Ghé thăm “đại bản doanh” của học sinh vùng biên

(Dân trí) - Nhìn từ xa, những túp lều nằm chơ vơ bên những sườn núi với vẻ hoang tàn, chỉ đủ cho vài người chui ra chui vào, không ai nghĩ đó là những túp lều trọ học của hàng trăm học sinh các bản vùng sâu của xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).

Lều tranh nuôi ước mơ con chữ

Mường Lát là một huyện vùng biên phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Nếu đi bằng xe máy từ thành phố Thanh Hóa lên đến huyện Mường Lát cũng mất đứt một ngày trời với con đường đầy đèo dốc. Đó là chưa kể từ trung tâm các xã vào đến những bản làng xa xôi nhất cũng mất chừng 40 - 50 km đường rừng. Trong chuyến công tác lên huyện vùng cao Mường Lát, chúng tôi có dịp ghé vào xã Mường Lý, là một xã giáp biên của huyện Mường Lát. Cuộc sống hàng ngày của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc học hành của con em họ cũng ít khi được quan tâm. Có những bản cách trung tâm xã khoảng 50km nên dù có nỗ lực đến mấy thì các em học sinh cũng không thể hàng ngày đến trường theo học chữ.

Những căn lều này là nơi trọ học của hàng trăm học sinh Trường THCS Mường Lý.
Những căn lều này là nơi trọ học của hàng trăm học sinh Trường THCS Mường Lý.

Từ thị trấn Mường Lát ngược lên xã Mường Lý, đến trung tâm xã từ xa có thể nhìn thấy hàng chục túp lều tranh nằm nép mình bên những sườn núi. Đấy là “đại bản doanh” của hàng trăm học sinh Trường THCS xã Mường Lý. Những căn lều tạm bợ được dựng bằng tre, luồng và lợp mái tranh, đứng ngoài có thể nhìn xuyên thấu vào trong qua “bức tường phên”. Nơi đây, địa hình vốn phức tạp, nhà lại xa trường, có những em học sinh ở cách xa điểm trường chính hàng chục km, để đến được trường học phải đi bộ mất cả nửa ngày trời. Vì muốn được học chữ, không còn cách nào khác là các em phải dựng lều trọ học ngay cạnh trường. Cứ vào đầu năm học, bố mẹ các em phải vào rừng chặt tre, luồng và tìm vật liệu ra sửa sang lều bạt cho con trọ học. Nhìn những túp lều không ai nghĩ đó là nơi ở của các em học sinh trong những ngày đi học. Hầu hết các em học sinh đang độ tuổi mới lớn, ăn chưa no, lo chưa đến nhưng vì để biết cái chữ mà các em đã phải tự lực, tự lo cho bản thân mình từ miếng ăn đến giấc ngủ và việc học tập.

Gặp chúng tôi, em Giàng A Chu, học sinh lớp 7A ở bản Trung Thắng vẻ mặt ngơ ngác cứ chăng mắt nhìn khi nghe chúng tôi hỏi chuyện. Nhà Chu cách trường hơn 10 km, cũng như hàng trăm học sinh khác, Chu ra đây dựng lều trọ học. Căn lều tạm bợ được bố mẹ dựng từ năm em vào lớp 6, đến nay đã bắt đầu ọp ẹp. Gần hai năm qua, căn lều đã che mưa che nắng trong những ngày Chu theo học tại trường. Ngày nắng không sao, nhưng mỗi khi trời mưa xuống thì trong cũng như ngoài, Chu chỉ còn biết co ro chịu ướt cả quần áo, sách vở.

Những căn lều này là nơi trọ học của hàng trăm học sinh Trường THCS Mường Lý.
Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa và những ngày giá rét, các em phải gồng mình chống chọi để mong tìm con chữ.

Hầu hết học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước dành cho học sinh miền núi, thì hầu hết các em phải tự lo cho sinh hoạt riêng của mình. Hàng ngày ngoài một buổi đến trường, còn lại các em tranh thủ vào rừng chặt nứa, hái măng…về bán để kiếm tiền đong gạo ăn và mua sách vở. “Nhà em ở xa lắm, không đi bộ được, em thích đi học thôi, làm nương, làm rẫy vất vả lắm. Bố mẹ nghèo lắm không có tiền cho em. Đi học nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm, nhưng lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Nhiều lần phải nhịn đói không có gì ăn cả. Em muốn đi học để trở thành thầy giáo về dạy ở bản mình”, em Giàng A Chu rụt rè tâm sự.

Về phía nhà trường tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng tạo điều kiện nhất định để chăm lo cho các em học sinh. Vấn đề an ninh tại các khu nhà trọ của học sinh được nhà trường phối hợp với địa phương đảm bảo. Vất vả nhất đối với giáo viên nơi đây là sau các kỳ nghỉ, học sinh thường nghỉ rất dài và có nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường bỏ học. Những lần như thế các giáo viên trong trường lại phải băng rừng, lội suối đến tận nhà để động viên các em trở lại lớp.

Gian nan những tháng ngày trọ học

Thầy giáo Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý chia sẻ: “Thương các em lắm, nhiều hôm mưa gió lạnh, nhưng các giáo viên cũng đảo một vòng xem các em sinh hoạt như thế nào. Hiện nay hai nhà bán trú với 20 phòng học đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng mỗi phòng cũng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết nhu cầu cho các em học sinh của nhà trường. Hiện còn gần 100 em phải dựng lều lán trên các sườn đồi làm chỗ trọ học”.

