Đà Nẵng:

Giảng viên bức xúc vì trường chậm trả lương

(Dân trí) - Bức xúc do nhà trường chậm chi trả lương, giảng viên thỉnh giảng trường CĐ Nghề Hoa Sen (cơ sở tại Đà Nẵng) đã phản ánh báo chí nhiều thông tin được cho là sai phạm của nhà trường.

Theo đơn thư bạn đọc là giảng viên (GV) thỉnh giảng ở Trường CĐ Nghề Hoa Sen (cơ sở tại Đà Nẵng) phản ánh Trường CĐ Nghề Hoa Sen đang thiếu tiêu chuẩn, điều kiện cần và đủ nhằm phục vụ cho hoạt động giảng dạy.

Cụ thể, đơn thư bạn đọc nêu từ năm học 2013 - 2014 tới nay, nhà trường liên tục chậm thanh toán khối lượng giảng dạy mỗi học kỳ theo hợp đồng với GV thỉnh giảng mà không có lời giải thích nào. Hiện nay đã sắp kết thúc học kỳ I năm học 2015 - 2016 mà trường vẫn chưa chịu giải quyết tiền giảng dạy năm 2014 - 2015 cho GV thỉnh giảng mặc dù các GV đã liên tục “hỏi thăm, nhắc nhở lịch sự nhiều lần”.

Tại cở sở đào tạo tại số 63 Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng có dưới 20 phòng học lý thuyết với sức chứa 20 - 50 người; và chỉ có vỏn vẹn 1 phòng thực hành. Theo bạn đọc phản ánh thì “không hề đảm bảo theo tiêu chuẩn đã được quy định về diện tích, dụng cụ, trang thiết bị, phôi liệu để phục vụ nhu cầu dạy và học thực hành”.

Cơ sở trường CĐ Nghề Hoa Sen tại số 63,Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng
Cơ sở trường CĐ Nghề Hoa Sen tại số 63,Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng

 

Về đội ngũ GV, quản lý, nhà trường được cấp phép đào tạo đa dạng ngành nghề nhưng hiện cơ sở ở Đà Nẵng chỉ có 5-6 GV cơ hữu từng đứng lớp. Còn lại là GV thỉnh giảng mời của các trường khác trên địa bàn về dạy.Theo đơn thư bạn đọc nêu câu hỏi, với đội ngũ GV và quản lý “vừa thiếu vừa yếu” như vậy thì nhà trường căn cứ vào đâu để khẳng định đảm bảo chất lượng đào tạo chuẩn hóa và hội nhập quốc tế như nhà trường quảng bá?.

Đơn thư bạn đọc là GV thỉnh giảng của nhà trường bày tỏ mong muốn “qua sự phản ảnh của công luận thì Ban lãnh đạo trường CĐ Nghề Hoa Sen có thể sẽ thay đổi tích cực hơn trong việc chăm lo đến đời sống tinh thần - vật chất của GV, nhân viên; sẽ đầu tư thỏa đáng, đúng nghĩa cho mục tiêu phục vụ người học, nâng cao chất lượng đào tạo cả về chương trình và trang thiết bị thực hành”.

Tiếp nhận thông tin bạn đọc phản ánh qua báo Dân trí, Trường CĐ Nghề Hoa Sen đã có công văn trả lời ký tên ông Nguyễn Trọng Duy - Hiệu trưởng nhà trường. Đại diện nhà trường thừa nhận có nợ lương GV thỉnh giảng và đã có kế hoạch trả, khoảng hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, trường này khẳng định cơ sở của trường tại Đà Nẵng hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doạt động dạy nghề số 36/2015/CNĐKHĐ - TCDN được cấp bởi Tổng Cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường tổ chức tuyển sinh và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và các hướng dẫn của cơ quan quản lý.Về đội ngũ GV và cơ sở vật chất của nhà trường đã được các cơ quan quản lý xác định đúng quy mô đào tạo thực tế theo các đợt kiểm tra định kỳ.

Được biết, tại Đà Nẵng, CĐ Nghề Hoa Sen có 3 cơ sở tại số K62/39 đường Hà Huy Tập (cơ sở mua lại của trường CĐ Nghề Hoàng Diệu), số 340/40 đường Trần Cao Vân và số 63 đường Phan Đăng Lưu. Các cơ sở này được cấp phép đào tạo từ 6- 8 ngành nghề với quy mô tuyển sinh cho phép hàng năm gần 1000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo một cán bộ của cơ sở CĐ Nghề Hoa Sen tại Đà Nẵng cho biết, năm học 2015 - 2016, nhà trường chưa tuyển sinh được sinh viên nào. Theo nhà trường, do đây là khó khăn chung của các cơ sở đào tạo nghề hiện nay. Hiện tại, trường chỉ mở 2 lớp Thiết kế đồ họa và Quản trị Khách sạn miễn phí cho học sinh, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương ở cơ sở số 63 đường Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng. Số GV cơ hữu của nhà trường có khoảng 20 GV nhưng do tình hình tuyển sinh khó khăn, chưa có sinh viên nên một số GV đã xin nghỉ tạm thời.

Liên quan đến việc cơ sở của CĐ Nghề Hoa Sen tại số 217 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM có được cấp giấy phép hoạt động hay không, ông Mã Hoàng Lê, Trưởng phòng dạy nghề, thuộc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB-XH) cho rằng cơ sở của trường CĐ nghề Hoa Sen hoạt động tại TP.HCM là đúng quy trình. Ông Lê lí giải rằng do trước đó Tổng cục dạy nghề cho phép trường này hoạt động tại TP.HCM nhưng lại không gửi cho Sở LĐTB-XH thành phố bản sao giấy chứng nhận của Tổng cục dạy nghề.

Tuy cơ sở đào tạo của trường CĐ nghề Hoa Sen được cấp phép dạy nghề đúng quy định nhưng cơ sở này chưa báo cho địa phương nên địa phương không nắm được. Vừa rồi trường đã bổ sung hồ sơ và thông báo cho Sở biết hoạt động của mình tại địa điểm 217 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.

Về đội ngũ giảng viên tại trường, theo thông tư 30/2010 của Bộ LĐTB-XH về quy định chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề thì tiêu chuẩn kiến thức chuyên môn là có bằng tốt nghiệp đại học hoặc đại học sư phạm kỹ thuật trở lên, chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy. Còn đối với kỹ năng nghề thì yêu cầu chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề là phải có kỹ năng nghề tương đương trình độ cao đẳng nghề hoặc bậc 5/7, bậc 4/6 trở lên hoặc là nghệ nhân cấp quốc gia. Ở trường CĐ nghề không bắt buộc đội ngũ giảng viên phải có trình độ Tiến sĩ.

Đình Hòa - Lê Phương - K.Hiền