Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:
“Giáo dục phổ thông không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho hoạt động”
(Dân trí) - Trường chuyên, trường thực nghiệm, thực hành đều chỉ lao theo mục tiêu... luyện thi đại học; chương trình - sách giáo khoa triệt tiêu tư duy sáng tạo; việc phân ban thất bại... UB Thường vụ QH mổ xẻ vấn đề chất lượng giáo dục phổ thông.
Chiều 15/8, UB Thường vụ Quốc hội dành thời gian thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cuộc giám sát được UB Thường vụ tiến hành từ đầu năm 2013, đến nay đã có kết quả cuối cùng.
Trình bày cáo cáo về kết quả giám sát, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đi vào từng nội dung rất cụ thể.
Trước hết, về quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông, các loại hình cơ sở giáo dục được đánh giá là phát triển khá đa dạng, phù hợp với xu thế và đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng sự phát triển đó lại chưa bám sát định hướng, mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý.
Ông Thi dẫn chứng, hệ thống trường THPT chuyên được hình thành nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về một số môn học để phát triển năng lực sáng tạo, trở thành nhân tài của đất nước trong tương lai nhưng trên thực tế nhiều trường THPT chuyên do áp lực của phụ huynh và học sinh nên đã chú trọng luyện thi đại học nhiều hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển tài năng. Đồng thời, do quá chú trọng mở rộng quy mô của một số trường chuyên, mục tiêu đào tạo nhân tài trở nên mờ nhạt.
Các cơ sở giáo dục thực nghiệm, trường thực hành của các cơ sở đào tạo giáo viên thì chủ yếu phát triển theo hướng giáo dục chất lượng cao, đáp ứng mục đích thi đỗ đại học của học sinh thay vì thử nghiệm những kết quả nghiên cứu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học.
Sự xuất hiện của các loại trường có yếu tố nước ngoài được ghi nhận nhưng công tác quản lý loại hình giáo dục này lại yếu, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chồng chéo về trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành dẫn đến sự thiếu thống nhất và quản lý lỏng lẻo, sơ hở. Vì vậy, sự phát triển mô hình giáo dục này còn nặng tính tự phát, thiếu sự kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng, chất lượng giáo dục thường chưa tương xứng với học phí rất cao, không bảo đảm được quyền lợi của người học.
Chương trình quá tải, “tắc” hướng giảm tải
Đi vào việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa GDPT, đoàn giám sát đánh giá chung là đúng quy định, có sự tham khảo kinh nghiệm trong lĩnh vực này của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, huy động được nhiều nhà khoa học, sư phạm, cán bộ quản lý, giáo viên giỏi tham gia, được thí điểm và tổ chức thẩm định chất lượng nghiêm túc.
Tuy vậy, cơ quan giám sát thẳng thắn “phê” quy trình biên soạn ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Hội đồng chỉ đạo quốc gia được thành lập muộn so với các ban chỉ đạo cấp học. Không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả các cấp học. Thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục phổ thông và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế.
Ông Thi cho rằng, chương trình, sách giáo khoa GDPT về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo nhưng mới thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và đạo đức học sinh.
“Nhìn chung, nội dung chương trình - sách giáo khoa cơ bản đã bảo đảm được tính chính xác, khoa học; đã chú ý ở mức độ nhất định giáo dục toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, các kĩ năng cơ bản và hướng nghiệp; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kĩ năng của mỗi cấp học, các môn học làm căn cứ thống nhất trong chỉ đạo, quản lý quá trình giáo dục. Tuy vậy, việc biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong chương trình, trong sách chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”. Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” - báo cáo giám sát viết.
Một vấn đề được đào sâu là việc thực hiện phân ban ở cấp THPT. Đánh giá trước hết đoàn giám sát đưa ra là việc phân ban không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.
Cụ thể, chương trình phân ban qua nhiều lần thí điểm, điều chỉnh vẫn thiếu tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc nên đã không đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.
Từ năm học 2003 - 2004, chương trình THPT được chia thành hai ban (ban Khoa học Tự nhiên, ban Khoa học Xã hội và Nhân văn) và đã được triển khai thí điểm tại 89 trường ở 21 tỉnh thành. Sau 2 năm thí điểm, chương trình phân ban này đã bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng. Vì vậy, năm 2004, Quốc hội phải đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh phương án phân ban này. Trên cơ sở đó Chính phủ đã điều chỉnh phương án phân ban, bổ sung thêm ban Cơ bản kết hợp với một số môn học nâng cao và tự chọn.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng “phê” thẳng, trên thực tế, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.
Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học ban Khoa học Xã hội & Nhân văn. Tại các địa phương, hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên chỉ tổ chức dạy học theo ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh.
“Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công” - Chủ nhiệm Đào Trọng Thi một lần nữa nhắc lại.
Xác nhận nhiều nội dung đánh giá, kết luận của đoàn giám sát, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn nhìn nhận, dù đã cải thiện nhiều nhưng trên tổng thể giáo dục phổ thông vẫn không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho hoạt động.
P. Thảo