Khổ học thành tài:
Giấc mơ không tật nguyền!
(Dân trí) - Dáng người bé nhỏ, liệt một tay, một chân, nhà nghèo, nhưng không vì lẽ đó mà ngăn cản Đinh Thị Thu Hường đến với cổng trường đại học...
Hường sinh ngày 19/8/1980, trong một gia đình nông dân ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Bất hạnh đến với Hường ngay từ hồi còn nhỏ, em bị sốt cao gây biến chứng liệt tay phải. Chạy chữa hết nơi này đến nơi khác không khỏi, từ đó tay phải và chân phải của em ngày càng teo lại.
Nhà nghèo, tay bị liệt, bạn bè thường xuyên trêu chọc nhưng không vì thế mà Hường cảm thấy mặc cảm, chán nản, bi quan trước cuộc sống, ngược lại đó chính là động lực cho em phấn đấu. Ngay từ nhỏ, em đã cố gắng xây dựng cho mình một tác phong sống tự lập, không dựa dẫm vào ai. Mới lên lớp 2, Hường đã biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đỡ đần bố mẹ bận rộn với công việc đồng áng hàng ngày. Còn ở lớp, em luôn đứng vào tốp những học sinh khá giỏi.
Đến năm học lớp 6, trường cách nhà 3km, bố mẹ bận việc không thể đưa Hường đến trường được, chân trái của Hường tuy liệt nhưng em vẫn cố gắng đến lớp, và khác với các bạn Hường luôn phải đi trước gần 2 tiếng đồng hồ mới kịp vào lớp, ngày nắng cũng như ngày mưa, em không bỏ buổi học nào, vì “nếu bỏ thì tiếc”, Hường nói.
Tốt nghiệp THPT, Hường thi vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Lần đầu không đỗ, Hường định tiếp tục ôn thi năm nữa nhưng do sức khỏe và điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, nên em đành phải tạm từ bỏ ước mơ vào đại học của mình. Sau 3 năm ở nhà chữa trị bệnh tật, sức khỏe có nhiều tiến bộ, Hường lại tiếp tục thực hiện mơ ước. Em mượn sách, tài liệu của bạn bè về tự học, tự ôn thi.
Sự khổ luyện của Hường rồi cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 2002, em thi đỗ vào Khoa Lao động Xã hội của trường CĐ Lao động Xã hội. Bản thân bị khuyết tật, gia đình có nhiều khó khăn vì thế Hường rất cố gắng.
Kết thúc 3 năm học, điểm tổng kết các môn của em là 7,3, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp là 8,2. Với số điểm này, Hường có thể học liên thông từ CĐ lên ĐH. Hiện em đang học ở lớp 38B - K38 Khoa Quản lý lao động của trường ĐH Lao động và Xã hội.
Hường tâm sự: “Em sinh ra đã không được may mắn như các bạn nên phải cố gắng thật nhiều để bù đắp khiếm khuyết. Em chỉ mong sau này ra trường xin được việc làm ổn định ở một trung tâm nhân đạo nào đó. Vất vả, mệt nhọc cũng được, miễn là em làm được những việc có ích cho xã hội, giúp đỡ được nhiều em nhỏ có số phận không may mắn”.
Vượt qua số phận của cuộc đời, Hường đã biến ước mơ của mình thành sự thật và giấc mơ mà Hường thường hướng đến đó là được làm việc, và cống hiến cho xã hội những gì tốt đẹp nhất.
Nhật Hồng