Giáo dục học sinh khuyết tật gặp khó từ sách giáo khoa tới vấn đề phụ huynh

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh không thừa nhận, né tránh vấn đề con em là trẻ khuyết tật; sách giáo khoa dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị chưa hoàn thiện, không đồng bộ, cập nhật chậm so với SGK phổ thông... gây khó khăn trong đào tạo trẻ khuyết tật.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu chia sẻ về vấn đề sách giáo khoa và phụ huynh với các giáo viên dạy học sinh khuyết tật

Sáng ngày 14/10, 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018” có buổi gặp mặt, giao lưu với lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Trong buổi giao lưu, các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật đã bày tỏ băn khoăn, vướng mắc trong nghề, cũng như trình bày nguyện vọng rằng Bộ GD&ĐT quan tâm, phát triển chương trình dạy học và cơ chế hỗ trợ cho giáo dục đặc biệt.

Một người khiếm thính đồng thời cũng là giáo viên dạy học sinh khiếm thính - Võ Duy Quang có nhiều trăn trở về hoàn thiện chương trình, SGK dành cho trẻ khiếm thính
Một người khiếm thính đồng thời cũng là giáo viên dạy học sinh khiếm thính - Võ Duy Quang có nhiều trăn trở về hoàn thiện chương trình, SGK dành cho trẻ khiếm thính

Mở màn, thầy giáo Võ Duy Quang, trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ: “Tất cả học sinh của tôi đều là những người khiếm thính (không nghe, không nói) giống như tôi. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống và cảm thấy rất niềm hạnh phúc khi dạy cho các em. Tuy nhiên chúng tôi gặp khó vì không có sách giáo khoa (SGK) riêng cho học sinh điếc và giáo trình cũng không được đổi mới thường xuyên. Các em học sinh khiếm thính sau khi học xong cấp 1 thì chưa có cơ hội học lên cấp 2, cấp 3. Đối tượng người khiếm thính chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập vào cộng đồng, nhất là có công ăn việc làm. Mong lãnh đạo Bộ điều kiện để người điếc có cơ hội giáo dục chuyên sâu hơn, cũng như hoàn thiện bộ ngôn ngữ kí hiệu dành cho người điếc.

Cùng có chung mối quan tâm về giáo dục cho học sinh khiếm thính như thầy Quang, cô giáo Nguyễn Thị Liễu của Trung tâm giáo dục dạy nghề trẻ khuyết tật tỉnh Nghệ An cho hay: Tài liệu, SGK cho trẻ khiếm thính có nhưng thiếu nhiều so với nhu cầu. Theo cô giáo Liễu, mới chỉ có bộ sách kí hiệu bằng kênh hình nhưng chưa có ngôn ngữ viết (chữ). Bộ sách này cũng mới chỉ được 3.750 từ, còn rất ít so với lượng từ mà người khiếm thính cần sử dụng hàng ngày.

Cô giáo Liễu nói: “Tôi mong rằng bộ ngôn ngữ dành cho người điếc được hoàn thiện, thao kịp sự phát triển ngôn ngữ hiện đại. Bên cạnh đó, tôi kiến nghị, tài liệu liên quan tới giáo dục trẻ đặc biệt được lưu tâm, cho ra đời những bộ SGK đầy đủ dành cho trẻ khiếm thính”.

Bên cạnh đó, cô giáo Liễu cũng chỉ ra thực tế là, học sinh khuyết tật học nghề may nhưng đến các xí nghiệp thì thường bị từ chối. Cô mong rằng có cơ chế cụ thể để các em được nhận vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp.

Buổi gặp mặt giao lưu của 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018” với lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Buổi gặp mặt giao lưu của 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018” với lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Cô giáo Phạm Thị Thu Thanh (Trưởng Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM) kiến nghị rằng nên đưa môn Giáo dục đặc biệt vào chương trình học của sinh viên sư phạm. Cô lấy dẫn chứng từ chính mình và các đồng nghiệp trẻ đã gặp nhiều khó khăn khi vừa tốt nghiệp, bước vào môi trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật.

