Gian lận thi THPT quốc gia: Yêu cầu trường đại học không tiếp nhận thí sinh được “vống” điểm

(Dân trí) - Trao đổi về hướng xử lý với những thí sinh dính vào vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu sai phạm đến mức độ hủy kết quả thi, Bộ sẽ yêu cầu hủy và yêu cầu các trường đại học không tiếp nhận các em này.


Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La.

Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La.

Tiến độ xử lý việc gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La là câu hỏi được dành cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại cuộc họp báo Chính phủ tối 30/8.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thông tin, về những sai phạm trong kỳ thi quốc gia vừa qua, cơ quan Công an đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng.

“Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Bộ Công an xử lý theo kết luận cuối cùng. Khi có kết luận, sẽ xác định rõ họ tên cụ thể các thí sinh sai phạm, thực hiện theo quy chế. Nếu đến mức độ hủy kết quả thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu hủy cũng như yêu cầu các trường đại học không tiếp nhận các em này” - Thứ trưởng Độ cho biết.

Cũng tại cuộc họp báo, một vấn đề khác được đặt ra, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, sách giáo khoa (SGK) cũ hiện nay không thể sử dụng được. Một số chuyên gia thậm chí đã vạch rõ những “tiểu xảo” trong việc làm sách như yêu cầu học sinh làm bài tập, viết ngay bài trên SGK, dẫn đến toàn bộ SGK sau mỗi năm học, qua tay mỗi học sinh là không thể tái sử dụng được nữa.

Nêu quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải thích, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới, từ năm 2000 đến nay, SGK cũ vẫn đang được triển khai.

Ông Độ khẳng định, SGK cũ đang ổn định, hàng năm chỉ điều chỉnh một chút, tái bản, bổ sung thêm một số sách, còn lại nội dung không thay đổi. Theo đó, với chương trình hiện nay, SGK cũ vẫn còn hiệu lực, vẫn còn sử dụng khi chương trình mới thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội (về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông) chưa chính thức được ban hành.

“Vừa rồi tôi có đi Lai Châu, vẫn còn đầy đủ các SGK cũ và vẫn luân chuyển để cho các thế hệ sau sử dụng” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Nói thêm về việc thực hiện Nghị quyết 88, ông Độ cho biết, Quốc hội cho phép thực hiện chương trình phổ thông mới và theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ năm 2019 hoặc năm 2020, có thể triển khai từ lớp 1 và khi có chương trình SGK mới, lúc đó chương trình SGK cũ không còn hiệu lực nữa.

Ông Độ cũng giải thích, loại sách có viết trực tiếp lời giải là các sách bài tập, sách tham khảo. Còn SGK là sách riêng, đảm bảo có sự luân truyền lâu dài. Sách tham khảo tùy theo từng điều kiện, các gia đình, nhà trường có thể lựa chọn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Độ cũng giải thích, Bộ GD-ĐT cũng đã ra các văn bản 2572, 2372 từ năm 2013 về việc sử dụng tài liệu tham khảo. Năm 2014 Bộ cũng ban hành Thông tư 21 quy định về việc quản lý sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, việc lựa chọn sách tham khảo do Thủ trưởng, Hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định sử dụng sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ cũng chỉ đạo không khuyến khích các sách tham khảo viết trực tiếp bài giải.

P. Thảo