Giáo dục quốc tế - Ngành đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế Úc
Xác định giáo dục quốc tế là trọng điểm trong quá trình xây dựng nền kinh tế dịch vụ, giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, chính phủ Úc không ngừng đưa ra những chính sách quan trọng về chất lượng giáo dục và thị thực để thu hút sinh viên quốc tế.
Với lợi thế về vị trí địa lý nằm gần các quốc gia châu Á đông dân, tăng trưởng mạnh, có nhu cầu về tài nguyên và năng lượng cao như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản….đã giúp ngành khai mỏ của Úc phát triển bùng nổ trong suốt cả thập kỷ (2000 – 2010), đóng góp đầy ấn tượng vào GDP toàn quốc cũng như mức thu nhập của người dân nơi đây. Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong yêu cầu phát triển của quốc gia này khi tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc – đối tác xuất khẩu tài nguyên chính của Úc chững lại, giá quặng sắt, than đá, dầu mỏ…sụt giảm, đồng đô Úc tăng giá, lợi nhuận thu về thấp dẫn tới đầu tư vào ngành khai mỏ giảm theo, kết thúc giai đoạn bùng nổ về khai thác tài nguyên tại đây. Đây được xem là thời điểm quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ Úc chú trọng phát triển bền vững một số ngành xuất khẩu khác nhằm giảm phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo được.
Bên cạnh ngành công nghiệp khai khoáng truyền thống, cùng với dịch vụ tài chính, sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp du lịch, giáo dục quốc tế trở thành ngành dịch vụ đặc biệt quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của Úc.
Theo báo cáo 2015 của cơ quan thương mại Úc (Austrade), tính đến năm 2014, Úc là nước đứng thứ 4 thế giới về số lượng sinh viên quốc tế. Dịch vụ giáo dục quốc tế đem lại 17 tỷ AUD cho nước này trong năm 2014, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ và 5% tổng giá trị xuất khẩu chung toàn quốc. Dịch vụ này cũng giúp tạo ra trên 150.000 việc làm toàn thời gian cho xã hội Úc, chủ yếu là trong các lĩnh vực về nhà ở, thực phẩm và giáo dục. Đặc biệt, giáo dục quốc tế là đòn bẩy quan trọng cho ngành dịch vụ du lịch nước này. Thông qua lực lượng sinh viên quốc tế đang học tập tại đây, Úc thu hút lượng lớn khách du lịch là người nhà du học sinh, đồng thời quảng bá mạnh mẽ về du lịch quốc gia. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Anh, Mỹ, sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hongkong, Malaysia và Singapore đã đưa ngành du lịch Úc xếp thứ tám toàn cầu với doanh thu năm 2013 là 28,4 tỷ USD và dự kiến đạt 111 tỷ USD vào năm 2017-2018.
Cùng với những đóng góp lớn về kinh tế, giáo dục quốc tế còn là kênh quan trọng để cung cấp lao động có trình độ, tay nghề cao bán thời gian thông qua nguồn sinh viên quốc tế trong quá trình học và lao động toàn thời gian khi sinh viên quốc tế tốt nghiệp. Lực lượng này được đào tạo tại Úc, có thời gian trải nghiệm xã hội Úc trong quá trình học cũng như sau tốt nghiệp và được chính thị trường lao động nơi đây tuyển chọn, nên được xem là một trong những nguồn cung tốt nhất hiện nay để bù đắp thiếu hụt lao động có tay nghề.
Với vai trò quan trọng của giáo dục quốc tế như vậy, chính phủ Úc đặc biệt chú trọng về các chính sách ưu đãi nhằm phát triển ngành dịch vụ này. Theo báo cáo về dịch vụ giáo dục quốc tế 2015 của Uỷ ban năng suất Úc (Productivity Commission), hai đòn bẩy quan trọng được chính phủ Úc sử dụng để đảm bảo phát triển ổn định ngành giáo dục quốc tế như sau:
Thứ nhất: Xác định việc đảm bảo cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao là điều kiện căn bản
Trong ngành dịch vụ giáo dục quốc tế, Úc không những chịu sự cạnh tranh của các quốc gia truyền thống nói tiếng Anh khác như Mỹ, Anh, Canada mà còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những thị trường mới, vốn từng là khách hàng chính của Úc như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Malaysia và cạnh tranh từ chính những trường của Úc đào tạo tại nước ngoài. Xác định là một ngành dịch vụ mũi nhọn của nền kinh tế nhưng với mặt bằng thu nhập, mức sống, giá cả và lương cao tại Úc, quốc gia này gần như không thể cạnh tranh được về học phí, sinh hoạt phí...với các quốc gia khác, mà phải cạnh tranh bằng chất lượng của chương trình giáo dục do Úc cung ứng.
Bên cạnh sự vận động tích cực của các cơ sở đào tạo, chính phủ Úc còn đưa ra nhiều hệ thống kiểm soát thông qua các bộ luật và cơ quan kiểm định để thu hút mạnh mẽ sinh viên quốc tế. Hiện tại, các cơ sở giáo dục dạy tiếng Anh (ELICOS) và dạy nghề (VET) tại đây được kiểm soát chất lượng thông qua tổ chức ASQA (Australian Skills Quality Authority); các cơ sở giáo dục sau THPT (Higher education) được kiểm soát thông qua TEQSA (Tertiary Education Quality Standards Agency); các cơ sở giáo dục trung học (Schools) được kiểm soát thông qua chính quyền tỉnh bang. Bộ luật Dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế (Education Services for Overseas Students Act – ESOS 2000) đưa ra những quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi tối đa cho du học sinh đến học tập tại Úc về khoá học, học phí, nhà cung cấp dịch vụ và quản lý những rủi ro trong thời gian học. Điều này khẳng định sự đầu tư bài bản của chính phủ nước này về chất lượng đào tạo nhằm đảm bảo tăng trưởng ngành giáo dục quốc tế trong thời gian tiếp theo.
Thứ hai: Chính sách thị thực chặt chẽ nhưng đơn giản, nhiều ưu đãi cho sinh viên quốc tế và người thân
Đây là đòn bẩy đặc biệt quan trọng đối với dịch vụ giáo dục quốc tế của Úc. Bên cạnh việc tìm kiếm chương trình đào tạo quốc tế chất lượng tại Úc, sinh viên quốc tế còn tìm kiếm những ưu đãi khác thông qua các quy định về thị thực (visa) dành cho bản thân và người nhà. Điều này cũng đặt Úc trước những thách thức không nhỏ để vừa duy trì được phát triển dịch vụ giáo dục quốc tế, vừa kiểm soát được người nhập cư thông qua thị thực du học.
Dưới đây là một số mốc quan trọng về chính sách thị thực của Úc cho sinh viên quốc tế và người thân:
Tháng 11/2011: Úc bổ sung yêu cầu về điều kiện cư trú tạm thời GTE (Genuine Temprorary Entrant). Theo đó yêu cầu đương đơn xin visa du học phải chứng minh được mục đích du học thực sự của mình thông qua hoàn cảnh tại nước mang quốc tịch, khả năng học tập tại nước sở tại và tại Úc, lịch sử nhập cư, giá trị mà khoá học mang lại, ràng buộc tại nước sở tại…Đây cũng chính là tiền đề để tiến tới sự ra đời của chương trình xét duyệt visa ưu tiên SVP (Streamlined Visa Processing).
Tháng 03/2012: Úc công bố chương trình xét duyệt visa ưu tiên SVP. Theo đó, đương đơn cần đáp ứng được điều kiện cư trú tạm thời GTE, không cần chứng minh tài chính, không cần chứng chỉ IELTS khi xin visa du học. Nhiệm vụ kiểm tra năng lực tài chính của đương đơn được giao cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục Úc, nhằm đơn giản hoá và rút ngắn thời gian xét duyệt visa. SVP được bắt đầu với 41 trường đại học của Úc và yêu cầu đương đơn phải tham gia gói khoá học (nghĩa là có thể học tiếng Anh, cao đẳng, dự bị đại học/thạc sĩ…trước khi vào khoá chính) có khoá học chính (thường là khoá cuối cùng) từ trình độ đại học trở lên. Gần đây nhất, vào tháng 11/2014 chính phủ Úc bổ sung thêm các trường đào tạo nghề, cao đẳng, học viện (gọi chung là non-university) vào danh sách các trường thuộc chương trình SVP, nâng tổng số nhà cung cấp lên 115. Khoá học chính để được xét duyệt visa diện SVP cũng được nới lỏng xuống mức cao đẳng nâng cao – Advanced Diploma để mở rộng phạm vi về chương trình học, tạo điều kiện về lựa chọn học, duy trì sự hấp dẫn của giáo dục Úc với sinh viên quốc tế và điều kiện cung cấp khoá học cho các cơ sở giáo dục của Úc, đặc biệt là nhóm non-university.
Tháng 03/2013: Úc mở rộng quyền được ở lại cho sinh viên sau tốt nghiệp (Visa subclass 485). Theo đó, sinh viên quốc tế nếu theo học chương trình trình độ đại học trở lên với thời gian học từ hai năm trở lên sẽ được tiếp tục cấp visa ở lại Úc sau tốt nghiệp từ hai đến bốn năm. Cụ thể: tốt nghiệp đại học, thạc sĩ tín chỉ - hai năm; tốt nghiệp thạc sĩ nghiên cứu – ba năm; tiến sĩ – bốn năm. Quy định này chỉ áp dụng với sinh viên được cấp visa du học Úc lần đầu tiên sau ngày 05/11/2011. Sinh viên theo học chương trình đào tạo nghề, vẫn được xét duyệt để cấp visa ở lại Úc sau tốt nghiệp với thời gian tối đa là 18 tháng. Quy định này là điểm nhấn hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế vì nhu cầu trải nghiệm thực tế tại Úc là rất cao, tạo điều kiện để du học sinh có thể xây dựng sự nghiệp cho mình tại Úc hay tại quê hương vững chắc hơn nhờ những kinh nghiệm làm việc có được tại đây.
