Giải pháp cho ngành sư phạm: Việc làm, tiền lương và sự tôn vinh của xã hội

(Dân trí) - Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Văn Minh Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi nói về giải pháp cho việc nâng cao chất lượng ngành sư phạm hiện nay.

Nói về điểm chuẩn của các trường sư phạm năm nay thấp khiến dư luận "sốc", GS.TS Nguyễn Văn Minh Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm HN cho rằng, kỳ thi năm nay là kỳ thi đánh giá năng lực, có những điểm khác so với kỳ thi của 1-2 năm trước. Năm nay, chủ yếu là thi trắc nghiệm trừ môn Ngữ văn, cho nên kiến thức trải dài trên diện rộng cả năm lớp 12.

Đối với điểm chuẩn của trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay khá ổn định so với mọi năm như ngành Sư phạm Toán dạy tiếng Anh của trường mức điểm chuẩn đầu vào là 27,75. Các ngành khác còn lại từ 17 điểm trở lên. Các trường đại học sư phạm đào tạo truyền thống khác cũng có mức điểm cao tương tự như vậy.

Đối với các trường cao đẳng địa phương điểm chuẩn giảm xuống. Xét về một khía cạnh nào đó, đây là điều cảnh báo đối với chúng ta.

Ông Minh cho biết, trong đào tạo giáo viên có rất nhiều yếu tố, điểm chuẩn là 1 trong những các yếu tố, chứ không phải tất cả. Mọi người bao giờ cũng mong muốn mọi thứ đều tốt như điểm chuẩn tốt, phẩm chất năng lực tốt và việc đào tạo GV như vậy sẽ tốt hơn.

"Tôi nghĩ nếu so sánh trên 1 phổ điểm chung như vậy thì cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng các trường sư phạm truyền thống điểm trúng tuyển chênh lệch không quá lớn.

Những trường có điểm chuẩn thấp đều rơi vào các trường sư phạm ở địa phương, đặc biệt là hệ thống cao đẳng. Thực tế, trong khi tổng chỉ tiêu đào tạo các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT chưa đến 10.000 thì chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ các trường ĐH địa phương lại gấp 3-5 lần như vậy. Đây là điều mà chúng ta phải quan tâm" - ông Minh nói.


GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Trả lại sự hấp dẫn cho ngành sư phạm

Tuy nhiên, nhìn vào mức điểm chuẩn của trường cao đẳng sư phạm như 3 điểm/ môn đầu vào để làm thầy giáo thì dư luận không thể không đặt câu hỏi và lo lắng về chất lượng. Lý do tại sao các trường cao đẳng lại "vơ bèo vạt tép" trong tuyển sinh như hiện nay thưa ông?

Vào ngành sư phạm ngoài kỹ năng còn đòi hỏi người học phải có những tố chất đặc biệt. Tôi không bi quan về điểm chuẩn thấp mà tin tưởng vào khát vọng làm nghề giáo của những học sinh giỏi vẫn còn. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta làm sao đừng để tắt đi những khát vọng của các em. Đây là điểu mà chúng ta phải nghĩ.

Hiện tại cần đặt ra đối với toàn xã hội là vấn đề việc làm, chế độ, chính sách, thu nhập, giải phóng áp lực công việc và nhìn nhận của xã hội về nghề giáo... Đây là những nút thắt mà chúng ta cần phải giải quyết.

Đảng ta đã xác định Giáo dục là quốc sách hàng đầu và thầy cô giáo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển giáo dục của đất nước công cuộc đổi mới hiện nay. Tôi nghĩ khi đã nhận thấy được điều này để có những quyết sách phù hợp thì chúng ta sẽ trả lại sự hấp dẫn cho nghề sư phạm.

Trong thực tế chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo tài chính. Do đó, nhiều trường xem việc tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường.

Tuy nhiên, nếu để đảm bảo kinh phí hoạt động, các trường có thể sắp xếp công việc phù hợp như thay vì đào tạo các ngành mới thì nên tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện cho công cuộc đổi mới. Lúc đó, vấn đề chỉ tiêu sẽ không còn quá quan trọng với các trường.

Như vậy, sẽ làm giảm áp lực cho các trường khi nghĩ tới chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào bằng mọi cách.

