Giáo dục khai phóng… xóa tan nỗi lo việc làm của sinh viên

(Dân trí) - “Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, trí thông minh nhân tạo sẽ tiêu diệt một nửa công việc hiện tại. Chúng ta phải có một nền giáo duc đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn rộng, khả năng sáng tạo phong phú, nền tảng kiến thức liên ngành vững chắc để chế ngự lại những trí tuệ nhân tạo ấy. Đó chính là mục tiêu của giáo dục khai phóng đặt ra”.

Đây là nhận định của GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật tại hội thảo “Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp cách mạng Công nghiệp 4.0” do trường Đại học Việt – Nhật và đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức sáng nay (21/7).

Xóa mù công nghệ và phổ cập ngôn ngữ quốc tế


GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật

GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật

GS Motoo nêu ra vấn đề, Liberal Arts Education (tạm dịch là Giáo dục khai phóng) là mô hình giáo dục bậc đại học hiện đang được áp dụng rông rãi tại Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển ở Châu Âu, Châu Á.

Với đặc trưng đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều sâu của môn học, đồng thời khuyến khích các môn liên ngành, tăng cơ hội có việc làm sau khi ra trường cho sinh viên. Vậy hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam nên áp dụng ra sao để mô hình này tạo ra nguồn nhân lực cách mạng 4.0 thực sự quốc tế hóa?

Theo GS Katsuichi, nguyên Phó Giám đốc đại học Waseda (Nhật Bản ) cho rằng, suốt những thập niên qua, nhiều phương pháp giáo dục được đưa ra, nhằm tiến đến mô hình giáo dục khai phóng hoàn chỉnh nhất. Bao gồm tổng thể các kiến thức cốt lõi về nhân văn, xã hội, lịch sử, chính trị, tư pháp, mỹ thuật, đạo đức…tất cả các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và hình thành nhân cách đạo đức, độ am hiểu cần thiết của mỗi sinh viên để thực sự hội nhập với quốc tế.

Giáo dục khai phóng… xóa tan nỗi lo việc làm của sinh viên - 2

GS Katsuichi, nguyên Phó Giám đốc đại học Waseda (Nhật Bản)

Một điều tra tại nhiều trường đại học với mô hình giáo dục khai phóng cho thấy, sinh viên sau khi ra trường đều có thể theo học các chương trình cao học của tất cả các trường Đại học hiện nay. Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cơ hội của sinh viên được rộng mở, học được mọi ngành học cao học mà bạn muốn sau khi ra trường, tương đương với đó là bạn hoàn toàn làm chủ được việc làm mong muốn của mình trong thời đại 4.0 này, GS Katsuichi cho biết thêm.

Giáo dục khai phóng đặt mục tiêu tạo ra các nhà lãnh đạo với tinh thần làm việc nhóm cao, hiểu biết mọi lĩnh vực, có đủ đức và đủ tài làm người dẫn dắt đầu tàu.

Tại nhiều quốc gia Châu Á, đa phần các trường đại học đều theo xu hướng đại học chuyên ngành, nhưng nhiều trường đang dần chuyển hướng sang mở rộng kiến thức, trang bị cho sinh viên một cách tổng thể, đó là xu hướng giáo dục tất yếu.

Các môn học ngày càng được toàn cầu hóa và quốc tế hóa, học không chỉ ở phạm vi kiến thức một nước, nó sẽ vượt qua mọi biên giới, vùng lãnh thổ, GS Katsuichi nhận định.


Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Đồng thời, GS cũng đưa ra thêm ví dụ điển hình, ở nước Mỹ, các trường đào tạo về hải quân, kinh tế, xã hội đã được đưa giáo dục khai phóng vào chương trình học một cách mạnh mẽ.

Nhiều người cho rằng việc lĩnh hội kiến thức chuyên ngành ở đại học là cần thiết; còn lại, kiến thức tổng hợp mang tính xã hội thì không quá cần thiết, sinh viên ai cũng có thể tự học được điều đó. Tôi cho rằng, đó là suy nghĩ ấu trĩ, đi ngược lại với thời đại hiện nay.

