Đắk Lắk:

Gian nan băng rừng tìm chữ

(Dân trí) - Từ sáng tinh mơ, từng tốp học sinh con em người đồng bào dân tộc thiểu số H’mông buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) gian nan vượt hơn 12 km đường bộ hiểm trở đến điểm trường Đlei (xã Đắk Nuê) học chữ.

Đó là cảnh tượng quen thuộc với những em học sinh (HS) nơi đây suốt hơn 3 năm nay.. 

“Đường xa, bước hoài cũng đến…”

Khi những con gà gừng đầu tiên cất tiếng gáy “le te…le te” ngân xa giữa núi rừng đại ngàn báo hiệu trời sắp sáng cũng là lúc hơn 50 HS con em người đồng bào ở đây thức dậy chuẩn bị hành trang băng rừng tìm chữ. Đây là số HS con em tại buôn Đắk Sar nằm trong độ tuổi lớp 2 đến lớp 5 theo học tại điểm trường Đlei (buôn Đlei, xã Đắk Nuê) thuộc điểm Trường chính Tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Lắk). Bởi buôn Đắk Sar chỉ có 3 lớp học dành cho HS lớp 1 học tại bản, những HS khác từ lớp 2 trở lên muốn đi học phải ra điểm trường Đlei cách đó hơn 12 km đường rừng. Không quản ngại khó khăn, từ bao năm nay hàng chục em HS người H’mông buôn Đắk Sar thức dậy từ 4 rưỡi sáng miệt mài vượt hơn chục cây số đến điểm trường buôn Đlei.

Gian nan băng rừng tìm chữ  - 1
Các em học sinh H’mông tại buôn Đắk Sar băng rừng hơn 12 km đường bộ đến buôn Đlei học chữ.

Chia sẻ với chúng tôi, em Hoàng A Páo (HS lớp 2M) bập bẹ nói tiếng Kinh cho biết: “Đi học lúc 4 giờ sáng kia, cha thức dậy nắm lấy gói xôi lót dạ là đi liền… Đường đi ra buôn Đlei xa nên phải chịu khó thôi, có lúc mưa to cầu Trắng buôn Đắk Sar nước lên đi không được phải nghỉ học…”. Em Hoàng A Dầu (HS lớp 4G2) nói thêm: “Xa thì xa nhưng bước hoài cũng đến… trên đường rủ thêm 3, 4 bạn khác vừa đi vừa nói chuyện sẽ nhanh đến hơn…”.

Gian nan băng rừng tìm chữ  - 2
Cung đường là rừng núi trập trùng.
 
Gian nan băng rừng tìm chữ  - 3
Thoăn thoắt miệt mài băng rừng không mỏi chân.

Vào những hôm thứ 3 hay thứ 6, những HS con em người đồng bào H’mông này cầm trên tay nắm xôi lót trong lá chuối, khệ nệ mang theo chai nước, ít bắp ngô, sắn mì… Trong 2 ngày này các em phải học cả ngày, đường sá xa xôi đành phải mang theo thức ăn tạm ở lại điểm trường học phụ đạo. Buổi trưa trong cái nắng đổ lửa Tây Nguyên chỉ với sắn mì, bắp ngô, xôi nếp nhưng các em nhai ngấu nghiến, ngon lành khiến chúng tôi chạnh lòng thương cảm.

Gian nan băng rừng tìm chữ  - 4
Buổi trưa trong cái nắng đổ lửa Tây Nguyên chỉ với sắn mì, bắp ngô, xôi nếp nhưng các em nhai ngấu nghiến, ngon lành.

