Dùng thang điểm chung tuyển sinh ĐH: 110 điểm ĐGNL bằng 22 điểm tốt nghiệp?
(Dân trí) - Quy định thang điểm chung cho tất cả các phương thức xét tuyển đại học năm 2025 theo dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo gây chú ý của phụ huynh và học sinh.
Top 0,8% đánh giá năng lực chỉ bằng top 52,9% thi tốt nghiệp?
Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có 3 điểm mới đáng chú ý liên quan tới xét tuyển sớm.
Một là chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20%. Hai là các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Ba là điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm sau khi quy đổi không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Quy định về việc dùng thang điểm chung trong tuyển sinh đại học là vấn đề được tranh luận nhiều nhất hiện nay. Làm thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh nếu các phương thức xét tuyển phải dùng chung 1 thang điểm trong khi hệ quy chiếu gốc khác nhau là điều mà các cơ sở giáo dục "đau đầu".
Theo đó, nếu thang điểm chung được dùng là thang 30 theo tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp THPT, dễ dàng nhận thấy điểm quy đổi của các phương thức xét tuyển khác nhau không đánh giá đúng bản chất năng lực của thí sinh trong kỳ thi đó.
Ví dụ, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội có số điểm tối đa là 100. Năm 2024, chỉ có 20/20.000 thí sinh tham gia kỳ thi này đạt điểm trên 90, tỷ lệ là 0,1%.
Nếu quy đổi sang thang điểm chung 30, 90 điểm đánh giá tư duy chỉ tương đương 27 điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức tính như sau: Điểm quy đổi = Điểm đánh giá tư duy x 30/100.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, số thí sinh đạt 27 điểm khối A00 là 13.346 trong tổng số 343.813 thí sinh dự thi, chiếm 3,8%.
Tương tự, bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội có số điểm tối đa là 150. Năm 2024, kỳ thi này có 100.633 lượt thí sinh tham dự. Tỷ lệ thí sinh đạt trên 110/150 là 0,8%. Nếu quy sang thang 30, áp dụng công thức Điểm quy đổi = Điểm đánh giá năng lực x 30/150, 110 điểm đánh giá năng lực tương đương 22 điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm ngoái, có tới 52,9% số thí sinh dự thi khối A00 đạt mức điểm 22.
Mức 90/100 điểm đánh giá tư duy hay 110/150 điểm đánh giá năng lực là mức điểm rất cao của hai kỳ thi này.
Thí sinh đạt một trong hai mức điểm này có cơ hội chắc chắn trúng tuyển vào tất cả các ngành/chương trình đào tạo có điểm chuẩn cao nhất của các trường đại học top đầu - nơi sử dụng hai chứng chỉ này để xét tuyển sớm.
Còn với 27 điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể trượt Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở khoảng 50% các ngành, chương trình đào tạo.
Cũng phải nói thêm, tỷ lệ thí sinh đạt trên 70/100 điểm đánh giá tư duy năm 2024 chỉ có 9%, trong khi mức điểm này chỉ tương đương 21 điểm thi tốt nghiệp THPT, xấp xỉ với điểm trung bình trong phổ điểm khối A00.
Các phương thức xét tuyển sớm | Điểm quy đổi sang mức 27 điểm thi tốt nghiệp THPT | Tỷ lệ thí sinh đạt |
SAT | 1440/1600 | 7% |
Đánh giá tư duy | 90/100 | 0,1% |
Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội | 135/150 | 0% |
Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM | 1080/1200 | 0,1% |
Nếu quy định dùng thang điểm chung được thông qua, đồng thời kèm theo quy định điểm chuẩn xét tuyển sớm khi quy đổi không được thấp hơn điểm chuẩn đợt xét tuyển chung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra một công thức xét tuyển phù hợp.
Mặt khác, việc quy đổi sang thang điểm chung sẽ khó khăn với các phương thức xét tuyển kết hợp, dùng nhiều chứng chỉ và các điều kiện
Hai năm qua, một số trường đại học đã thực hiện dùng chung 1 thang điểm cho tất cả các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trường quy đổi tất cả các chứng chỉ xét tuyển sớm như SAT, ACT, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... sang thang điểm 30.
