Giảm sổ sách, giáo án cho giáo viên: Cần chỉ đạo tinh gọn hơn nữa!

(Dân trí) - “Các thầy cô giáo như tháo được cái “gông” bao nhiêu năm nay cặm cụi viết tay sau những giờ lên lớp. Cũng chẳng phải nơm nớp lo sợ mình viết sai, viết xấu, viết thiếu mỗi khi thanh tra của phòng, sở GD&ĐT về kiểm tra mỗi năm…Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo tinh gọn hơn nữa”

Đó là tâm sự của nhiều thầy cô giáo trước quy định mới trong Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh làm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục -  Đào tạo ban hành.

Bước đi tích cực của giảm áp lực cho giáo viên

Theo Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT, trưởng phòng GDĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên (GV) có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định.

Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Giảm sổ sách, giáo án cho giáo viên: Cần chỉ đạo tinh gọn hơn nữa! - 1
Giáo viên vui mừng khi được gỡ bỏ các loại sổ sách, giáo án viết tay.

Cô giáo Đinh Thu Thủy, trường chuyên THPT Hưng Yên (Hưng Yên) cho biết, với quy định mới này, giáo viên (GV) sẽ bớt được cảnh cặm cụi chép tay giáo án mỗi tối, bớt được những thủ tục rườm rà về hàng tá các loại sổ chủ nhiệm để tập trung vào chuẩn bị giờ giảng được tích cực và đổi mới nhiều hơn.

Cô Thủy đã chỉ ra sự vất vả, thời đại 4.0 GV vẫn phải làm việc thủ công, máy móc như việc ngồi chép danh sách học sinh lớp mình chủ nhiệm vào sổ, trong khi đã có danh sách được đánh máy và in ra. Như vậy quá bất hợp lý và mất nhiều thời gian cho GV, do đó tôi thấy thay đổi đưa hết các hồ sơ lên máy tính để lưu trữ và quản lí sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Thầy giáo Lê Mạnh Hòa, Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Phượng (Phú Thọ) chia sẻ, vậy là từ nay tôi sẽ không phải thúc giục các thầy cô nộp sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt Đội, giáo án… thường xuyên hàng tháng, hàng quý. Những buổi hợp giao ban đầu tuần, đầu tháng có lẽ sẽ dễ thở hơn và GV cũng được chuyên tâm vào dạy các em học sinh nhiều hơn. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn, thấu hiểu những nỗi vất vả của giáo viên chúng tôi hơn.

Cô giáo Nguyễn Hồng Anh, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) tâm sự, sau gần 40 năm gắn bó với nghề giáo thì sáng nay tôi đã có một buổi giao ban đầu tuần thật nhẹ nhàng, các thầy cô giáo đều vui vẻ khi biết được những thông tin chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Các thầy cô giáo như tháo được cái “gông” bao nhiêu năm nay cặm cụi viết tay sau những giờ lên lớp. Cũng chẳng phải nơm nớp lo sợ mình viết sai, viết xấu, viết thiếu mỗi khi thanh tra của phòng, sở GD&ĐT về kiểm tra mỗi năm. Tôi kiến nghị, các quy định sẽ sớm được áp dụng ngay lật tức và có phương án quản lý sổ sách trên hệ thống điện tử gọn nhẹ hơn” - cô Hồng Anh bày tỏ.

Nên mở rộng các loại sổ sách điện tử

Cô giáo Nguyễn Hồng Anh cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh việc dạy học, chấm điểm, xét thi đua của học sinh được nghiêm túc hơn. Để GV chúng tôi được sống đúng với thực lực của học trò mình, không phải chạy theo chỉ tiêu thi đua, duy trì sĩ số, đảm bảo tỉ lệ % học sinh giỏi, khá, trung bình…

“Có những khi, chúng tôi ước được như các giảng viên đại học, nhẹ nhàng lên lớp dạy, chấm điểm theo của năng lực sinh viên, minh bạch, nhẹ nhàng khâu thủ tục sổ sách. Không phải chịu quá nhiều điều tiếng, những cái nhìn dò xét từ xã hội, từ cha mẹ học sinh là điều tất cả giáo viên bậc THPT chúng tôi mong muốn được thay đổi”.

Đồng quan điểm, cô Đinh Thu Thủy mong rằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách về mặt sổ sách hành chính tinh gọn hơn nữa. Nếu có thể, Bộ GD&ĐT nên quy định các trường trong bậc học THPT đồng loạt tiến hành quản lí học sinh theo công nghệ thông tin như: lập mã học sinh, cung cấp tài khoản cá nhân để xem điểm, xem lịch học, lịch thi… cho học sinh và phụ huynh tiện theo dõi con em thường xuyên.

“Khi đó, GV sẽ bớt được cảnh thức đêm cần mẫn lấp đầy các sổ khổ A3 cho đủ, cho sạch đẹp chỉ để thanh tra về nghe báo cáo và làm việc. Chưa kể đến, những quyển sổ ấy sau khi kết thúc năm học sẽ được đắp đống, cất vào xó tủ đầy bụi, rồi khi nào muốn tìm thông tin thì GV lại phải giành cả buổi ngồi lật từng đống sổ cũ kĩ”.

Thầy Đinh Mạnh Hòa đề xuất thêm, đã bỏ bớt được các thủ tục hồ sơ hành chính rườm rà thì cũng mong Bộ GD&ĐT “thừa thắng xông lên” tiếp tục chỉ đạo cải cách việc viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm cho các thầy cô giáo. Dù đây là tiêu chí đánh giá GV hàng năm nhưng thực tế đa số GV đều ngao ngán mỗi khi đến hẹn nộp; bởi nó giống như sự ép buộc hơn là sự tự nguyện đóng góp chia sẻ.

Do đó, quy định này rất dễ xảy ra tiêu cực, các thầy cô viết qua loa, lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác, chưa thực sự phát huy được ý nghĩa của việc nâng cao sự sáng tạo, tích cực trong thay đổi phương pháp dạy của GV.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm