“Giáo dục chỉ lo nồi cơm của ngành, đất nước sao có Thánh Gióng?”

(Dân trí) - “Rất thông cảm với ngành GD-ĐT vì ai cũng phải lo cho nồi cơm của mình nhưng nếu chỉ lo thế mà không nghĩ lo cho nồi cơm chung thì đất nước làm sao có Thánh Gióng?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi.

Phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8 ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, gai góc và cũng rất tâm huyết về thực trạng vấn đề.

Tài chính không thiếu, chỉ thiếu niềm tin
“Giáo dục chỉ lo nồi cơm của ngành, đất nước sao có Thánh Gióng?”
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: "Trong từng khâu, ngành giáo dục đã quán triệt chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu?".

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khai cuộc tranh luận với yêu cầu đoàn giám sát bình luận về việc quán triệt chủ trương xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu trong từng khâu, từng bộ phận của nền giáo dục.

Trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Đào Trọng Thi, khẳng định, quan điểm chỉ đạo này luôn được khẳng định, duy trì. Trong các quyết sách vĩ mô, điều này thể hiện ở việc ngân sách dành chi cho giáo dục luôn duy trì tỷ lệ cao 20% trong thời gian dài, mức đầu tư thực tế còn cao hơn.

Tuy nhiên, ông Thi cũng chỉ ra vấn đề là tư tưởng đó chưa được thấm nhuần trong tất cả các cấp, ngành. Các địa phương cũng chưa chọn giáo dục là lĩnh vực ưu tiên giải quyết đầu tiên mà thường lại đặt ở vị trí… cuối cùng, sau khi đã xong mọi mục tiêu kinh tế, xã hội khác mới xét đến.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày sâu hơn về việc đầu tư vào giáo dục phổ thông. Ông Luận xác nhận, vì có sự đầu tư lớn của nhà nước, ngân sách chi của mỗi gia đình, hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia nên quy mô giáo dục phổ thông rất lớn, phát triển rất nhanh. Trong thời kỳ Quốc hội khuôn lại để giám sát, trung bình mỗi năm đều đặn tăng 250 trường.

Dù vậy, tỷ lệ chi 20% ngân sách không chỉ dành cho hoạt động GD-ĐT của Bộ mà còn rót đều cho hệ thống dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống trường Đảng, trường khối quốc phòng, công an.

“Vậy nên số chi tuyệt đối tình ra cho từng trường phổ thông cũng như suất đầu tư với mỗi học sinh không đảm bảo. Dù tình hình đã cải thiện nhiều thời gian qua nhưng trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu” - ông Luận phân trần.

“Gật đầu” với nhận định của Bộ trưởng Luận, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng khẳng định, ngân sách, nguồn lực xã hội dành cho giáo dục phổ thông dù rất cố gắng nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Trong khi tỷ lệ chi 20% ngân sách khó có thể tăng thêm, kinh tế mỗi gia đình hầu hết còn hạn hẹp, ngành chỉ có thể dừng ở mức cố gắng cao nhất.

Bình luận về việc Bộ trưởng GD-ĐT thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo dục phổ thông không đảm bảo yêu cầu ở mức tối thiểu, ông Thi cho rằng, lời nhận xét rất nhiều suy nghĩ xót xa.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý (
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (đứng): "Thiếu niềm tin của xã hội, nguồn lực đầu tư cho giáo dục bị phân tán, chảy máu".

Chưa “phục” hướng lý giải này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề của giáo dục phổ thông nằm ở chỗ trong một thời gian ngắn mà thay đổi quá nhiều, quá liên tục nên mất phương hướng và lúng túng. Còn vấn đề tài chính, theo ông Hiển, ngân sách mỗi gia đình bỏ ra đầu tư cho khâu này rất lớn, không bố mẹ, phụ huynh nào băn khoăn, cắt giảm.

Ông Hiển đặt câu hỏi ngược lại, nếu tăng được thêm tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục thì chất lượng có tăng tỷ lệ thuận với mức đầu tư? “Tôi nghi ngờ điều này. Có ý kiến cho rằng chính ngành giáo dục cũng phải vì lợi ích của người dân, của xã hội mà phải chiến thắng lợi ích của ngành mình. Ai cũng thấy những bất cập, trùng lặp lãng phí trong ngành nhưng thay đổi thế nào. Đội ngũ người giảng dạy, nhiều chỗ thừa, lặp nhưng biết cắt đi đâu. Đó chính là biểu hiện không chiến thắng được lợi ích của ngành mình” - ông Hiển bức xúc.

Tán thành hướng phân tích này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý quả quyết, tài chính đầu tư cho ngành không ít nhưng thiếu bàn tay chỉ đạo, thiếu niềm tin của xã hội nên nguồn lực bị phân tán. Ông Lý dẫn chứng ở việc nhiều gia đình đầu tư lớn cho con đi du học, thậm chí chỉ tham gia một trại hè đơn giản cũng có giá 10.000 - 15.000 USD.