Cô Thanh cũng quan tâm về SGK dành cho trẻ khiếm thị. Hiện tại, trường Nguyễn Đình Chiểu là một trong những đơn vị giáo dục thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa phổ thông sang chữ nổi cho học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, việc thay đổi sách giáo khoa sắp tới đây sẽ tạo áp lực cho số lượng cán bộ ít ỏi đang thực hiện công việc này.

Cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân (Yên Bái) nói về chức năng hỗ trợ và can thiệp sớm với trẻ khuyết tật của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái. “Các con ở độ tuổi 2-6 tuổi, muốn có thể đi học ở những trường bình thường thì phải đạt được những tiêu chí nhất định của hỗ trợ can thiệp sớm. Tuy nhiên, kinh phí của trung tâm chưa có nhiều, các gia đình có con gửi tới trung tâm cũng có điều kiện kinh tế không cao nên rất khó khăn cho việc đóng học phí...”.

Cô giáo Phạm Thị Thảo (Tiểu học Đông Mai, Quảng Ninh) là giáo viên dạy học sinh đặc biệt. Cô kể về nhiều trường hợp cụ thể mà phụ huynh không thừa nhận con em khuyết tật, dẫn tới việc trẻ không nhận được giấy chứng nhận khuyết tật, không có được sự chăm sóc, giáo dục đặc biệt.

Chia sẻ với cô giáo Thảo, nhiều giáo viên khác cũng gặp trường hợp tương tự, phụ huynh không hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục con em khuyết tật. Nhiều phụ huynh né tránh, không thừa nhận con em có khiếm khuyết nên trẻ không được hỗ trợ kịp thời cũng như không được hưởng chính sách riêng dành cho học sinh khuyết tật. Đó là thiệt thòi của các em học sinh.

Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen cho 48 giáo viên có nhiếu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật
Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen cho 48 giáo viên có nhiếu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật

Đón nhận ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo cho các cục, vụ, ban ngành liên quan trả lời các thầy cô giáo.

Ông Trần Kim Tự, Phú Cục trưởng Cục Nhà giáo nói: “Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của các thầy cô dạy học sinh khuyết tật về việc gia đình có thừa nhận hay không thừa nhận rằng con em của mình khuyết tật để lấy chứng nhận với địa phương. Vấn đề này nhiều cuộc hội thảo của chúng tôi cũng đã chia sẻ nhưng vẫn còn vướng mắc.

Còn về vấn đề giáo dục, hiện nay Bộ có chính sách dành cho các lớp học có học sinh khuyết tật, tạo điều kiện cho giáo viên chăm lo cho học sinh khuyết tật. Ví dụ, trung bình mỗi lớp học tiểu học có sĩ số là 35 em thì nếu có một học sinh khuyết tật, sĩ số lớp sẽ giảm 5 em để giáo viên có thời gian và tâm sức chăm lo cho học sinh đặc biệt”.

Kết thúc buổi giao lưu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hứa rằng Bộ GD&ĐT sẽ sẽ tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ các thầy cô trong những nội dung liên quan trực tiếp như: chương trình, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên... Bộ cũng đánh giá cao và trân trọng sự tâm huyết mà các thầy cô dành cho trẻ khuyết tật và mong rằng các giáo viên giữ được tình yêu với trẻ khuyết tật và tiếp tục nỗ lực để thực hiện thật tốt việc giáo dục trẻ khuyết tật.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niên; ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, dạy học sinh khuyết tật… Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long triển khai tổ chức trong giai đoạn 2015 - 2019.

Năm 2018, đối tượng được “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương là nhà giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT. Sau 2 tháng kể từ khi phát động chương trình (25/7 - 25/9/2018), Ban Tổ chức đã chọn ra 48 gương thầy cô giáo tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm