Giáo dục đào tạo 2014: Những quyết sách quan trọng khởi đầu đổi mới

Năm 2014 là năm đầu tiên toàn ngành giáo dục triển khai Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Để thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định đổi mới thi cử là khâu đột phá và trong năm 2014, hàng loạt những điều chỉnh trong thi cử, kiểm tra đánh giá đã được triển khai.

Đột phá đổi mới thi cử

Năm 2014 học sinh đón nhận rất nhiều thông tin liên quan đến việc đổi mới các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cao đẳng. Những đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
 
Giờ học thực hành của học sinh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Giờ học thực hành của học sinh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)


Đầu năm 2014, Bộ công bố đổi mới thi tốt nghiệp. Theo đó, lần đầu tiên sau hàng chục năm, thí sinh không phải thi tốt nghiệp đến 6 môn mà chỉ cần thi bốn môn. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên thí sinh được quyền tự chọn môn để thi tốt nghiệp (ngoài hai môn bắt buộc là văn và toán). 

Cũng trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định điều chỉnh cách xét công nhận tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi không hoàn toàn quyết định sự đỗ, trượt của thí sinh mà chỉ chiếm 50% trọng số, 50% còn lại là điểm học lực năm lớp 12. 

Tháng 6, 7/2014, cùng với cách thức tổ chức thi, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học cũng là một bước đột phá mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tỷ lệ kiến thức học thuộc, sách vở đã giảm đi rất nhiều so với mọi năm. Thay vào đó là những nội dung mang đậm hơi thở cuộc sống, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội, vừa tạo cơ hội cho các em được trình bày quan điểm cá nhân, vừa kiểm tra được năng lực diễn đạt, giải quyết vấn đề. Năm 2014, một số trường đại học cũng đã tự tổ chức tuyển sinh riêng. 

Việc giảm số môn thi, tăng quyền tự chủ cho thí sinh khi được chọn môn cùng  thay đổi trong cách ra đề thi, xét tốt nghiệp đã giảm áp lực rất lớn cho thí sinh và vì thế, nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận.

Tất cả những đổi mới đó đã là bước đệm để ngành giáo dục thực hiện đổi mới thi cử triệt để hơn. Và tháng 8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ tổ chức kỳ thi “hai trong một” vào năm 2015. Theo đó, năm 2015 sẽ chỉ còn duy nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, điểm thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cụm thi dự kiến được tổ chức tại tỉnh hoặc liên tỉnh. Ngoài ba môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn các môn thi tùy theo nhu cầu để xét tốt nghiệp và dự tuyển vào các trường đại học. Việc tuyển sinh cũng được trao cho các trường đại học tự chủ.

Trong những ngày cuối năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực lấy ý kiến dư luận để hoàn thiện Quy chế cho kỳ thi mới.

Quyết định đổi mới của Bộ đã được các chuyên gia giáo dục và dư luận đánh giá cao vì sẽ giảm tải hơn nữa cho học sinh, phụ huynh khi không còn phải dự hai kỳ thi quan trọng liên tiếp trong hai tháng, không phải khăn gói lên thành phố lớn để thi đại học.

Chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới

Một dấu ấn quan trọng khác với ngành giáo dục năm 2014 là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. 

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ủy viên bộ phận Thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình là đến năm học 2018-2019 sẽ triển khai dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới. Chương trình mới sẽ không tập trung trang bị kiến thức mà tập trung trang bị kỹ năng cho người học, không quan trọng vấn đề học sinh biết những gì mà đặt mục tiêu học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

"Hiện chương trình đã có định dạng tổng thể. Bộ đang tập trung để hình thành các tiểu ban chương trình môn học. Trong năm 2015 sẽ tập trung xây dựng chương trình, chuẩn chương trình và sẽ tiến hành làm sách để tới năm học 2018-2019 ít nhất có một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh và một số cuốn sách giáo khoa," ông Thống cho biết.
 
Giờ học thực hành của học sinh. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Bộ đang tích cực xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới để áp dụng từ năm học 2018-2019. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)


Bên cạnh việc tích cực triển khai chương trình mới, Bộ cũng đang xây dựng đề án về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Trong khi chưa chương trình, sách giáo khoa mới vẫn còn đang thai nghén, năm 2014, Bô Giáo dục và Đào tạo cũng tích cực triển khai nhiều nội dung để thay đổi cách dạy, cách học trong nhà trường như chủ động rà soát, điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế; xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh…

Các mô hình giáo dục mới tiếp tục được mở rộng như phương pháp Bàn tay nặn bột, dự án mô hình trường học mới, chương trình công nghệ giáo dục, mô hình gắn kết trường học với gia đình, địa phương, doanh nghiệp trong giao dục… 

Với giáo dục đại học, Bộ chỉ đạo đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh năng lực hành nghề theo phương châm thực học, thực nghiệp…

Để tiếp tục công cuộc đổi mới, năm 2015, ngành giáo dục và đào tạo vẫn còn đứng trước rất nhiều thách thức. Những khó khăn trước mắt như việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” sao cho đạt hiệu quả nhất, vừa giảm tải cho thí sinh, lại vừa đảm bảo an toàn.

Trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa cũng có hàng loạt áp lực như thiếu đội ngũ chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu mới, áp lực khi phải vừa làm chương trình vừa viết sách, thử nghiệm trong khi chỉ còn có 3 năm. Bên cạnh đó, việc làm cách nào để có thể vừa đào tạo mới, vừa đào tạo lại hàng triệu giáo viên vốn đã quen với cách dạy cũ và trình độ còn hạn chế là một thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành giáo dục chính là sự mất lòng tin của người dân khiến tất cả những thay đổi đều nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, trong khi để có kết quả trong giáo dục phải cần cả một quá trình. Vì thế, muốn đổi mới, ngành cần lắng nghe công luận nhưng cũng cần sự quyết đoán để đi đúng hướng.
 
Theo Phạm Mai
Vietnam+