Ông Lý thở dài: “Rất thông cảm với ngành vì ai cũng phải lo cho nồi cơm của mình nhưng nếu chỉ lo thế mà không nghĩ lo cho nồi cơm chung thì đất nước làm sao có Thánh Gióng. Muốn có sự vươn lên mạnh mẽ của ngành giáo dục thì phải cùng chung tay đóng góp”.

Sách giáo khoa kém, trách nhiệm của ai?

Chuyển sang nội dung chuyên sâu của cuộc giám sát - chương trình và sách giáo khoa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn vì cuộc bàn cãi, giằng co đã diễn ra quá lâu, qua đến 4 khóa ông làm ở Quốc hội, từ thời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển “vừa lau mồ hôi vừa trình bày đề xuất về hướng biên soạn sách giáo khoa” đến nay "cuộc chiến" vẫn chưa dừng. Mà cục diện thì “ai cũng kêu cả”.

Ông Phước nêu quan điểm không bằng lòng với báo cáo giám sát vì vẫn chưa thấy hướng gỡ cho vấn đề. “Nói chương trình sách giáo khoa không thành công nhưng sao vẫn chưa quyết định hạ màn, vẫn ngồi đợi và… tranh luận. Vẫn mù hướng giải đáp phải thay đổi, sửa chữa như nào, nói như đồng bào là “hiểu được chết liền” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc ví von.
 
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước rất suy tư về hành trình chỉnh sửa sách giáo khoa.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước rất suy tư về hành trình chỉnh sửa sách giáo khoa.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng phân tích, có nhiều câu hỏi cần trả lời là chương trình nặng hay nhẹ, sách giáo khoa hiện đại hay lạc hậu, phù hợp hay chưa? Báo cáo giám sát mới chỉ liệt kê các biểu hiện mà chưa đưa ra câu trả lời cho vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách bình luận, chương trình học, sách giáo khoa có nhiều kiến thức quá nặng, thậm chí mang tính bác học mà thiếu những nội dung mang tính phổ thông, đơn giản, thiết thực nhất với từng cấp học. Lấy ví dụ nội dung học tích phân, giải trình có ngay trong toán lớp 11, 12 - những vấn đề khi lên đại học sẽ tiếp tục… học lại, ông Hiển so sánh với chương trình phổ thông trước đây chỉ 9 năm, sau tăng lên 10 năm để cho rằng, việc đó bất hợp lý, gây lãng phí cho xã hội, áp lực cho học sinh và cả giáo viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lý giải sự bất hợp lý đó là do làm ngược quy trình khi viết sách giáo khoa trước, xây dựng chương trình sau. Ông Phan Trung Lý nêu yêu cầu báo cáo giám sát nêu địa chỉ cụ thể, những điểm tốt - xấu nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc ai, phần nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, địa phương… Sách giáo khoa kém, chương trình không thành công thì trách nhiệm do Hội đồng biên soạn hay chủ trương chỉ đạo.

Trưởng Đoàn giám sát Đào Trọng Thi đề xuất thực hiện một chương trình đào tạo thống nhất nhưng gồm 2 phần, 1 phần cốt lõi, 1 phần mềm để bổ sung thêm những đặc trưng theo vùng miền, khu vực, đối tượng người học... Sách giáo khoa cũng tương tự, cần có bộ sách chuẩn và sách nâng cao cho từng môn học.

Ông Thi tán thành tóm lại quy trình theo hướng xuôi, xây dựng chương trình trước, xong sẽ có nhiều bộ sách, trong đó nhà nước làm một bộ chuẩn, các đơn vị khác có thể thả sức làm các bộ sách giáo khoa khác, sản phẩm nào có chất lượng sẽ thuyết phục được thị trường.

Bộ trưởng GD-ĐT hào hứng trình bày thêm các ý tưởng như tách bạch hoạt động quản lý nhà nước và nhà trường, thí điểm nhiều mô hình giáo dục mới ở bậc mẫu giáo, mầm non, tiểu học… Ông Phạm Vũ Luận lấy ví dụ chương trình công nghệ dạy tiếng Việt, chương trình “bàn tay nặn bột”, mô hình thí điểm trường học mới ở Việt Nam đã triển khai ở gần 1.500 trường trên cả nước… để thay đổi phương pháp dạy - học, tránh một chiều, để học sinh chủ động hơn.

Với những “bàn tay nặn bột”, những mô hình mới khi được triển khai đồng bộ, Bộ trưởng Luận khẳng định, những câu hỏi bức xúc của Quốc hội, người dân về tiêu cực của ngành như dạy thêm học thêm, làm thu, bệnh thành tích… sẽ giải quyết được.

P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm