Ý kiến chuyên gia

Nghĩ về giáo dục khai phóng

(Dân trí) - Một bạn đọc hỏi tôi “Giáo dục khai phóng là gì? Dạy làm sao để ...khai phóng học trò?”


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Một câu hỏi rất thức thời và ngay đến ở các nước Âu Mỹ, chủ đích khai phóng cũng chỉ mới được theo đuổi từ ba thập niên thôi.

Các tác giả như Philippe Perrenoud, Jean Therer đã nhiều lần bàn về quyền của người đi học. Tôn trọng các quyền đó đã là khai phóng rồi.

Họ cũng đã nói về bản thể của trẻ. Các em, mỗi em là độc nhất vô nhị, nhưng em nào cũng cần hiểu biết để có thể khẳng định mình là người tự do để lấy những quyết định cho đời mình, không giống chị cũng như không giống anh.

Giáo dục nào mà bảo đảm được cái tự do đó của các em là một giáo dục khai phóng.

Các em học ra xong để có thể đi làm tự kiếm sống, và sống hạnh phúc, đi vững trên hai bàn chân của mình. Nhà trường nào giúp các em được như vậy là đã làm tròn nhiệm vụ “khai phóng”.

Giáo dục, theo chữ La tinh gốc Educare, tức là dẫn dắt các em đi ra ngoài. Đi ra ngoài cái gì? Thoát khỏi thời thơ ấu để thành người lớn, thoát ra ngoài cái dốt nát. Khai phóng là ở chỗ đó.

Muốn đạt tới chủ đích đó nhiều khi giáo dục phải, trước mắt. kiềm tỏa các em, nhốt các em trong bốn bức tường của trường học trong suốt một thời gian dài Tiểu học, Trung học rồi Đại học. Nhưng kiềm tỏa để các em học.

Trong suốt thời gian đó, các em phải tự khai tâm, học đọc học viết, học khoa học nhưng nhất là học cách sống với người khác trong xã hội. Gần nhất là sống với thầy.

Cái khó là ở đây, giáo dục chỉ khai phóng khi thầy không tự cho mình vị trí người có quyền. Vì nếu thầy áp đặt trò thì bản thể của em sẽ bị đè nén, em không làm sao tập tành học … tự do.

Tự do có nghĩa là được quyền trở thành chính mình trước tiên, khẳng định bản thể của mình.

Giáo dục khai phóng khác giáo dục “đổ vừa khuôn” bắt các em vào nề nếp mà xã hội đặt ra.

Điều kiện sơ khởi này xong, thì giáo dục, phần nội dung của giáo dục tiếp theo đó sẽ là những công cụ giúp trò đối mặt với cuộc sống trong xã hội sau này. Trò học trở thành người lớn, đã tự trang bị đủ tri thức để độc lập và có khả năng bươn chải, giải quyết vấn đề

Những tri thức mà trò tiếp cận được ở trường chỉ là những mãnh ghép. Trò cất giữ những mãnh đó trong não bộ và khi đối diện với một tình huống, một vấn đề trong cuộc sống, em sẽ mang các mãnh ghép ra để cấu trúc thành một giải pháp thông minh.

Khả năng sáng tạo của các em được bảo vệ.

Sáng tạo cần tri thức, cần tự do và cần suy nghĩ.

Dạy những giải pháp sẳn để áp dụng là cách dạy làm bếp chứ không dạy làm người – vì con người, xin nhắc lại câu của Pascal – vì con người là một cây sậy biết suy nghĩ.

Giáo dục khai sáng là cách làm sao cho các em biết suy nghĩ, phải suy nghĩ và được quyền suy nghĩ.

Chính vì thế dạy thuộc lòng thì không khai sáng chút nào hết.

Xin nhắc lại cách xếp loại các tri thức

. tri thức lập lại : trả bài các kiến thức mà thầy đã dạy

. tri thức ứng dụng : giỏi hơn một tí, thuộc các tri thức thầy đã day và còn biết cách ứng dụng chúng nữa.

. tri thức làm người. Chẳng những ứng dụng mà còn gom góp hết lại thành một hướng đi hợp lý trong cuộc sống, có luân lý có tôn trọng mình và tôn trọng tha nhân.

. tri thức trở thành. Ở đây, không những người có tri thức trở thành còn biết xoay sở để sống với tương lai, với những đổi thay có thể nhưng vẫn là một người ...có học.

Chuyện dạy cho trò những tri thức trở thành là chuyện các bậc mô phạm giúp trò một cơ sở vững chắc và khái quát để chúng có thể từ đó co giản tiếp tục ứng dụng ngay cả khi tình thế, không gian và thời gian gồm nhiều thay đổi.

Có những cái bất biến giữa những vạn biến là như thế.

Trò trong giáo dục khai phóng, không là những con cửu ngoan ngoản hoc thụ động mà trái lại chúng đóng vai trò người đi học, đặt câu hỏi, đi tìm tòi một cách tích cực những gì chúng cần cho cuộc sống của chúng hiện tại và tương lai.

Chúng đối thoại một cách thông minh với thầy. Chúng cần tiếp thu những hiểu biết mà thầy là người cung cấp nhưng không phải cung cấp như kiểu hiểu biết chết mà là hiểu biết sống – sống ở đây có nghĩa là hiểu được, tiếp thu được, nhớ được và làm giàu thên vốn sẳn có của trò để sau cùng ứng dụng được.

Nếu tất cả các hiểu biết đều được trò “tiêu hóa và tích tụ” như biết bơi hay biết đi xe đạp thì như thế trò làm chủ hiểu biết

Ta không bao giờ quên cách bơi và cách đi xe đạp chẳng hạn.

Trong vấn đề mê tín dị đoan hay những phản ứng cần thiết trước hiện tượng, nếu trường học đã giúp trò hiểu tôn giáo là gì, tại sao ta cần hay không cần tôn giáo, thế nào là cuồng tín, thế nào là ảnh hưởng của đám đông, ... thì chắc chắn trò sẽ suy nghĩ và sẽ có những hành động cân nhắc.

Nguyễn Huỳnh Mai