Giảm quy mô sinh viên, giảng viên có thất nghiệp?

(Dân trí) - Quy định của Thông tư 32 vừa ban hành, lãnh đạo nhiều trường đại học đã phản ứng, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là quá trình cần thiết để tái cơ cấu lại đội ngũ giảng viên của các trường, những người thật sự không có năng lực, hoặc năng lực yếu có thể chuyển làm các việc khác.

Trao đổi với phóng viên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng cho rằng, với các trường hiện quá đông sinh viên (SV), sẽ có lộ trình để giảm chứ không bắt phải làm ngay từ năm 2016 và chỉ tiêu tuyển sinh năm tới tối đa không được vượt quá năm 2015. Đó chính là bước để tiệm cận đến quá trình tiến tới đạt được quy định của Thông tư 32.

 


Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Áng

Nhiều trường đại học chạy theo số lượng

Thưa ông, quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH tại Thông tư 32 do Bộ GD-ĐT mới ban hành đang nhận ý kiến trái chiều từ không ít trường ĐH, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Thông tư 32 có nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất của Thông tư là xác định chỉ tiêu theo khối ngành. Đấy là cái ảnh hưởng đến hệ thống, điều chỉnh đến tất cả các trường. Tôi thấy lạ mọi người tại sao lại ít quan tâm đến việc xác định chỉ tiêu đào tạo theo khối ngành, mà lại quan tâm nhiều đến khống chế chỉ tiêu tối đa về sinh viên đại học chính quy.

Thực ra tiêu chí về xác định quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy tối đa nói chung thì tác động đến số ít trường. Theo danh sách chúng tôi hiện có đến năm học 2014 - 2015 có 18 trường vượt mức quy định này. Trong đó có nhiều trường vượt vài chục sinh viên, thậm chí vài trăm, với những trường này chúng tôi cho rằng không có vấn đề gì cả.

Vậy những cơ sở để Bộ GD-ĐT đưa quy định cứng trường ĐH có quy mô tối đa 15.000 sinh viên. Riêng trường ĐH thuộc khối ngành sức khỏe phải đảm bảo quy mô tối đa thấp hơn, với mức khống chế không quá 8.000 sinh viên hệ chính quy, và trường khối ngành nghệ thuật còn phải có quy mô không được quá 5.000 sinh viên...?

Nói về cơ sở để đưa ra quy định, quy mô tối đa về sinh viên đại học chính quy thì có thể nói tóm tắt thế này. Trước hết là phải xuất phát từ thực tiễn, chính sách nào cũng vậy, trên thực tế những năm qua có thể nói là quy mô các trường đại học chính quy của chúng ta tăng trưởng nhanh. Khi mà tăng trưởng nhanh, chúng tôi cho rằng, có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo. Bởi vì trên thực tế như hiện nay yếu tố như đội ngũ giảng viên cơ hữu, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, năng lực quản trị nhà trường khi chạy theo số lượng lớn như vậy sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chứ không phải không.

Đặc biệt chúng tôi muốn nói đến 2 yếu tố là đội ngũ giảng viên, chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị của mỗi một trường Đại học. Trên thực tế những điều đó không chỉ trong ngày một ngày hai có thể xử lý được như là cơ sở vật chất mà phải có thời gian mới xử lý được.

Việc đưa ra quy định về quy mô sinh viên đại học chính quy tối đa là vì chúng tôi muốn để trong một giới hạn mà năng lực quản trị ở đây cụ thể là năng lực tổ chức quản lý về quá trình dạy, quá trình học ở trong các trường đại học đi theo kịp với quy mô của các trường đại học.

Việc làm này nhằm đảm bảo phù hợp giữa quy mô đào tạo của nhà trường với năng lực quản trị. Mặt khác cũng là chung cho toàn hệ thống không nên chạy theo số lượng mà cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về 18 trường đại học nằm trong danh sách thừa về số lượng sinh viên?

Đó là những trường đại học Bách khoa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Cần Thơ, Đại học công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Tp HCM… đó là những trường có quy mô vượt trên 15.000.

Tuy nhiên, yêu cầu khống chế về quy mô tối đa không đặt ra ngay trong năm 2016 mà trong quy định của TT 32 đã đưa ra lộ trình thực hiện. Và đặc biệt vừa rồi Bộ đã có Công văn 6843/BGDĐT-KHTC hướng dẫn cụ thể cho các trường.

Về lâu dài Bộ vẫn yêu cầu các trường phải lập đề án trong đó xác định rõ quy mô đào tạo của họ. Trước mắt 2016 phải có đăng ký chỉ tiêu 2016 vừa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí 1 và tiêu chí 2 trong TT 32 và đồng thời không được vượt quá quy mô tuyển sinh năm 2015 được xác định theo Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT.

 


Quá đông sinh viên trên 1 giảng đường

Quá đông sinh viên trên 1 giảng đường

Đến lúc phải căn chỉnh lại toàn bộ hệ thống

Dư luận có ý kiến cho rằng có nhóm 18 trường chủ yếu là các trường đầu bảng khi quy định về chỉ tiêu tuyển sinh như vậy thì mọi người suy nghĩ rằng đó là cơ hội để từ đó các trường top dưới có thể tuyển sinh được dễ dàng hơn, ông nhận định về điều này thế nào?

Thực ra tác động đấy là rất nhỏ thôi, quan trọng nhất là thông điệp chung đến toàn bộ hệ thống là các trường đừng chạy theo quy mô nên tập trung vào mục tiêu là nâng cao chất lượng.

Trên thực tế có việc là một số trường tuyển sinh được cứ xây dựng thêm giảng đường, tuyển thêm đội ngũ giảng viên bất chấp cả năng lực đội ngũ quản trị có thể ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy, quá trình tổ chức học của sinh viên và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Liệu đây có phải là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sau một thời gian Bộ cho thả lỏng mở các ngành mới hay mở rộng chuyện tuyển sinh của các trường?

Thực ra nói thả lỏng là không phải, cái gì cũng có lý do của nó, diễn biến trong thời gian vừa qua có lý do của nó. Chúng tôi cho rằng bây giờ đến lúc chúng ta cũng phải căn chỉnh lại toàn bộ hệ thống của chúng ta để đáp ứng lại yêu cầu về kinh tế xã hội về chất lượng nguồn nhân lực.

Có một số lãnh đạo các trường đại học phát biểu rằng: nếu chuyện quy định chỉ tiêu này xảy ra thì những trường đại học có thể sẽ bị dư ra một lượng giảng viên. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

Tôi nghĩ rằng không có chuyện giảng viên thất nghiệp, trên thực tế, các trường đó phải có quá trình sắp xếp lại. Nếu như có thể dôi dư một phần nào đấy số lượng giảng viên thì từ nay đến năm 2020 thì họ có thể bố trí, tổ chức nhân sự.

Tôi cho rằng đó cũng là quá trình cần thiết để tái cơ cấu lại đội ngũ giảng viên của các trường, những người thật sự không có năng lực, hoặc năng lực yếu có thể chuyển làm các việc khác. Đây là điều có lợi chung cho nhà trường và toàn xã hội.

Theo lộ trình thì năm 2016 các trường chưa phải thực hiện ngay lộ trình này, và chỉ tiêu tuyển sinh năm tới sẽ chỉ bằng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 nhưng trong một vài năm tới thì sẽ phải thay đổi?

Tối đa là chỉ tiêu không được vượt quá năm 2015, như vậy đây cũng là bước để tiệm cận đến quá trình tiến tới đạt được quy định của Thông tư 32.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Khang – Thúy Hằng thực hiện