Bởi vì xã hội đòi hỏi chúng ta đang tiền đến phổ cập một ngôn ngữ chung quốc tế và xóa mù công nghệ thông tin, cho nên rất cần nền giáo dục khai phóng cho những công dân tương lai thực hiện được điều này, nhất là đối với nên giáo dục đang vươn lên trong kì hội nhập.

Sinh viên làm chủ trước bằng cấp và việc làm

Đồng tình với các quan điểm, GS Nguyễn Ngọc Thành, Giảng viên đại học Bách Khoa Wroclaw Ba Lan chỉ rõ rằng, giáo dục khai phóng hoàn toàn có thể kết hợp cùng kiến thức chuyên ngành đang theo học, sinh viên được tối đa hóa thời gian học tại trường.

Các em được học mọi lúc, mọi nơi, và được tự do chọn chương trình mình muốn học. Giáo viên trong giáo dục khai phóng chỉ đóng vai trò tư vấn và gợi mở ra kiến thức, còn sinh viên sẽ thảo luận tìm ra chân lí cuối cùng được cả lớp đồng thuận


GS Nguyễn Ngọc Thành

GS Nguyễn Ngọc Thành

GS Thành nêu ví dụ điển hình, trường đại học công lập Groningen ở Châu Âu, có tới 27.000 sinh viên, với 50 ngành học; các em được tự do chọn lựa lĩnh vực muốn học. Đối với năm học đầu tiên, tất cả các sinh viên đều phải qua 35 tín chí về chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa… các vấn đề mang tính nền tảng.

Sau đó, sinh viên sẽ tự tạo dựng đề cương cho 3 năm tiếp theo Đại học, các hội đồng tư vấn sẽ xem xét và quyết định đáp ứng nguyện vọng học của sinh viên. Đó chính là giáo dục mở tối đa, người học được tự do làm điều mình yêu thích và có trách nhiệm với lựa chọn nghề nghiệp mình đã chọn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Do đó, GS Thành khẳng định, những lứa nhân lực 4.0 của nền giáo dục khai phóng sẽ có đóng góp lớn cho xã hội; sinh viên làm chủ được bằng cấp, được phép lựa chọn cơ hội việc làm cho chính mình. Vì các bạn đủ cơ sở để tự tin rằng mọi kĩ năng cơ bản nhất các bạn đều được trang bị tốt, đáp ứng được mọi vị trí tuyển dụng. Ngoài ra, việc sinh viên hội nhập, làm việc tại các công ty đa quốc gia cả trong và ngoài nước là điều sẽ dễ nhận thấy nhất từ mô hình giáo dục này.

Bên cạnh đó, GS David Camacho, trường đại học Autunoma de Madrid (Tây Ban Nha) cho rằng, giáo dục khai phóng xây dựng cho người học rất nhiều kĩ năng, kĩ năng xử lí thông tin; kĩ năng công nghệ thông tin; giải quyết vấn đề; ứng xử nhanh trong các tình huống; hướng đến phát triển toàn diện năng lực và con người.


GS David Camacho

GS David Camacho

Như đối với ở Tây Ban Nha thì tỉ lệ thất nghiệp cao, khoảng 85% số sinh viên tốt nghiệp được đánh giá yếu về mặt xã hội, giao tiếp, làm việc nhóm… Chính giáo dục khai phóng đã phần nào giải quyết được bài toán yếu về kĩ năng mềm này, sau 5 năm thực hiện, tỉ lệ giảm xuống còn khoảng 50%.

Tuy các trường theo mô hình khai phóng không nhiều, tập trung tại một số trường tư thục nhưng đã phần nào tạo ra được làn sóng mới trong cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng của mình. Do đó, tôi thiết nghĩ Việt Nam nên đưa sinh viên của mình vượt lên nắm thế chủ động trong việc quyết định tương lai nghề nghiệp của mình ngay từ hôm nay, GS Camacho nhấn mạnh.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm