Giáo dục khai phóng ở Việt Nam và những bước đi dò dẫm
(Dân trí) - Mô hình trường giáo dục khai phóng (Liberal Arts College) được xem là “đặc sản” của nền giáo dục phương Tây nhằm hiện thực “giấc mơ tự do” của nhân loại tiến bộ. Tuy nhiên, ở Việt Nam “giấc mơ giáo dục khai phóng” vẫn xa xỉ lắm thay.
Tinh thần khai phóng “le lói”
“Liberal Arts College” đã được chứng minh trên thế giới là mô hình giúp con người phát triển toàn diện và tối ưu nhất. Nó phá vỡ, cởi bỏ mọi khuôn mẫu, dây trói trong tư duy, nhận thức của người học để họ đạt sự sáng tạo đỉnh cao. Có thể nói, giáo dục khai phóng là giấc mơ của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới, không riêng gì châu Âu.
GS Ngô Bảo Châu từng khẳng định, sớm muộn gì Việt Nam cũng phải hình thành những ngôi trường “đại học khai phóng”.
Đến nay, khái niệm “giáo dục khai phóng” hiện đã xuất hiện trong khẩu hiệu, triết lý giáo dục của một số trường đại học cả miền Bắc và miền Nam.
Bàn về câu chuyện giáo dục khai phóng, GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở Việt Nam mô hình này còn chưa phổ biến nhưng bản chất của giáo dục đại học chính là khai phóng - dù ở bất kỳ quốc gia nào.
Theo ông, giáo dục đã có sự phân chia tương đối ra nhiều cấp bậc nhưng cơ bản vẫn là Tiểu học và Trung học cơ sở - trang bị kiến thức nền cho một công dân, Trung học phổ thông - trang bị nghề nghiệp và Đại học - trang bị con người toàn diện.
Một trường đại học sẽ không thực sự là đại học nếu không có hoạt động nghiên cứu (bản chất là sáng tạo tri thức mới). Sáng tạo thì phải luôn luôn khai phóng. Nếu trường đại học mà vẫn duy trì hình thức thầy đọc – trò chép thì vô cùng quan ngại.
Ông nhận định, không chỉ ở bậc đại học, tinh thần khai phóng cũng đã le lói đâu đó trong nền giáo dục Việt Nam dù còn yếu ớt. Cụ thể, chúng ta có chuyển biến căn bản từ việc tiếp cận kiến thức - để học sinh thụ động ghi chép, nghe thầy giảng SGK sang nền giáo dục tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng và có trang bị kiến thức tối thiểu để làm người. Đó là một biểu hiện của triết lý khai phóng trong giáo dục.
Ở bậc đại học, một số ít trường ở Việt Nam đã chủ động áp dụng mô hình “Liberal Arts College”. Chương trình giảng dạy của họ được bố trí nhằm đào tạo nhân tài có tầm nhìn rộng, khả năng tư duy sáng tạp phong phú và có tầm nhìn hướng ra thế giới. Tuy nhiên, kết quả đến đâu thì chưa rõ.
Bộ GD&ĐT cũng chưa có một văn bản, quy định hay chiến lược nào nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các trường đại học áp dụng mô hình giáo dục này. Các trường đại học đi theo khẩu hiệu “khai phóng” ở nước ta đếm trên đầu ngón tay và cứ thế bước… dò dẫm.
Nói hay nhưng chưa thể hiện được bao nhiêu?
Vậy phải chăng giáo dục khai phóng đang manh nha ở Việt Nam phải chăng chỉ là “hô hào”, “trào lưu”?
“Đúng nói là hay nhưng chúng ta chưa thể hiện được bao nhiêu! Thực ra những gì diễn ra trong thời gian vừa qua là quá trình tìm tòi, quá trình cố gắng nhưng chưa như mong muốn”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định.
GS.TS. Furuta Motoo - người Nhật từng là hiệu trưởng một trường “Liberal Arts College” thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) trước khi trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Nhật tại Việt Nam.
Vị giáo sư người Nhật cũng cho rằng, việc đưa mô hình tự do học thuật của phương Tây vào những đất nước đậm chất Á Đông như Nhật Bản và Việt Nam không hề đơn giản.
“Phát triển xu hướng giáo dục khai phóng ở Việt Nam là một công việc không dễ dàng gì. Thế nhưng nếu nói Liberal Arts là khái niệm của phương Tây - xa lạ với các nước châu Á thì tôi tin không đúng. Trường đại học khai phóng thực chất là trường nâng cao dân trí một cách tổng cục”, Hiệu trưởng trường ĐH Việt - Nhật khái quát.
GS.TS. Furuta Motoo đánh giá, đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp mà tiêu biểu là các trường đại học đơn ngành tại Việt Nam. Mô hình như vậy phù hợp trong xã hội tương đối ổn định.
Tuy nhiên, xã hội hiện nay thay đổi rất nhanh đặc biệt là trước ngưỡng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, con người nhiều khi phải “đi biển không có la bàn”. Do đó, việc xây dựng kiến thức cốt lõi vững chắc là một yêu cầu rất quan trọng trong việc đào tạo của các trường đại học.
Đồng quan điểm với GS.TS. Furuta Motoo, GS.TSKH Vũ Minh Giang thẳng thắn cho rằng “việc phân luồng theo ban/khối ngay từ cấp 3 ở Việt Nam hiện nay là phương pháp tiếp cận làm "què quặt" cả hệ thống giáo dục”.
Đó là nguyên nhân tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đều nghĩ rằng phải thử vận may với đại học. Tai hại của việc phân luồng theo ban khối này là nếu học sinh thi trượt đại học thì trở thành công dân “què quặt” kiến thức cơ bản. Ví dụ, nếu một thí sinh chỉ học khối C để thi đại học thì có khi không hề biết gì Toán, Lý, Hóa và ngược lại.
“Quần chúng” là người phá bỏ lối mòn
GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, tư duy lối mòn học cấp 3 để thi vào đại học là một rào cản mà giáo dục khai phóng cần phá bỏ. Nhưng trước hết, để có được sự khai phóng thì bản thân phụ huynh, học sinh và cả xã hội phải lên tiếng.
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, câu có tính lý thuyết lịch sử ấy nhưng đúng với câu chuyện về giấc mơ giáo dục khai phóng ở Việt Nam... Quần chúng phải có vai trò rất quan trọng trong cuộc thay đổi này”, ông nói.
Một khi không có ý kiến mạnh mẽ của quần chúng, cô giáo dạy thêm vẫn cứ cho con mình đi để hơn con người ta thì cuộc cách mạng giải phóng tư duy còn lâu mới thực hiện được. Đừng ỉ lại hay trông chờ vào một cá nhân/tổ chức nào đó sẽ mang giáo dục khai phóng về Việt Nam mà tôi nghĩ rằng đó là phương án tổng quan. Một khi tất cả mọi người nhận thức thì nó thành xu thế. Xu thế đòi hỏi nhà quản lý đổi thay.
Các chuyên gia cũng đồng tình, thước đo của nền giáo dục khai phóng sẽ là những con người tự do, sáng tạo, toàn diện và quan trọng nhất, được các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế sử dụng. Đó cũng là giải pháp cho bài toán thất nghiệp hiện nay.
Lệ Thu (ghi)