Ban đầu, đề án tuyển sinh đại học 2024 của trường Kinh tế Quốc dân chủ trương xét chung các phương thức bằng mức điểm quy đổi và xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Tuy nhiên, thí sinh cho rằng cách làm này sẽ tạo ra sự chênh lệch và bất bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển.
Cụ thể, với cách quy đổi trên thang 30, thí sinh có điểm SAT 1.200 được tính 22 điểm quy đổi, trong khi thí sinh có 85 điểm đánh giá năng lực chỉ được tính 17 điểm quy đổi.
Nếu thí sinh thi đánh giá năng lực muốn có mức điểm quy đổi ngang với SAT 1.200, số điểm thí sinh đó cần đạt là 112,5, tức thuộc nhóm 1,09% toàn quốc.
Sau khi nhận phản ánh từ thí sinh, trường Kinh tế Quốc dân đã sửa đổi đề án tuyển sinh theo hướng chia chỉ tiêu nhỏ cho từng nhóm xét tuyển.
Nhóm xét tuyển SAT/ACT có 5% chỉ tiêu. Nhóm xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có 45% chỉ tiêu. Nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có 30% chỉ tiêu.
Phương án này nhận được sự đồng tình khi đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức.
Phải định nghĩa tường minh khái niệm "xét tuyển sớm"
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc chuyển đổi sang thang điểm xét tuyển 3 môn thi tốt nghiệp là gượng ép và thiếu cơ sở.
"Điểm chuẩn xét tuyển của các phương thức phụ thuộc vào độ khó đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức. Việc chuyển đổi này chỉ được thực hiện một cách công bằng khi có sự tương đồng, hoặc tương đương của ma trận đề thi.
Ví dụ bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một bài thi khó. Từ trước đến nay, chưa có em nào đạt điểm tuyệt đối và số em đạt trên 130/150 điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hơn nữa, những năm qua bài thi THPT chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là tốt nghiệp THPT, các phương thức khác phục vụ tuyển sinh vào đại học. Độ phân hóa ở mức khác hẳn và không thể quy đổi một cách máy móc", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.
Giáo sư cũng đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ đã công bố mẫu và ma trận có độ phân hóa khá tốt. Nhưng để sử dụng được "2 trong 1" để kết hợp xét tuyển đại học một cách tốt nhất để đỡ vất vả cho các trường và cho cả thí sinh khỏi phải tham gia thêm các kỳ thi đánh giá năng lực thì cần phải bàn kỹ thêm.
Từ đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức, có thể tương đương hoặc tỉ lệ với nhau bằng một hệ số k nhất định theo độ khó, độ phân hóa trình độ thí sinh.
Theo GS Đức, những phương án như Dự thảo Quy chế đang quy định chỉ áp dụng với xét tuyển bằng kết quả học bạ bậc THPT. Càng không nên xét học bạ cả quá trình 12 năm học từ tiểu học đến tận khi tốt nghiệp THPT để lấy làm căn cứ tuyển sinh vào đại học.
Đáng chú ý, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, khái niệm "xét tuyển sớm" cần phải định nghĩa tường minh trong Quy chế để phân biệt giữa kết quả xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tuyển bằng các kì thi độc lập vì tỉ lệ trúng tuyển, chỉ tiêu và cách thức là khác nhau.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức ủng hộ việc hạn chế thời gian và chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ. Vì nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả THPT.
"Tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ là thực tế. Vì vậy việc kiểm soát để nâng cao chất lượng đầu vào, thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT là cần thiết", GS Đức nêu.
Về quy định bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm sau khi quy đổi tương đương không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng điều này chỉ phù hợp với phương thức xét tuyển theo học bạ. Đánh đồng với các phương thức khác là không có cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế.
Đồng thời, GS Đức đề xuất Bộ GD&ĐT nên hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển tất cả các đợt cho mọi phương thức, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đợt tuyển sinh.