Giảng viên 8X và loạt lời phê “bá đạo” khiến sinh viên ngóng hơn điểm số
(Dân trí) - "Nhan sắc tỷ lệ nghịch với chữ viết", "Trong giờ kiểm tra dại trai không phải là một hành động phù hợp", "Nếu được, thầy sẽ trả lại học phí cho em vì em đã trả lại kiến thức cho thầy", “Chém gió vừa thôi”... Những lời phê "đá xéo" vào khuyết điểm nhưng lại khiến sinh viên cười nghiêng ngả.
Loạt ảnh tập hợp những lời phê "bá đạo" của thầy giáo Trường ĐH Vinh nhận được hơn 8.000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ sau ít giờ đăng tải trên một diễn đàn mạng về học tập. Không phải những lời phê khuôn mẫu, chuẩn mực Sư phạm, lối viết lời phê vừa chân thực, gần gũi, hài hước hước vừa nói trúng khuyết điểm sinh viên khiến ai đọc cũng "cười té ghế".
"Có cái kính nào đeo vào học giỏi hơn không?", "Nhan sắc tỉ lệ nghịch với chữ viết?", "Em sống thế này đến bao giờ";"Em sợ bạn nhìn bài hay sao viết chữ nhỏ vậy", "Chữ xấu là dấu hiệu của thiên tài đó em, em đúng là một "thiên tài luôn", "Em nên viết thư pháp vào mùa Xuân để tăng thêm thu nhập", "Trình bày bài thi nó như make-up, đi diễn ấy, phải làm cho đẹp, không thì chả ăn sân khấu đâu"... Những lời phê nói thẳng nói thật vào khuyết điểm kèm điểm kém nhưng khiến các cô cậu sinh viên không những không buồn mà còn vui vẻ thừa nhận khuyết điểm và cố gắng sửa chữa.
Còn những bài đạt điểm cao thầy không quên hài hước "Sinh viên gương mẫu đây rồi", "Triệu likes", "Có những đứa dành hẳn 15 tuần cũng không lấy được con 9 này của em đâu, well done",… giúp các bạn có thêm động lực.
Được biết, đây là các bài kiểm tra môn Quản lý hành chính nhà nước và quản lý ngành giáo dục đào tạo tại trường ĐH Vinh. Thầy giáo với những “bá đạo” này tên là Nguyễn Việt Phương, sinh năm 1989, giảng viên khoa Giáo dục và công tác tại trường được 6 năm. Thầy Phương từng học cử nhân ở trường ĐH Hà Nội và thạc sĩ ở Úc. Thầy có 5 năm làm Bí thư Đoàn của Khoa và các chức vụ kiêm nhiệm khác liên quan đến đào tạo.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy giáo trẻ cho biết: "Mình vốn rất thích gần gũi với sinh viên nên hay dùng teen-code và từ địa phương để phê vào bài kiểm tra hay lúc nói chuyện với các bạn. Một số bạn nơi khác không hiểu cho rằng thầy mà còn sai chính tả, khi dùng teen-code thì rõ ràng quy tắc về chính tả không phải là điều quan trọng”.
Công tác ở trường được 6 năm, giảng viên 8X vẫn giữ phong cách viết lời phê này từ những ngày đầu đi dạy nguyên nhân chính bởi anh có tính cách vui vẻ, hài hước. Thêm nữa, vì làm Đoàn và công tác đào tạo liên quan trực tiếp đến xử lý các vấn đề cho sinh viên nên thầy giáo trẻ không muốn tạo khoảng cách cứng nhắc với học trò.
“Mặc khác, mình cũng từng là sinh viên, mình không muốn các em trải nghiệm những việc khó khăn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu quả thực việc đó là đúng anh hoàn toàn giúp các bạn được", thầy Phương vui vẻ nói.
Cũng theo giảng viên ĐH Vinh, thực ra lời phê đó chỉ là một bước trong quá trình đánh giá sinh viên. Ai đi dạy cũng sẽ trải qua bước này. Có thể có hoặc không nhưng với thầy Phương sinh viên có quyền được biết tại sao thầy lại cho mình điểm số đó và có hướng chấn chỉnh việc học.
Tất nhiên, phản ứng của sinh viên khi được thầy giáo dùng ngôn ngữ “teen” để phê thì khỏi phải bàn. "Khi mình trả bài thấy sinh viên cười nhiều, bàn tán, xem xem thầy phê bài bạn mình như nào. Điểm số thấp có lẽ không quan trọng bằng việc nội dung thầy phê là gì. Hy vọng các em sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ về môn học, về thầy cô cũng như nhà trường".
Lệ Thu