Giải pháp nào cho lao động Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19?
(Dân trí) - Vừa phát triển kinh tế, vừa phải phòng chống đại dịch Covid-19 nhưng vẫn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là thách thức lớn của đất nước, vậy giải pháp nào cho lao động Việt Nam trong bối cảnh này?
Chiều 4/10, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức "Hội thảo quốc tế về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới".
Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia quốc tế, trong nước nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực trạng lao động Việt Nam hiện nay
Ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay: "Tính đến quý II/ 2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm đến 26,1%. Như vậy số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%".
Một thực trạng cũng đang diễn ra là người lao động thiếu sự kết nối trong Giáo dục đào tạo với doanh nghiệp, xã hội, thị trường lao động trước, trong và sau quá trình đào tạo tham gia vào thị trường lao động.
Cũng theo ông Trường, giá trị và tầm nhìn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2045 sẽ phải phát triển theo "hình quả trứng". Do đó cần phải chuẩn hóa kỹ năng nghề của lực lượng lao động, thúc đẩy nâng tầm lao động Việt Nam tại nơi làm việc hoặc tự phấn đấu, trang bị kỹ năng và năng lực hành nghề…
Thế giới khuyến nghị các giải pháp nâng cao kỹ năng cho người lao động ở Việt Nam ra sao?
Phát biểu tại hội thảo, bà Abla Sair (Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới - World Bank Group) thì doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có tới 46% doanh nghiệp không có sự hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Các vấn đề tài chính, nhân sự, thiếu chính sách hỗ trợ… lại là vấn đề khó khăn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi kết nối với doanh nghiệp.
Ông Paul Comyn (Chuyên gia cao cấp về kỹ năng và việc làm, ban chính sách việc làm, Trụ sở chính của ILO tại Geneva) thì mong muốn Trung ương, Chính phủ cần đưa ra các chính sách để doanh nghiệp dẫn dắt, đóng góp vào trong quá trình đào tạo từng ngành cụ thể ở Việt Nam. Xu hướng hợp tác doanh nghiệp vẫn phát triển rất mạnh mẽ nhất là từng ngành.
Ví dụ như trong lĩnh vực Nông nghiệp thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đóng vai trò chính trong việc đào tạo các kỹ năng cho người lao động. Triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm, do vậy việc nâng cao kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết.
Bà Jen Bahen (Tham tán Giáo dục và nghiên cứu, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội) khẳng định nền kinh tế đang chuyển đổi phát triển công nghệ số. Cần phải xây dựng các năng lực của từng ngành nghề và việc làm. Sử dụng số liệu đầu vào của các ngành, của người lao động để đào tạo phát triển kỹ năng cho người lao động khớp với cung và cầu.
Bà khuyến nghị cho Việt Nam cần phải có Ủy ban ngành để dự báo hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, Hội đồng kỹ năng để phân tích thị trường lao động. Phụ thuộc vào từng ngành phải có quy định cụ thể và phối hợp trình độ năng lực…. đó là hệ thống phân loại kỹ năng.
Ông Uchino Tomohiro (Chánh văn phòng hợp tác kỹ thuật, hợp tác hải ngoại Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản) cho rằng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực là rất quan trọng, đặc biệt là các bài kiểm tra đánh giá năng lực kỹ năng nghề quốc gia.
Tại Nhật Bản đã đánh giá từ 1959, và có 130 ngành nghề được đánh giá nâng cao thành các bậc. Nếu Việt Nam có thể làm bài đánh giá năng lực kỹ năng nghề quốc gia thì sẽ phân loại dễ dàng và nâng tầm kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam trong tình hình mới.
Việt Nam giải quyết thách thức
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đang chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện quan trọng.
Đó là, chuẩn bị tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay; chuẩn bị điều kiện để tham gia các Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới; tổ chức Diễn đàn quốc tế về Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam", và nhiều hoạt động có ý nghĩa để hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới…
Bà Hà cũng chia sẻ thêm :"Các hoạt động trên góp phần lan tỏa cảm hứng, truyền động lực, đam mê kỹ năng nghề đến học sinh, sinh viên và những người lao động trẻ; nêu cao giá trị nghề nghiệp, củng cố lòng yêu nghề, yêu lao động và đề cao kỹ năng nghề trong xã hội".
Bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương nhằm phát triển kỹ năng học tập thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
"Đặt người học làm trung tâm, đáp ứng được nhu cầu của người học. Phát triển kỹ năng bao trùm cho người lao động cần đặc biệt quan tâm tới người yếu thế", bà Hà chia sẻ.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa bao giờ người lao động được người chủ sử dụng lao động quan tâm như hiện nay, bởi đây là tài sản quý báu cần được nâng niu để phát triển đất nước. Theo đó, kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong tình hình mới, bên cạnh ưu điểm, lao động nước ta có những hạn chế, yếu về chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp.
"Trước dịch Covid-19, làn sóng chuyển dịch đầu tư, Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đã đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cũng như việc tận dụng cơ hội mới", ông Phòng nói.
Trong bối cảnh này, ông Phòng cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nước nhà. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động phát triển.
Tại hội nghị này, Bộ LĐ-TB&XH đã trao Bằng khen cho 2 thí sinh đoạt Huy chương vàng tại kỳ thi kỹ năng nghề cơ điện tử châu Á - Thái Bình Dương; công bố, vinh danh 20 Đại sứ kỹ năng nghề.