Gánh ve chai nuôi con học thành tài

Gia đình bà giờ đây khiến ai cũng nể phục: Người con thứ năm là Hiệu trưởng một trường THCS, người con thứ bảy là kỹ sư xây dựng, người con thứ mười học cao học ở Trung Quốc...

Hàng chục năm nay, nhiều người dân Cần Thơ quá quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ quẩy đôi cần xé rong ruổi khắp các nẻo đường gom góp đồ phế liệu. Từ gánh ve chai đó, bà đã chăm lo cho gia đình 12 miệng ăn, nuôi 10 đứa con ăn học thành tài, trong đó 6 người đã qua đại học.

“Bà Ba ve chai”

Người phụ nữ đó là bà Ba, tên thật là Lê Thị Chăm, 67 tuổi, ngụ số nhà 208/16 Cách Mạng Tháng Tám, phường An Thới, quận Bình Thủy - TP Cần Thơ. Vóc người thấp bé, nước da ngăm đen, gắn bó với gánh ve chai hơn 35 năm qua nên bà mang danh “bà Ba ve chai”. Với bà Ba, nghề ve chai đã trở thành máu thịt, hôm nào không quẩy gánh rong ruổi trên đường thì bứt rứt không yên.

Bà Ba Chăm quê ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long), sinh ra trong một gia đình nghèo khó, quanh quẩn với ruộng vườn. Năm 21 tuổi, bà lấy chồng quê Đồng Tháp. Gia đình bên chồng cũng không khá giả gì nên chẳng bao lâu vợ chồng bà quyết định về Cần Thơ lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Vợ chồng và 2 con, đứa lớn mới 4 tuổi, xin ở trọ trong một căn nhà xập xệ gần chợ Xuân Khánh.

Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Sau đó, gia đình họ dời về bến phà Cần Thơ sinh sống. Bà lại sinh thêm 8 người con nữa, trong khi chồng lại nay ốm mai đau... Miếng cơm manh áo cho 12 miệng ăn trong gia đình đều dồn hết lên đôi vai gầy của bà. Bà Ba làm đủ nghề, bán chè, sương sa, trà đá... mà gia đình vẫn bữa no bữa đói. Cuối cùng bà chuyển sang nghề ve chai.

Bà nhớ lại: “Có lúc, gia đình tôi không có tiền mua gạo. Nước mắm và rau luộc thường trực trên mâm cơm của gia đình”. Dầm mưa dãi nắng, tảo tần sớm hôm lo kiếm tiền mua gạo, vừa phải giữ con và thu xếp nhà cửa cho ngăn nắp..., trong một ngày, bà Ba phải lo toan rất nhiều việc.

Ngày ngày, lo cơm nước cho các con xong, bà Ba bắt đầu khởi hành với đôi cần xé trên vai. Bà đi từ con hẻm này đến con hẻm khác, từ phường này qua phường kia. Hôm nào mua được nhiều hàng thì về sớm, còn ngược lại đến chiều tối mới về. Những ngày đắt hàng, bà phải gánh vài chục ký phế liệu. Có những hôm trời mưa rất to, gió lạnh, ướt sũng cả người nhưng bà vẫn gánh đôi cần xé chất đầy phế liệu vội kịp giao cho vựa.

Đổi ve chai lấy chữ

Những ngày dầm mưa dãi nắng kiếm từng đồng từ gánh ve chai nặng trĩu, bà Ba luôn nhủ lòng, dù khổ đến đâu cũng ráng chịu để lo cho các con được học nên người.

Bà Ba bộc bạch: “Tui thì một chữ bẻ đôi không biết, cũng không có vốn liếng nên mới khổ cực như vầy. Nhưng tui không nỡ nhìn các con thất học nên ráng chịu cực, chịu khổ để đứa nào cũng được đến trường, biết chữ. Ước mơ lớn nhứt của tui là con cái đứa nào cũng phải lấy được bằng đại học”.

Bà luôn khuyên các con cố gắng ăn học, dạy con “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Và công sức của bà đã được đền đáp, những người con đều ngoan hiền, không nản chí trước khó khăn.

Có lúc vài người con của bà định bỏ học để đi làm mướn đỡ đần cho mẹ, nhưng bà giãy nảy: “Chỉ có đi học mới đổi đời được”, và cương quyết buộc các con phải tiếp tục cắp sách đến trường.

Bây giờ bà Ba Chăm sống trong căn nhà khá khang trang cùng với 2 cháu nội. Tuy con cháu không muốn bà phải khổ cực với gánh ve chai, nhưng bà vẫn không có ý bỏ nghề. Bà tâm sự: “Hôm nào không gánh ve chai là tui buồn lắm, có khi muốn bệnh nữa. Hằng ngày đi tới đi lui như tập thể dục cũng tốt cho tuổi già chứ có sao đâu?”.

Theo Tuổi trẻ/Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm