Giáo dục mầm non: Chất lượng tăng, giáo viên được quan tâm

Chiều 18/9, dưới sự chủ trì của GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban đã diễn ra tại tỉnh Ninh Bình.

Phiên họp nhằm thảo luận, thông qua báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước.

Tham dự phiên họp, về phía Bộ GD-ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng lãnh đạo các Cục, Vụ (Bộ GD-ĐT).

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp.

Chất lượng giáo dục mầm non không ngừng tăng

Theo Dự thảo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian qua được nâng lên đáng kể. 

Trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) cơ bản được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các độ tuổi giảm; công tác y tế học đường, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ được quan tâm.

Theo báo cáo năm học 2013 - 2014 của Bộ GD-ĐT, cả nước có 93% trẻ nhà trẻ và 91% trẻ mẫu giáo được học 2 buổi/ngày; trẻ được học bán trú đạt 88% ở nhà trẻ và 91% ở mẫu giáo.

Nhìn chung, chất lượng nguồn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn ở các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú đã được quan tâm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng và năng lượng cho học sinh.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các độ tuổi đều giảm so với những năm học trước. Tính đến cuối năm học 2013 - 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ là 3,6%, giảm 0,7%, ở mẫu giáo là 4,3%, giảm 0,3%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ là 4,5%, giảm 0,5%, ở mẫu giáo là 4,9 %, giảm 0,3%.

Dự thảo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh: Trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được khuyến khích đến trường, lớp, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Trẻ em mẫu giáo thuộc gia đình nghèo, cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đang học tại các cơ sở GDMN đều được hỗ trợ tiền ăn trưa và được miễn, giảm học phí theo các quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, chương trình GDMN mới được triển khai rộng rãi ở hầu hết các cơ sở GDMN. Đến năm học 2013 - 2014, Chương trình mới đã được thực hiện ở 14.101 trường, đạt tỷ lệ 99,8% với 171.067 nhóm, lớp, đạt tỷ lệ 97,7%. Tỷ lệ trẻ được học chương trình mới đạt 98,7%, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.
 
Đội ngũ nhà giáo được quan tâm

Đội ngũ nhà giáo được quan tâm

Theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về GDMN của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDMN được quan tâm phát triển, tăng nhanh về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng.

Tính đến cuối năm học 2013 - 2014, toàn ngành có 95,8% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và 72,8% giáo viên mầm non biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tính đến cuối năm học 2013 - 2014, toàn ngành có 410.681 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên mầm non, tăng 212.054 người so với năm học 2009 - 2010, trong đó có 35.243 cán bộ quản lý (89,9% trong biên chế), 281.467 giáo viên (49,9% giáo viên nhà trẻ và 67% giáo viên mẫu giáo trong biên chế) và 84.554 nhân viên (28,4% trong biên chế).

Cơ sở vật chất trường, lớp học của GDMN đã từng bước được cải thiện; hệ thống phòng học được củng cố, xây dựng mới; đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục được tăng cường

Đến cuối năm học 2013 - 2014, cả nước có 154.392 phòng học, tăng 18.467 phòng so với năm học 2009-2010, trong đó có 95.037 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ 61,6%); 49.980 phòng học bán kiên cố (chiếm tỷ lệ 32,4%). Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở GDMN, các địa phương chú trọng xây dựng công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn…

Vẫn còn những băn khoăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Phiên họp các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn còn băn khoăn, đó là: 

Hiện vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa các loại hình, vùng miền, sự phát triển mạng lưới nhóm nhà trẻ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Hiện vẫn còn tình trạng không bảo đảm an toàn cho trẻ tại một số cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc trong nhân dân.

Ở một số vùng sâu, vùng xa, nhiều cơ sở giáo dục mầm non còn tình trạng phòng học tạm bợ, cũ nát, giao thông đi lại khó khăn. Ở các thành phố lớn, thiếu đất đai, phòng học chật hẹp, nhiều phòng học được đặt ở trên các nhà cao tầng, không an toàn cho trẻ.

Nhiều cơ sở mầm non không có bếp ăn đạt chuẩn hoặc không có đủ không gian để tổ chức bếp ăn tại trường, phải hợp tác với cơ sở cung cấp thực phẩm bên ngoài, gây khó khăn cho việc giám sát và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng về sơ cấp cứu cho trẻ nên chưa xử lý kịp thời các tình huống xảy ra cho trẻ.

Nhiều cơ sở GDMN tư thục, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình không được cấp giấy phép, ngành giáo dục không quản lý được, các điều kiện chăm sóc trẻ không đạt yêu cầu, việc cô nuôi bạo hành trẻ diễn ra ở một số nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…thời gian qua, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn nhiều hạn chế, nhất là khi quy mô đào tạo tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo đội ngũ trong thời gian qua.

Giải pháp tháo gỡ

Tại phiên họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn còn tồn tại đối với giáo dục mầm non.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần có thêm những chính sách mạnh hơn nữa và quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đối với các trường ngoài công lập để gánh đỡ cho các trường công lập, nhất là ở những thành phố lớn như: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, Nhà nước nên ổn định và tiếp tục nâng cao chất lượng các trường công lập. Tại những khu công nghiệp - nơi có số lượng lao động lớn, chính quyền các cấp cần xem xét, nghiên cứu thành lập trường mầm non, nhà trẻ ở đó.

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ đã tham mưu với Thủ tướng ban hành nhiều văn bản chính sách ưu đãi về giáo dục mầm non, trong đó có cả chính sách đối với giáo viên và học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, để tháo gỡ những khó khăn cho giáo dục mầm non, Nhà nước cần đổi mới cơ chế tài chính như: Tăng học phí của các trường mầm non công lập. Phân bổ ngân sách bình quân theo đầu trẻ nhằm giảm áp lực cho các trường công lập.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh cùng chia sẻ gánh nặng với các nhà trường trong quá trình giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục mầm non và cần có những đánh giá khách quan về tác động tích cực của công tác xã hội hóa đối với bậc học này.

Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Cần có những đánh giá nhận xét sâu sắc hơn, cụ thể hơn và nghiêm túc hơn về việc ban hành văn bản pháp luật. 

Cần làm rõ và phát hiện xem vẫn còn thiếu sót những quy định gì để kịp thời kiến nghị bổ sung. Đối với những quy định không còn khả thi thì kiến nghị xóa bỏ.

Ngoài ra, đã đến lúc cần phải tháo bỏ quy định về mức thu học phí một cách đồng đều. Nên cho phép các cơ sở giáo dục, nhất là các trường ngoài công lập được thu học phí theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cơ sở trang thiết bị.

Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ theo bình quân đầu trẻ và tiến tới đề nghị Quốc hội ban hành Luật GDMN. Bởi bậc mầm non có những đặc thù riêng nên cần có những quy định cụ thể.

Trong năm học 2013-2014, cả nước đã có 14.127 trường mầm non, tăng 1.216 trường so với năm học 2009-2010 và tăng 386 trường so với năm học 2012-2013. Tổng số nhóm trẻ và lớp mẫu giáo là 175.184 nhóm, lớp, trong đó có 18.243 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập. Tổng số trẻ mầm non được huy động đến trường, lớp là 4.627.616 trẻ, trong đó trẻ nhà trẻ có 817.378 cháu, đạt tỉ lệ huy động 23,4% trẻ trong độ tuổi; trẻ mẫu giáo có 3.810.238 cháu, đạt tỉ lệ huy động 87,1% trẻ trong độ tuổi. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,3%, trong đó 98,8% số trẻ được học 2 buổi/ngày.

 

Theo Minh Phong

Giáo dục & Thời đại