Gần 70 cơ sở GD ĐH có chương trình hợp tác và LKĐT với nước ngoài
Theo Cục đào tạo với nước ngoài – Bộ GD&ĐT, hiện nay có gần 400 chương trình hợp tác và LKĐT của gần 70 cơ sở giáo dục Việt Nam với trên 100 cơ sở giáo dục đại học thuộc 29 quốc gia trên thế giới.
LKĐT với nước ngoài bắt đầu hình thành ở Việt Nam từ những năm đầu của thời kỳ mở cửa nền kinh tế sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII. Trong thời gian này, các chương trình hợp tác về giáo dục đại học chủ yếu là các chương trình hợp tác cấp chính phủ theo các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam.
Sau đó, trong những năm 90 của thập kỷ trước, những trường đại học có thế mạnh về hợp tác quốc tế đã bắt đầu triển khai một vài chương trình hợp tác với nước ngoài và dần dần phát triển mạnh trong những năm gần đây do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hội nhập về giáo dục đại học.
Sự phát triển của các chương trình LKĐT với nước ngoài đã mang lại những lợi ích cho quốc gia, các cơ sở giáo dục và cho mỗi cá nhân người học.
Ở cấp độ quốc gia, các chương trình LKĐT với nước ngoài đã góp phần huy động được nguồn lực của nhân dân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, đáp ứng giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của số đông học sinh, sinh viên, giảm thiểu lượng ngoại tệ ra nước ngoài và tiết kiệm được ngân sách nhà nước cho giáo dục.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, thông qua các chương trình LKĐT với nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu về quản lý giáo dục, đổi mới và cải tiến hệ thống, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo của các nước tiên tiến và nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý của đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý tiếp cận chuẩn quốc tế.
Cũng thông qua các chương trình LKĐT với nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cùng các trường đối tác nước ngoài đi đến thoả thuận về tính liên thông chương trình đào tạo. Đây là một ưu điểm của LKĐT với nước ngoài, giúp nền giáo dục đại học Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, Cục đào tạo với nước ngoài cũng cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, LKĐT với nước ngoài còn tồn tại một số hạn chế. Đó là xu hướng chạy theo lợi nhuận, theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường và xu hướng sính bằng cấp dẫn đến những vi phạm đã bị xử lý trong thời gian qua.
Có thể kể đến những vi phạm như thực hiện LKĐT chui, không xin phép các cơ quan chức năng; LKĐT không phép với những cơ sở giáo dục nước ngoài kém chất lượng, không được kiểm định (Trường Đại học Irvine, Trường Đại học York ..) hoặc các trường ma (vụ việc Trường Đại học Quốc tế Châu Á năm 2001); liên kết đào tạo có phép nhưng thực hiện không đúng với giấy phép được cấp (đào tạo không đúng trình độ được phép, hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào …); không có chức năng đào tạo nhưng đã LKĐT với nước ngoài, vi phạm quy định của nhà nước.
Cùng với đó là việc mất cân đối về ngành nghề đào tạo. Phần lớn các chương trình LKĐT xã hội hóa đều tập trung vào các nhóm ngành Quản lý và Kinh tế, những ngành không cần đầu tư nhiều. Số lượng các chương trình LKĐT thuộc nhóm ngành khoa học kỹ thuật có ít, chủ yếu là những chương trình do nhà nước đầu tư kinh phí.
Theo Cục đào tạo với nước ngoài, việc xử lý các vi phạm đối với những đơn vị không do Bộ GD&ĐT quản lý như các viện nghiên cứu tư nhân, các công ty giáo dục cũng gặp khó khăn.
Theo GDTĐ