Tiếng nói người trong cuộc: Đầu năm học, giáo viên lại “đau đầu” với hồ sơ sổ sách

(Dân trí) - Một năm học mới lại về. Các giáo viên chúng tôi lại nao nao một cảm xúc rất lạ, rất riêng. Một niềm hạnh phúc mà chỉ những người giáo viên mới cảm nhận được. Thế nhưng song song với niềm vui ấy là nỗi “ngán ngẩm” về hồ sơ sổ sách mà chuyên môn giao phó chúng tôi phải thực hiện.

Mới ngày đầu tiên lên lớp mà chúng tôi đã nhận được rất nhiều "quà" của chuyên môn trao tặng. Nhìn qua bảng phân công mà chúng tôi chóng cả mặt. Từ giáo án mới đến đủ các loại sổ phải thực hiện và kí duyệt trong tháng 9. Nào là sổ kế hoạch bộ môn, sổ điểm cá nhân, sổ dự giờ, sổ tự học và bồi dưỡng, sổ chủ nhiệm... Nhìn đủ các loại sổ quy định mà chúng tôi không khỏi ngao ngán.

Thực ra các loại sổ này năm nào chúng tôi chẳng phải làm. Đây là quy định bắt buộc của chuyên môn. Các sổ này được kiểm tra và kí duyệt rất kĩ rồi mới xếp loại. Các giáo viên (GV) muốn chuyên môn tốt thì hồ sơ sổ sách phải xếp loại tốt. Các loại sổ này năm nào cũng làm nên khá quen thuộc với GV.

Nhưng dường như điều GV chúng tôi sợ nhất là những kế hoạch đầu năm ban giám hiệu (BGH) yêu cầu. Thông thường BGH giao xuống tổ, tổ giao lại cho từng GV. Các kế hoạch đề ra trong một năm tương đối nhiều. Nào là kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ học sinh kém các khối, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, kế hoạch dạy học trải nghiệm sáng tạo, kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học... Các kế hoạch này GV thường rất sợ làm vì phải căn cứ vào các công văn mới ra được các kế hoạch. Nhiều khi làm xong mà vẫn bị trả lại vì không đúng. Thậm chí có những kế hoạch chúng tôi không biết làm như thế nào nữa. Thật nản và sợ.

Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 07/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường. Thế nhưng ngoài các loại hồ sơ sổ sách bắt buộc thì các trường vẫn đẻ ra thêm rất nhiều loại hồ sơ sổ sách khác nhau. Nhiều khi các GV phản đối thì BGH lại bảo nếu thanh tra Phòng, Sở về kiểm tra chúng tôi biết lấy đâu ra nguồn minh chứng. Thế là GV lại ngậm ngùi làm cho xong.

Thực tế có những cuốn sổ làm xong chẳng biết để làm gì vì thừa. Ví dụ, GV đâu cần phải lên kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học vì phần này đã có bộ phận thiết bị chung của nhà trường làm rồi. Hay như kế hoạch dạy học trải nghiệm sáng tạo cũng vậy. Các tổ đã có kế hoạch chung rồi thì cá nhân GV làm riêng làm gì cho mất thời gian. Các kế hoạch thì cứ na ná giống nhau, người này xin của người kia in ra nộp cho đủ. Cuối cùng tổ trưởng, ban giám hiệu phải đọc rồi kí rất mất thơi gian.

Ngay cả giáo án (hay còn gọi là Kế hoạch bài học) cũng vậy. Nếu năm nào thay đổi mẫu thì in mới là đương nhiên. Thế nhưng có những năm không thay đổi mẫu mà BGH vẫn yêu cầu phải in mới. Lí do sau này khi trường kiểm định chất lượng GV phải có đủ giáo án 5 năm để nộp. Vì thế GV đành phải làm. Thật là vừa tốn công, vừa tốn của.

Nhiều lúc chúng tôi rất sợ phải làm các loại hồ sơ sổ sách. Nó ngốn của GV không ít thời gian. Mỗi khi về nhà chúng tôi lại “đánh vật” với các loại sổ và các kế hoạch mà chuyên môn phân công. Hết làm trên máy vi tính lại chép tay. Dường như chúng tôi không còn thời gian để tập trung vào chuyên môn nữa.

Chúng tôi rất mong giảm bớt một số kế hoạch không cần thiết đi. Hãy để GV chúng tôi có thêm thời gian để đi dự giờ đồng nghiệp, dự các tiết sinh hoạt chuyên đề của tổ để nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, khi về nhà chúng tôi cần có thêm thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu liên quan đến bộ môn mình dạy.

Thiết nghĩ, các trường nên giảm tải lại một số loại hồ sơ sổ sách cho GV chúng tôi. Hãy để chúng tôi có thời gian chuyên sâu vào giảng dạy bởi mục đích cuối cùng của GV vẫn là những bài giảng có chất lượng, có nhiều học sinh giỏi.

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!