GD phổ thông: Điều chủ chốt để mang lại thịnh vượng
(Dân trí) - Cứ 12 em nhỏ ở Đông Á và Thái Bình Dương thì có 1 em không hoàn thành bậc tiểu học và thiếu kỹ năng cho công việc. Trong khi đó, các em cần những kỹ năng được giảng dạy trong trường tiểu học và cấp 2 để có thể kiếm việc làm phù hợp.
Nhưng không giống các bạn mình, Hong không đi học nữa. Em đã thôi học lớp 1 sau khi mẹ em nói em phải nghỉ học vì gia đình không có đủ tiền. Hong nói rằng em rất lấy làm tiếc và mong muốn học tập, nhưng nếu cha mẹ bảo phải nghỉ học, thì em sẽ nghỉ. Em còn quá nhỏ và sống phụ thuộc vào cha mẹ, em lý giải.
Svay Savong là một thanh niên Campuchia, dạy ngôn ngữ miễn phí cho trẻ em nông thôn ở trường Savong gần Siem Reap.
Theo Phnom Penh Post, Hong không phải là một trường hợp duy nhất ở trong khu vực về một em bé không được đi học bậc tiểu học. Theo Báo cáo Giám sát Toàn cầu năm 2012 về chương trình Giáo dục cho tất cả mọi người (EFA) được công bố tháng trước, cứ 12 em nhỏ ở Đông Á và Thái Bình Dương thì có 1 em không hoàn thành bậc tiểu học và thiếu kỹ năng cho công việc.
"Bởi vì gia đình các em rất nghèo, bố mẹ các em không thể hỗ trợ con em mình đến trường," anh nói. Một số bậc cha mẹ cũng không được học hành đến nơi đến chốn nên cũng không biết tầm quan trọng của giáo dục với con em họ. Savong nói rằng trẻ em được gửi đến các thành phố để làm việc ở tuổi 13 hoặc 15, hoặc cha mẹ các em yêu cầu các em làm việc trên cánh đồng lúa.
"Việc trẻ em không đi học là một vấn đề lớn đối với các em trong tương lai", Savong cho biết.
Hiện trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dường có hơn 28 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 24 đã không hoàn thành bậc tiểu học. Báo cáo cho thấy rằng các em nhỏ cần những kỹ năng được giảng dạy trong trường tiểu học và cấp 2 để có thể kiếm việc làm phù hợp, nhưng do thiếu học hành mà các em cần con đường khác để có được các kỹ năng cần thiết cho công việc và và sự thịnh vượng trong tương lai.
Ông Pauline Rose, giám đốc Báo cáo Giám sát Toàn cầu về chương trình EFA cho biết: “Trong khi khu vực này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giúp đỡ trẻ em độ tuổi tiểu học được đi học, cũng không được quên rằng có những người trẻ tuổi đã bỏ lỡ cơ hội đó khi đang lớn lên. Điều quan trọng nhất là những người trẻ này phải được trao một cơ hội khác để học những kỹ năng cơ bản như đọc sách cũng như và các kỹ năng trong ngành nghề liên quan. Chỉ khi đó, họ có thể phát huy được tiềm năng và đạt được nguyện vọng của mình".
Theo báo cáo Xu hướng Lao động và Xã hội Campuchia năm 2010 được xuất bản bởi Viện Thống kê Quốc gia với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 29,8% người Campuchia độ tuổi từ 15 đến 24 đã không hoàn thành bậc tiểu học trong năm 2008. Nhưng tình hình này đã có sự cải thiện nếu so với tỷ lệ 53,7% người trẻ không hoàn thành bậc tiểu học năm 1998.
Nhưng ngay cả đối với thanh niên Campuchia có trình độ học vấn cao, họ cũng rất khó khăn để tìm được việc làm.
San Rachana, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, nói rằng cô và các bạn của cô gặp nhiều khó khăn khi tìm việc.
"Hầu hết trong số họ vẫn đang tìm kiếm công ăn việc làm như tôi", cô nói và cho biết hiện nay cô đang làm công việc là giáo viên tiếng Anh.
Anh Sa Lim, 35 tuổi, đã bỏ học năm lớp 7 và đến Phnom Penh để trở thành một người lái xe tuk tuk. Anh nói rằng anh không thể tìm một công việc tốt hơn cũng như không có tiền để đi học. Sa Lim kiếm được khoảng 10 đến 15 USD mỗi ngày. Anh tâm sự rằng anh mong muốn hỗ trợ con gái của mình. Cô bé đang học lớp 3 và anh không muốn con gái bỏ học, như anh đã từng phải bỏ học. |
Theo Sophorn Tun, điều phối viên quốc gia của ILO tại Campuchia, có một khoảng cách đáng kể giữa yêu cầu của thị trường lao động và các kỹ năng sẵn có.
Báo cáo EFA nói những người trẻ tuổi ít học ở các nước có thu nhập thấp không thể chờ đợi để tìm đúng loại việc phù hợp với mình, và đối tượng này có nguy cơ lớn nhất trong việc phải làm những công việc được trả lương thấp.
Ở Campuchia, 91% những người trẻ thất học hiện làm việc dưới mức nghèo khổ, tỷ lệ này ở những thanh niên được học trung học là dưới 67%.
"Với ước tính 300.000 người trẻ bước vào thị trường lao động mỗi năm, Campuchia cần những kỹ năng kỹ thuật để chuẩn bị cho lực lượng lao động đón các cơ hội việc làm đi cùng với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục và chương trình giảng dạy hiện nay thường không phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như các nhu cầu và tiêu chuẩn của khu vực tư nhân".
Điều phối viên Sophorn Tun nói rằng lực lượng lao động trẻ cần phải có kỹ thuật tốt đồng thời phải có kỹ năng mềm vì hiện nay nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi 2 yếu tố này. "Tuy nhiên, nhu cầu này phần lớn chưa được đáp ứng", ông nói. "Người tìm việc trẻ tuổi thường nhận bất cứ điều gì mà công việc đầu tiên trao cho họ mà không quan tâm xem công việc đó có phù hợp với chuyên môn của mình hay không".
Xuân Vũ
Theo Phnompenh Post