kinh nghiệm của người khác.
Như vậy thì học sinh sẽ yêu thích đến lớp, đam mê học thực sự, mong muốn đóng góp cho tập thể cũng chính là đóng góp cho xã hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi rất quan tâm đến ý tưởng "Biến trường học thành môi trường sống thực sự" mà ông vừa đề cập. Để làm được điều đó có cần 1 phương pháp giáo dục đặc biệt. Và ông có ý tưởng gì để biến nó tthành hiện thực?
Chắc chắn là rất cần một phương pháp giáo dục mới lấy người học làm trung tâm hay còn gọi là học qua trải nghiệm. Với phương pháp này, học viên sẽ được học qua những ví dụ minh hoạ, tình huống và bài tập sinh động dựa trên sự họat động của bộ não. Chúng ta chỉ tiếp thu được kiến thức khi tinh thần vui vẻ, sảng khoái vì vậy thầy cô giáo và học viên hãy cùng tạo môi trường thân thiện, nhiệt tình.
Tôi tin chắc với phương pháp đặc biệt này cùng với sự kết hợp hài hòa từ trên xuống dưới, nền giáo dục Việt Nam sẽ thực sự sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Trí Kiên
(Thực hiện)