Gia Lai:
Đuối nước gia tăng, đưa môn dạy bơi vào trường
(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã liên tiếp xảy ra 5 vụ đuối nước tập thể, khiến 11 học sinh tử vong. Nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước và tăng cường kĩ năng bơi lội, các trường đang tiến hành đưa môn bơi vào dạy như một chương trình chính khóa.
Báo động đuối nước ở học sinh
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 đến tháng 6, tỉ lệ đuối nước ở học sinh lại gia tăng. Theo đó, mới đây giữa trưa hè ngày 14/4/2019, khi 2 anh em ruột là Nguyễn Anh Khôi (8 tuổi, HS lớp 3A3) và Nguyễn Đăng Khôi (6 tuổi, HS lớp 1A1, cùng học Trường Tiểu học số 1, T.T Phú Túc và em Hoàng Công Huân (7 tuổi, HS lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, T.T Phú Túc) đã rủ nhau đến ao cá của gia đình em Huân (thị trấn Phú Túc) để tắm. Tuy nhiên, do không biết bơi nên cả ba em đều bị đuối nước.
Tương tự, sáng ngày 11/3 tại làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có 3 em học sinh cùng bị tử vong do đuối nước. Ngồi bên thi thể hai người con ruột, chị Siu Ral (mẹ hai cháu) vật vã, đau đớn kể lại: “Chúng tôi đi làm rẫy từ sáng. Cứ nghĩ sau giờ học, các cháu đi thẳng về nhà ăn cơm chứ có ngờ đâu chúng nó rủ nhau đi tắm ao để ra cơ sự này”.
Theo người dân cung cấp, trưa 11/3, sau khi đi học về, thấy trời nắng nóng, một nhóm học sinh cùng trú tại làng Greo Pết rủ nhau đến ao của ông Rơ Mah Pích cách làng khoảng 200 m để tắm. Sau đó, người dân làng Greo Pết thấy cháu Siu Lan (SN 2014) chạy về kể có người đuối nước. Mọi người vội vàng chạy ra ao nước để cứu các cháu nhưng bất thành. Ba thi thể được vớt lên từ ao nước gồm: Siu Nội (SN 2012, học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngô Quyền), Siu Quyt và Siu Quy (anh em sinh đôi, SN 2014, học sinh Trường Mẫu giáo Bằng Lăng).
Những vụ đuối nước trên lại gióng thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước tập thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những tháng gần đây. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ làm 18 người tử vong, trong đó tỉ lệ học sinh bị đuối nước là nhiều nhất. Chỉ tính từ ngày 6/3/2019 đến ngày 25/3/2019, theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, trên địa bàn đã xảy ra tổng cộng 8 vụ đuối nước làm chết 13 người. Đáng chú ý, trong số này, có 4 vụ khiến 8 cháu nhỏ dưới 11 tuổi bị tử vong.
Đưa môn bơi vào trường học
Đa phần các vụ đuối nước xảy ra khi trẻ em rủ nhau đi tắm ao hồ, sông suối gần khu vực mình sinh sống mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn. Trong lúc tắm, có trường hợp bị đuối nước thì các cháu khác lao vào cứu nhưng do không biết cứu nạn nên cùng kéo nhau đuối nước.
Nhằm tăng cường kĩ năng bơi lội và kiến thức sơ cứu khi gặp người bị đuối nước, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai và UBND các xã, trị trấn để đưa môn bơi vào trường học, nhất là những điểm trường vùng sâu, vùng sa. Phục vụ lộ trình đưa môn bơi vào trường học để giảng dạy, tỉnh Gia Lai đã sử dụng ngân sách để tiến hành xây dựng bể bơi tại các huyện, thị xã và thành phố. Theo thống kê của Sở Văn hóa -– Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 35 bể bơi thông minh.
Tỉnh Gia Lai đang tiến hành xây dựng các bể bơi thông minh phục vụ dạy học cho học sinh vùng cao.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Pleiku cho biết: “Trên địa bàn thành phố có 3 bể bơi thuộc 3 trường: Tiểu học Lê Qúy Đôn, Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm THCS Trần Phú. Khi có 3 bể bơi này hoạt động, đã có 8 trường tiểu học và THCS trên địa bàn đăng kí để đưa học sinh mình đến học. Theo đó, mỗi khóa học sẽ dạy cho 20 cháu/15 buổi nhằm dạy cho các cháu biết bơi và các kiến thức ứng cứu khi gặp người đuối nước. Đồng thời, lồng ghép vào đó là tuyên truyền cho các em tránh xa các ao, hồ, sông, suối…
“Hiện nay các trường trên địa bàn đang đưa môn bơi lội thuộc môn tự chọn và thay nhau học từ thứ 2 - 7 hàng tuần. Nguồn giáo viên dạy thường được lấy từ giáo viên thể dục và đoàn đội, được đi tập huấn để đứng lớp hướng dẫn cho các em. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như lượng bể bơi còn ít nên không đáp ứng đủ cho các em học. Nguồn giáo viên chưa đủ về trình độ, kĩ năng. Hy vọng, việc thực hiện học 2 buổi/ngày sẽ giúp phong trào học bơi sẽ được triển khai rộng trong các trường trên địa bàn.”, thầy Thức cho biết thêm.
Phạm Hoàng