Tháng 07/2012: Úc giới thiệu hệ thống xét duyệt nhập cư diện tay nghề SkillSelect với những thông tin công khai, minh bạch để đảm bảo công bằng, đơn giản và phù hợp hơn với nhu cầu của nền kinh tế. Theo đó, lao động quốc tế (có thể xuất phát là sinh viên quốc tế theo học tại Úc hoặc không, có thể là trong nước Úc hay ngoài nước Úc) đều có thể nhập cư Úc theo hai hướng chính như sau. Hướng thứ nhất: theo nhu cầu cụ thể của đơn vị sử dụng lao động, còn gọi là demand-driven. Theo hướng này, lao động quốc tế cần nhận được bảo trợ của doanh nghiệp. Hướng thứ hai: theo điều phối chung về nhu cầu lao động của quốc gia hoặc tỉnh bang, còn gọi là supply-driven. Theo hướng này, lao động quốc tế có thể nhận được bảo lãnh của tỉnh bang hoặc không cần bất kỳ bảo lãnh nào (Diện tay nghề độc lập – Skilled independent) để xin nhập cư. Quy định này không những giúp Úc trở thành điểm đến đầy hứa hẹn với lao động quốc tế, sinh viên quốc tế mà còn giúp nước này sở hữu một lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
Bên cạnh bốn mốc quan trọng trên theo tiến trình từ bắt đầu học đến tốt nghiệp đi làm của du học sinh, còn hai điểm quan trọng trong chính sách của Úc cần được đề cập gồm: Thứ nhất là chính sách về cho phép làm thêm tối đa 40h/2 tuần trong thời gian học và không giới hạn trong thời gian nghỉ đối với sinh viên quốc tế trên 18 tuổi ngay khi bắt đầu chương trình học (kể cả chương trình học ngôn ngữ - ELICOS). Thứ hai là chính sách cho phép người phụ thuộc (chồng/vợ, con) đi cùng đương đơn du học, hưởng chương trình xét duyệt visa giống như đương đơn (ví dụ nếu đương đơn đủ điều kiện tham gia chương trình visa ưu tiên SVP thì người phụ thuộc cũng được xét tương tự theo SVP), chồng/vợ của đương đơn được phép đi làm, con dưới 18 tuổi của đương đơn được ưu đãi một phần hoặc toàn bộ học phí tại Úc. Hai điểm này là cơ sở quan trọng để Úc trở thành đất nước được lựa chọn hàng đầu đối với du học sinh quốc tế mong muốn đưa cả gia đình theo trong thời gian học tập.
Với những quan điểm của chính phủ về đảm bảo chất lượng giáo dục và chính sách thị thực nhiều ưu đãi như trên, sinh viên quốc tế có nhiều cơ hội thuận lợi về học tập, làm việc và định cư tại Úc. Để có thể xây dựng sự nghiệp vững chắc tại Úc, du học sinh cần được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ để chuẩn bị cho mình một lộ trình Du học – Việc làm – Định cư toàn diện và hợp lý căn cứ trên điều kiện đặc thù của bản thân. Điều này yêu cầu du học sinh và gia đình cần nắm được thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời và được trao đổi, hỗ trợ thường xuyên để làm sáng tỏ các câu hỏi sau:
Nhóm câu hỏi 1 – Hướng nghiệp: Các chương trình định cư của Úc thế nào? Các ngành nghề nào cần lao động quốc tế cao tại Úc? Ngành nghề nào phù hợp với bản thân mình? Chính sách này sẽ được điều chỉnh thế nào trong tương lai?
Nhóm câu hỏi 2 – Lựa chọn cơ sở đào tạo: Cụ thể về mô tả công việc, quyền lợi, yêu cầu của ngành nghề lựa chọn thế nào? Có yêu cầu gì đặc biệt về giấy phép hành nghề hay không? Yêu cầu đào tạo thế nào? Cơ sở đào tạo nào cung cấp? Chương trình học nào, tại đâu phù hợp với bản thân mình? Có chính sách học bổng, hỗ trợ gì hay không?
Nhóm câu hỏi 3 – Chuẩn bị hồ sơ xin visa: Yêu cầu cụ thể của loại visa của mình là gì? So sánh với điều kiện hiện tại của bản thân thế nào? Cần giải pháp nào để chứng minh được rõ ràng mục đích du học thực sự và khả năng tài chính?