Điểm trường “3 thiếu…”

Tưởng rằng ra đến điểm trường Đlei điều kiện học tập các em sẽ tốt hơn, ngờ  đâu điểm trường thiếu thốn bộn bề. Hiện điểm trường có 2 phòng học kiên cố nhưng có đến 6 lớp học với 102 HS, gồm: 1G2 10 HS; 2G2 7 HS; 3G2 11 HS; 4G2 ­12 HS; 5B 25 HS; 2M 27 HS. Điểm trường thiếu 2 phòng học phải mượn nhà Văn hóa Cộng đồng buôn Đlei bên cạnh ngăn làm 2 phòng bằng mái tôn để đưa lớp 5B và 2M sang đây học tạm. Theo các GV giảng dạy ở đây, năm tới 3 lớp 1 gồm 76 HS tại buôn Đắk Sar cách đó 12 km lên lớp 2 “đổ dồn” ra điểm trường này theo học sẽ làm điểm trường thiếu phòng học nghiêm trọng mặc dù điểm trường đang được xây thêm 2 phòng ốc mới. Đáng nói, hiện điểm trường có 2 lớp học ghép gồm: 1G1 ghép với 2G2; 3G2 ghép với 4G2 gây ra sự lộn xộn, giảm chất lượng giáo dục.

“Dạy học ở các lớp ghép thực sự khó khăn, HS phải ngồi ngược nhau, chương trình học đối lập nhau như mỗi bên học Toán - mỗi bên học Tập đọc; một bên học Tập làm văn - một bên Tập đọc khiến lớp học lúc nào cũng lộn xộn, mặc dù GV chúng tôi cố gắng hết mình nhưng thú thực không đảm bảo tốt chất lượng dạy học…”, thầy Y Măng Rơ Yam (40 tuổi) - phụ trách lớp ghép 3G2 -  4G2 cho hay.

Điểm trường Đei chính thức xây dựng cách đây 4 năm (2008) kèm theo công trình vệ sinh công cộng nhưng cũng từng đó thời gian, công trình vệ sinh này “đắp chiếu” vì không có nước khiến hơn 100 HS cùng 4 thầy cô giáo giảng dạy tại điểm trường khốn đốn.

Công trình nhà vệ sinh tại điểm trường Đlei “đắp chiếu” hơn 4 năm nay.

“Mỗi lần HS đi ngoài thì phải ra bụi bãi phía sau điểm trường 500 m, cả đi cả về cũng mất hơn 30 phút chứ công trình vệ sinh tại đây không nước, không thể sinh hoạt…”, thầy Y Luă (52 tuổi) giảng dạy tại điểm trường Đlei cho biết. “Bản thân tôi để có nước sinh hoạt hàng ngày từ sáng phải đi bộ gần 20 phút ra khe nước gần suối Bông Sir để lấy nước về dùng…”.

Tham gia giảng dạy tại điểm trường buôn Đlei gồm 4 thầy cô giáo hầu hết đều xa nhà nhưng vì  điểm trường không có nhà công vụ GV buộc 2 thầy cô sớm đi tối về. Nhà xa 30 km thầy Y Luă phải “biến” phòng sinh hoạt GV kê thêm cái xạp gỗ ở lại qua ngày; cô H Oen B. Krông (26 tuổi) nhà xa 40 Km phải thuê một căn phòng nhỏ của lâm trường buôn Đlei ở tạm mùa mưa.

Gian nan băng rừng tìm chữ  - 5
Để có nước sinh hoạt, hàng ngày từ sáng sớm, thầy Y Luă phải đi bộ gần 20 phút ra khe nước gần suối Bông Sir để lấy nước về dự trữ.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy La Trọng Chương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cho biết: “Việc con em người đồng bào H’mông đi bộ hơn 12 km đường rừng để đến điểm trường Đlei học tập hơn 3 năm nay là vì ở buôn Đắk Sar không có trường, chỉ có lớp học dành cho lớp 1; đáng khen dù đường xa nhưng các em chăm chỉ, chịu khó đi sớm về trưa, thậm chí nhiều em xa hơn ở cuối buôn nhưng cũng ít khi nghỉ học. Điểm trường Đlei có 2 lớp học ghép là vì không đủ HS để mở lớp theo quy định, thực sự nhà trường cũng không mong muốn và cũng kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ xây thêm phòng ốc phục vụ việc học tập cho các em trong bản; công trình nhà vệ sinh cũng cần sửa sang để công tác dạy học đảm bảo chứ Ban giám hiệu nhà trường thực sự không có kinh phí…”.

Viết Hảo