Đây là nơi ở của hàng trăm học sinh.
Đây là nơi ở của hàng trăm học sinh.

Ngồi trong căn lều trò chuyện với các em học sinh, ngoài trời những cơn gió rít lên liên hồi đập vào vách nứa rung lên cành cạch, gió lùa qua khe vách từng đợt, ngồi trong cũng cảm nhận được cái lạnh se sắt. Những manh áo mỏng càng khiến các em run lên vì rét. Để đối phó với cái lạnh mùa đông nơi miền sơn cước, nhiều em ghép chung lại một lều để ôm nhau ngủ cho ấm. “Mùa đông lạnh lắm, tối không ngủ được, nhà nghèo không có tiền mua chăn, quần áo ấm mặc”, em Thào Thị Giống ở bản Muống 1, học sinh lớp 8A nói.

Nhìn những căn lều đã cũ nát, hở trước, trống sau, bên trong không có tài sản gì ngoài chiếc giường, gọi là giường cho sang chứ thực ra nó được kê bằng những thân tre, ít nan nứa đập bẹp ghép lại với nhau làm chiếu. Trong góc lều là nơi đặt bếp chỉ vài cái nồi con nằm chỏng chơ trông thật lãnh lẽo. Gần như lương thực hàng ngày không có một thứ để giữ trữ sẵn cả.

Chúng tôi ghé qua thăm căn lều của em Vàng A Pó khi em đang nấu nồi cơm vừa sôi trên bếp. Pó vừa về nhà lên nên có gạo nấu cơm cho mấy bạn cùng ăn. Mấy cọng rau cải mà Pó mang từ nhà lên được bỏ vào nồi nước đun sôi lên làm canh. Thấy chúng tôi bước vào, các em ngơ ngác ngước nhìn với ánh mắt lạ lẫm. Bữa cơm trưa được nấu xong, nhưng chưa thấy các em dọn ra ăn. Qua câu chuyện mới biết các em đang ngồi đợi bạn về ăn cùng. “Chơ nó chưa về, đang đợi nó về để ăn cơm cùng”, Pó giải thích. Một lúc sau, Chơ vừa chạy về tới lều, chỉ trong chớp mắt cả mấy em đã bê nồi cơm lên giường múc ăn một cách ngon lành. Nhìn vào mâm cơm trưa của ba em chỉ có bát nước mắm và nồi canh loãng với tí lá rau cải mà chúng tôi thấy cay cay sống mũi, gần như cả năm chẳng mấy khi các em biết đến mùi thịt cá. Đang ngồi tâm sự dở câu chuyện, quay sang nhìn thì nồi cơm đã hết sạch.
Vàng A Pó (
Vàng A Pó (áo trắng) đang nấu bữa cơm trưa.
 
Hàng ngày, học sinh nơi đây thiếu cái ăn, cái mặc, chỗ ở thì nhếch nhác đã đành, còn thiếu cả nước sinh hoạt. Mỗi khi cần nước sinh hoạt, các em phải đi bộ hàng trăm mét xuống các khe nước dưới chân núi múc từng can về làm nước sinh hoạt. “Mỗi lần đi múc nước mệt lắm, mùa nắng thì có thể xuống suối tắm được chứ mùa đông nước suối lạnh lắm không tắm được. Đường xa nên chỉ lấy được ít nước thôi, không xách nổi”, em Thào Thị Soa tâm sự.

Ngồi trong lều có thể nhìn xuyên ra ngoài.
Ngồi trong lều có thể nhìn xuyên ra ngoài.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Trên địa bàn xã có bốn dân tộc: Mông, Mường, Thái, Kinh sinh sống, trong đó người Mông chiếm đại đa số. Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã còn chiếm hơn 70%, cao nhất tỉnh. Ở đây bà con thiếu đất canh tác lúa nước, cả xã chỉ có 6 ha ruộng nước. Chủ yếu bà con trồng lúa nương, trồng ngô, trồng sắn mỗi năm cũng chỉ được một vụ mà lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thường hay mất mùa nên thiếu lương thực triền miên”.

Toàn xã Mường Lý hiện có hơn 300 em học sinh cấp tiểu học, THCS phải dựng lều lán quanh khu vực trường để trọ học. Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên phần lớn số học sinh của xã chỉ học hết THCS, một số ít học hết bậc THPT là bỏ học đi làm ăn xa, hay ở nhà lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Mới đây, Nhà nước đã đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng Khu bán trú dân nuôi dành cho học sinh Trường THCS Mường Lý, công trình được đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2010 - 2011 là niềm vui đối với nhiều em học sinh nơi đây.

Rời Mường Lý, phía sau, hình ảnh những túp lều tranh nhếch nhác cứ xa dần rồi khuất lấp sau những dãy núi cao. Trời về chiều, cái lạnh nơi miền sơn cước như cắt da cắt thịt, suốt quãng đường dài, trong tâm trí chúng tôi cứ hiện lên hình ảnh về “đại bản doanh” của những học sinh nơi xã vùng biên Mường Lý.

Duy Tuyên - Ngọc Anh