Theo đó, cần sớm có cách giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô cho tới các bộ ngành, địa phương đừng để các trường, các thầy cô giáo làm việc mà thầy cô không mong muốn là buộc phải hoạt động, buộc phải tồn tại. Đây là bài toán cần phải giải quyết.

Chấp nhận "đau" để nâng cao chất lượng

Vậy những lứa sinh viên có điểm đầu vào trường sư phạm thấp như hiện nay, liệu có đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới không thưa ông? và nên có giải pháp gì cho họ?

Tôi xin nhắc lại, thứ nhất, các tường sư phạm truyền thống vẫn đảm bảo được ngưỡng đầu vào khá tốt. Thứ hai, điểm đầu vào là 1 trong các tiêu chí chứ không phải tất cả. Tất nhiên điểm đầu vào cao kèm theo các tố chất khác tốt đều là giải pháp tối ưu mà chúng ta mong muốn.

Giáo dục đang chuyển từ cách dạy thông thường phần lớn là trang bị kiến thức sang hình thành phẩm chất kiến thức và năng lực cho người học. Do đó đòi hỏi thầy cô hiện tại dù có giỏi đến mấy vẫn phải đào tạo lại để thích ứng với đổi mới giáo dục của đất nước.

Đối với một số trường có điểm đầu vào thấp, các trường cần phải lưu tâm và có giải pháp vì đã tuyển các em vào rồi.

Theo tôi, trước hết, bản thân các trường chủ động để sàng lọc và cách thức phải làm là đào tạo theo hình chóp, trong quá trình có vào có ra cụ thể. Nghĩ tới tương lai của các thế hệ sau, chúng ta phải chấp nhận những cái “đau” để nâng cao chất lượng.

Để làm được việc này cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành vì các trường sư phạm hiện tại gần như đang nằm trong tình trạng bao cấp.

Riêng về phía Bộ giáo dục và đào tạo, tôi thấy đã chuẩn bị rất kĩ về phần này. Đối với bồi dưỡng giáo viên cho chương trình đổi mới đã có chương trình ETEP đưa ra các tiêu chuẩn về giáo viên để sắp tới triển khai đồng loạt. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đang nhanh chóng thực hiện quy hoạch mạng lưới của các trường đào tạo sư phạm.

Theo ông, việc quy hoạch các trường sư phạm lần này cần thực hiện như thế nào để nâng cao chất lượng và thu hút sinh viên giỏi vào học?

Vấn đề cốt tử của sư phạm hiện nay là quy hoạch; đào tạo sư phạm và quy chuẩn về đội ngũ, về cơ sở vật chất. Sau đó, xem xét lại các yếu tố địa lí, phân bố dân cư và xác định đầu tư cho các trường về phương tiện. Song song với việc quy hoạch này, cần phải giải quyết các việc liên quan đến vấn đề xã hội, đến yếu tố nhân văn.

Đồng thời, do cơ chế tài chính đặc thù dành cho sinh viên sư phạm, việc cấp bù học phí cho trường sư phạm đã khiến một số trường có tâm lý chạy theo chỉ tiêu để nhận được nguồn tài chính hằng năm mà chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu thực tế.

Nếu cứ bình quân chủ nghĩa như hiện nay thì mãi mãi sẽ không có trường đào tạo nguồn nhân lực đỉnh cao. Theo đó, với các trường sư phạm đang được đầu tư từ Nhà nước thì càng cần sự quy hoạch bài bản, công tác dự báo đến nơi đến chốn để sinh viên ra trường nhất định phải có việc làm.

Cần phải xác lập rõ trường sư phạm nào trọng điểm có khả năng đào tạo đỉnh cao, các trường nào thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu hiện tại, còn các trường nào chủ yếu sẽ làm công tác bồi dưỡng đội ngũ, trở thành trường vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm.

Theo ông giải pháp nào có tính chất quyết định để mang lại sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo sư phạm?

Tôi nghĩ một giải pháp thì rất khó cần phải có các giải pháp tổng thể. Theo tôi có 3 việc đó là: Việc làm, tiền lương và sự tôn vinh của xã hội. Đó là những vấn đề để giúp chúng ta tạo nên sự cộng hưởng.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh - Hà Cường