Nhằm giúp các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có điều kiện được trao đổi thông tin về du học, việc làm, định cư tại Úc, chương trình Hỗ trợ Du học tổ chức hai hội thảo với các thông tin cụ thể như sau:
Hội thảo 01: Nền kinh tế Úc và cơ hội làm việc với lao động quốc tế
Thời gian hội thảo: 9h00 – 11h00 ngày 23 tháng 05 năm 2015
Thời gian checkin và nhận tài liệu: 8h30 – 9h00 ngày 23 tháng 05 năm 2015
Địa điểm hội thảo: Văn phòng chương trình Hỗ trợ du học, số 24B phố Chùa hà, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Đăng ký tham gia: Quý vị có thể đăng ký tham gia bằng cách điền đầy đủ thông tin vào link sau: http://hotroduhoc.vn/dang-ky-tham-du-hoi-thao/?event_id=680
Hội thảo được tổ chức hoàn toàn miễn phí và giới hạn tối đa 50 người tham gia. Ban tổ chức sẽ đóng cổng đăng ký hoặc thông báo tới quý vị thời gian của những hội thảo tiếp theo có nội dung tương tự. |
Liên hệ hỗ trợ: Mọi thắc mắc, quý vị có thể liên hệ theo số điện thoại 093 652 8386 (Ms. Phương) hoặc 04 6687 4343 (Ms.Nguyệt) để được hỗ trợ
Nội dung chính của hội thảo: Tổng quan về nền kinh tế Úc và các trọng điểm phát triển của chính phủ; Vai trò của giáo dục quốc tế trong phát triển kinh tế; Những chính sách ưu đãi dành cho sinh viên quốc tế và cơ hội với sinh viên Việt Nam; Quy định về thủ tục visa du học với thị trường Việt Nam; Thị trường lao động Úc và nhu cầu lao động nhập cư; Các ngành nghề cần lao động nhập cư; Yêu cầu đào tạo và kỹ năng với các ngành nghề cần lao động nhập cư; Hoạch định lộ trình Du học – Việc làm – Định cư tại Úc cho du học sinh Việt Nam và người thân (vợ/chồng, con, bố mẹ).
Hội thảo 02: Những lộ trình định cư Úc phù hợp cho sinh viên Việt Nam
Thời gian hội thảo: 9h00 – 11h00 ngày 06 tháng 06 năm 2015
Thời gian checkin và nhận tài liệu: 8h30 – 9h00 ngày 06 tháng 06 năm 2015
Địa điểm hội thảo: Văn phòng chương trình Hỗ trợ du học, số 24B phố Chùa hà, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đăng ký tham gia: Quý vị có thể đăng ký tham gia bằng cách điền đầy đủ thông tin vào link sau: http://hotroduhoc.vn/dang-ky-tham-du-hoi-thao/?event_id=852
Hội thảo được tổ chức hoàn toàn miễn phí và giới hạn tối đa 50 người tham gia. Ban tổ chức sẽ đóng cổng đăng ký hoặc thông báo tới quý vị thời gian của những hội thảo tiếp theo có nội dung tương tự. |
Liên hệ hỗ trợ: Mọi thắc mắc, quý vị có thể liên hệ theo số điện thoại 093 652 8386 (Ms. Phương) hoặc 04 6687 4343 (Ms.Nguyệt) để được hỗ trợ
Nội dung chính của hội thảo: Bức tranh định cư Úc tổng thể; Chi tiết các chương trình định cư diện tay nghề độc lập hoặc có bảo trợ của tỉnh bang hoặc người sử dụng lao động; Lựa chọn chương trình học phù hợp để dễ dàng làm việc và định cư tại Úc; Những lộ trình Du học – Việc làm – Định cư tại Úc phổ biến cho du học sinh Việt Nam và người thân (vợ/chồng, con, bố mẹ).
Lưu ý: Các hội thảo được tổ chức hoàn toàn miễn phí và là một trong những hạng mục hỗ trợ của chương trình Hỗ trợ du học dành học sinh, sinh viên và phụ huynh. Quý vị có thể đăng ký tham gia bằng cách điền đầy đủ thông tin vào link đã được cung cấp. Mỗi hội thảo sẽ giới hạn số lượng người tham gia là 50 người để tạo điều kiện cho quý vị có thể trao đổi được tốt nhất. Ban tổ chức sẽ liên hệ và gửi thư mời chính thức qua email cho những quý vị đăng ký đầu tiên. Thời gian check-in và nhận tài liệu của các hội thảo là từ 8h30 – 9h00. Vì vậy, quý vị đọc kỹ lưu ý để có thể tham gia trao đổi thông tin về giáo dục – việc làm được tốt nhất.
Chương trình Hỗ trợ du học
www.hotroduhoc.vn