Quảng Nam:
Gặp thầy giáo Cơtu suýt bị dân làng “chôn sống”
(Dân trí) - Đã hơn 15 năm nhưng câu chuyện về một người từng bị dân làng đem đi “chôn sống” vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của người thầy giáo người Cơtu ở vùng cao Quảng Nam. May mắn thoát nạn, từ “cõi chết” trở về, thầy lại tiếp tục gắn bó với nghề giáo, rồi cùng chính quyền địa phương giúp đồng bào vượt qua hủ tục.
Đó là thầy Bríu Bằng, hiện là giáo viên trường Tiểu học xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Giữa tháng 10 này, chúng tôi đến trường Tiểu học A Tiêng, huyện vùng cao Tây Giang khi học trò trong giờ ra chơi, may mắn có được ít phút ngắn ngủi trò chuyện về chuyện năm xưa.
Là con thứ hai trong gia đình 8 chị em, lúc nhỏ thầy giáo Bằng cũng đói cơm, lạc muối và “mù” cái chữ. Năm 1984, học xong lớp 3 tại trường thôn, Bằng được chọn học tại trường Dân tộc nội trú huyện.
Hết lớp 9, Bằng rời trường về giảng dạy tại địa phương, theo chủ trương chung của ngành giáo dục huyện lúc bấy giờ. Năm 1994, Bằng đăng ký học hết chương trình phổ thông tại trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Hiên cũ, nay là huyện Đông Giang và Tây Giang) và tiếp tục trở về quê hương làm nghề “gõ đầu trẻ”.
Sau hơn một năm dạy học, thầy Bằng mắc một cơn đau đầu khủng khiếp khiến người co giật liên tục, miệng sủi bọt, tay chân cứng đơ... Dân làng không ai biết thầy mắc căn bệnh gì, họ chỉ làm lễ cúng giàng rồi ngồi… đợi.
Nhưng bệnh tình của thầy vẫn không thuyên giảm, dân làng nghĩ thầy bị “ma rừng” nhập nên đưa thầy lên rừng, đào sẵn huyệt mộ, sắp cây lên trên và đặt thầy lên đó. Đến khi nào thầy tắt thở thì rút cây và chôn thầy.
Thương đồng nghiệp, thầy cô ở trường đã đứng ra “bảo lãnh”, rồi thay nhau cõng và dùng võng đưa thầy Bằng lên Trạm y tế xã và đưa về Trung tâm y tế huyện để cứu chữa. Sức khỏe thầy có cải thiện dần, 3 ngày sau thầy tỉnh lại. Sau đó, thầy về tỉnh tiếp tục điều trị bệnh động kinh và nhận thuốc uống, đến nay đã dứt hẳn.
Ngày về của thầy cũng thật đáng nhớ. Thầy Bằng kể lại: “Sau khi từ bệnh viện về tìm nhà, tìm bố mẹ thì dân làng bỏ chạy vì tưởng mình là… ma”. Thầy Bằng cũng chia sẻ, những người đã từng xua đuổi, đem mình lên rừng để chôn sống cũng là bà con, họ hàng trong làng với nhau. Sau này thầy uống thuốc thường xuyên, mạnh khỏe trở lại thì dân làng đã tin không phải bị “ma nhập” mà là bị bệnh thật sự.
Rồi cũng qua thời gian khốn khó. Thầy Bằng trở lại với nghề giáo, trở thành gương mặt tiêu biểu của địa phương trong công tác tuyên truyền giúp đồng bào bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới. Bây giờ, mỗi lần nhắc lại về những đồng nghiệp của mình ngày ấy, thầy Bằng không giấu được cảm động: “Họ là ân nhân đã cứu mạng mình thoát khỏi hủ tục của dân làng. Có chết, mình vẫn không thể nào quên”.
Thầy Bằng đang dạy học sinh
Thầy Bằng kể, không phải bây giờ mà ngay từ khi mới từ “cõi chết” trở về, thầy đã xác định vừa dạy học vừa làm công tác tuyên truyền giúp dân bản xóa bỏ hủ tục. Ngày ấy, chuyện dạy học khó khăn đủ bề. Buổi sáng dạy học sinh, buổi chiều thầy lại tranh thủ dạy kèm phụ huynh; rồi lồng ghép công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật đến với từng người.
Nhìn dân làng biết chú tâm làm ăn, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới, thầy Bằng lại ứa nước mắt vì vui mừng. 25 năm dạy học ở vùng cao, cũng là chừng ấy năm thầy Bằng vượt chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng công tác tuyên truyền cho người dân bản địa.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy Bằng vẫn quyết tâm đi học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Liên tục từ năm 2005 - 2008, thầy Bằng đã hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên Cao đẳng Sư phạm.
Bao nhiều năm công hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, thầy Bằng luôn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp từ huyện, tỉnh cho đến trung ương. Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục được Bộ GD-ĐT trao tặng vào năm 2011, luôn được thầy Bằng trân trọng như một kỷ vật của riêng mình.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang nhận xét: “Thầy Bằng là một trong những thầy giáo Cơtu có những thành tích tốt nhất trong việc dạy học; có bề dày dạy học, siêng năng chăm chỉ, ham học hỏi và rất yêu nghề. Nhiều năm liền thầy được bầu làm là Bí thư Chi bộ của trường Tiểu học xã A Tiêng; là người thầy giáo xuất sắc, đảng viên gương mẫu. Dù hay ốm đau nhưng thầy Bằng vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong công tác dạy học; được nhiều thế hệ học trò tin yêu, đồng bào Cơtu yêu mến”.
Công Bính