Đắk Nông:

Gian nan cuộc sống trọ học nơi bản nghèo

(Dân trí) - Xa nhà, không có bố mẹ bên cạnh nên nhiều học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông phải ở trọ và tự lo việc ăn ở, học hành. Sau giờ học ở trường, các em đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc sống nội trú hàng ngày.

“Ra riêng” khi chưa kịp lớn

Năm học này, Ma Seo Hòa (5 tuổi, khu Suối Phèn, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) vào học mẫu giáo. Nhà cách trường hơn hai chục cây số nên cậu bé được bố mẹ cho ra ở cùng với chị gái mới 9 tuổi, đang học tại một trường tiểu học gần đó. Mỗi sáng, Hòa được chị gái dẫn ra ngoài lớp học, đến trưa mới đón về. Do không có bố mẹ bên cạnh, nên việc cơm nước, tắm giặt hay vệ sinh cá nhân của Hòa phải nhờ đến chị gái.


Cuộc sống nội trú buộc các em phải tự lo liệu cho bản thân

Cuộc sống nội trú buộc các em phải tự lo liệu cho bản thân

Sau mỗi giờ học trên lớp, Hòa thường cùng mấy đứa trẻ trong xóm trọ ra bãi cát trước sân hoặc con suối sau lưng trường để đùa nghịch. Đói thì lấy cơm được nấu từ sáng ra ăn, hết cơm thì ăn mì tôm hoặc nhịn đói. “Mỗi tuần bố cho ba chị em một bịch gạo với một ít tiền mua thức ăn. Sáng sớm, chị gái sẽ dậy nấu cơm để cho ba chị em ăn trong cả ngày, khi đi học về ai đói thì lấy cơm ra ăn chứ không ăn chung”, giọng cậu bé ngập ngừng.

Cùng xóm trọ với Hòa, Vàng A Chính (trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) vừa phải đi học, vừa dành thời gian chăm sóc cô em gái ruột Hạng Thị Công (5 tuổi). Vì Chính có một “suất” trong nhà nội trú nên cậu học sinh lớp 5 này đưa cả em gái vào ở cùng. Phòng đông, số giường lại có hạn nên cả hai anh em phải nhường nhau chiếc giường đơn bé xíu mỗi khi đi ngủ.


Học sinh tiểu học tại khu nội trú nhưng phải đảm nhận vai trò của bố, mẹ để chăm sóc cho cả em mình

Học sinh tiểu học tại khu nội trú nhưng phải đảm nhận vai trò của bố, mẹ để chăm sóc cho cả em mình

Chính tâm sự: “Em và em gái chia nhau ra ngủ, mỗi đứa được ngủ trên giường một tối, chỉ những hôm trời lạnh thì hai anh em mới ngủ chung giường. Hàng ngày, ngoài việc lên lớp thì em sẽ đảm nhận việc nấu cơm, giặt quần áo và đi kiếm củi”.

Tương tự, hơn 40 học sinh người Dao của Trường tiểu học Trần Bội Cơ (xã Đắk Môl, huyện Đắk Song) cũng được bố mẹ thuê nhà người dân gần điểm trường để làm nơi lưu trú cho các em vì đường đi lại khó khăn. Vào mùa mưa, khu vực nơi các em ở gần như bị chia cắt, nên buộc thầy cô, phụ huynh phải tiếp tế lương thực. Bữa cơm của các em chỉ có cơm trắng, một phần thức ăn bé xíu được chia sẵn, ăn chung một nồi canh rau lớn nhưng các em vẫn ăn ngon lành.

“Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng đi học hôm nào cũng được ăn cơm no, sướng hơn ở nhà. Đi học nội trú thì tự do hơn, tối đến thích thì học còn không thích thì đi chơi, chơi chán thì đi ngủ“, Đặng Chòi Lường (học sinh lớp 5) chia sẻ về cuộc sống của mình.

Nhiều vấn đề bị bỏ ngỏ

Tuy nhiên, cuộc sống “nội trú” không chỉ buộc các em phải đối diện với những thiếu thốn về ăn uống, nơi lưu trú mà những học sinh này còn phải đương đầu với nhiều vấn đề khác.

Hàng ngày sau mỗi giờ học, các em sẽ đi kiếm củi hoặc đi chơi, chơi chán thì đi ngủ
Hàng ngày sau mỗi giờ học, các em sẽ đi kiếm củi hoặc đi chơi, chơi chán thì đi ngủ

Thầy Mai Thanh Tịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết, mỗi tuần nhà trường cử đoàn thanh niên, đội xuống khu nội trú hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh thân thể cũng như vệ sinh khu vực xung quanh. Đối với phụ huynh cũng có cam kết với nhà trường là một tuần sẽ cử một phụ huynh ra để chăm sóc các con nhưng công việc này cũng không được thường xuyên nên các em phải tự lo từ ăn uống cho đến vệ sinh.

Từ việc ăn uống hạn chế, không đảm bảo khiến học sinh thường xuyên mắc bệnh. Có những em bị đau yếu, quai bị, tiêu chảy, nằm bẹp tại lều trọ mấy ngày liền. Nhiều hôm giáo viên không thấy học sinh đi học, xuống tận nơi tìm hiểu thì mới biết mới biết các em bị bệnh. Sau đó, các thầy cô phải bỏ tiền túi ra mua thuốc và đồ ăn cho các em.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bội Cơ (xã Đắk Mol, huyện Đắk Song) chia sẻ, nhưng năm học trước điểm trường thôn E291 dù có nhà vệ sinh, nhưng không sử dụng được do không có nước. Mặc dù đã khoan được giếng có nước, nhưng chưa sử dụng được do nhà thi công lắp đặt bồn chứa nước không đúng kĩ thuật.

“Thầy cô giáo chỉ có thể quản lý các em khi còn ở trường, đến khi các em về nhà trọ thì không thể theo dõi sát sao được. Chính vì cuộc sống khó khăn, việc trọ học thiếu thốn nên nhiều em thường rủ nhau nghỉ học để đi chơi hoặc đi kiếm đồ ăn, dần dần các em này rủ nhau bỏ học luôn. Rất may năm học này, trường được một đoàn từ thiện về xây cho các em một căn nhà bán trú khang trang, nên nhà trường cũng hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng”, cô Yến cho hay.


Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ khi học sinh sống tại các khu nội trú tự phát

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ khi học sinh sống tại các khu nội trú tự phát

Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Hòa cũng bày tỏ sự lo ngại về thực tế các khu nội trú, bán trú của học sinh địa phương. Thầy Khanh cho biết, hiện địa phương không có nhà bán trú, nội trú đúng tiêu chuẩn, học sinh nam nữ phải sống chung một nhà. Trong khi các em đang ở tuổi dậy thì nên bắt buộc nhà trường phải thường xuyên giáo dục giới tính cho các em, tuy nhiên việc giáo dục này cũng chỉ một vài tiết trong cả năm học nên không “thấm” vào đâu được.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa cũng trăn trở về việc các em phải sống xa bố mẹ gia đình nên không biết cách bảo vệ bản thân, bảo vệ tài sản. Nhiều em thường gây gổ đánh nhau nhưng khi giáo viên phát hiện sự việc thì nó cũng xảy ra một vài ngày rồi hoặc có học sinh bị đối tượng xấu dụ dỗ bỏ học hoặc trộm cắp tài sản.

Dương Phong