Bạn đọc viết:
Đừng nhìn nghề giáo và giáo viên với con mắt quá khắt khe!
(Dân trí) - Đọc bài viết “Nhà giáo đang chịu nhiều áp lực” trên báo Dân trí, tôi và nhiều người “được lời như cởi tấm lòng”. Những dòng tâm sự, chia sẻ của thầy giáo trong bài viết có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều người thầy trên bục giảng hiện nay.
Thời cuộc thay đổi, nghề giáo cũng đang dần đổi thay. Nhưng dù cho xã hội có biến chuyển thế nào đi chăng nữa thì người thầy - người gieo chữ, uốn tâm hồn cho lớp lớp học sinh vẫn cần được tôn trọng. Bởi bất kỳ con người nào muốn đỗ đạt và thành công, bất kỳ ai dù đứng ở vị trí nào trong xã hội cũng đều nhận được sự dạy dỗ của nhiều người thầy mới trưởng thành một cách khỏe mạnh về tinh thần, nhân cách.
Tiếc rằng trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị của đồng tiền đang bào mòn nhiều thứ thì vị thế của người thầy đang bị cân đo đong đếm về nhiều mặt. Chúng ta không quy chụp cho tất cả mọi phụ huynh nhưng có một số ông bố bà mẹ đưa con đến trường với tâm thế của “người mua chữ” và thầy cô chỉ là “kẻ bán chữ” không hơn không kém.
Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra trong học đường, khi mà nhiều người thầy dường như bất lực trước hành xử của phụ huynh. Họ có thể đánh, mắng thậm chí là bắt người thầy phải quỳ gối cho một sai lầm nào đó trong phương pháp giáo dục trò.
Từ bất lực với phụ huynh, người thầy phải chăng cũng dần bất lực trước một bộ phận học sinh cá biệt. Không thể nặng lời quát mắng, không thể nghiêm nghị xử phạt bởi ánh mắt săm soi của phụ huynh vẫn đang nhìn vào một cách khe khắt. Chỉ cần bất kỳ một hành động nào quá tay, quá lời là mạng xã hội đã rần rần phán xử, kết tội.
Từ trong chính hoàn cảnh đó, người thầy dần co mình lại là lẽ tất nhiên. Học sinh hư không thể không uốn nắn, rèn giũa nhưng chính sự khắt khe của phụ huynh và dư luận xã hội khiến người thầy mất hết dũng khí giáo dục trẻ đến tận cùng. Sau bao lần nhắc nhở mà trò chưa chịu tiến bộ, vậy là thôi ư?
Bạn đã bao giờ nghe dư luận rỉ tai nhau “nhà trường không dạy được thì xã hội sẽ dạy cho ra trò” chưa? Giáo dục một con người phải là sự đồng lòng, hợp lực, tương tác của ba “chân kiềng” gia đình - nhà trường - xã hội. Bất kỳ một “chân kiềng” nào bị hỏng hóc, lung lay thì nguy cơ trẻ bị bỏ rơi trong quá trình hoàn thiện nhân cách sẽ thành hiện thực.
Nghề giáo đúng là đang bị thử thách bởi vô vàn áp lực, nhưng áp lực lớn nhất vẫn là cái nhìn khe khắt của dư luận. Khi một đứa trẻ nghỉ học không phép, giáo viên gọi điện và chỉ nhận được những câu tra lời nhát gừng của phụ huynh thì sao đồng lòng giáo dục trẻ? Khi một đứa trẻ vi phạm pháp luật, hành xử tiêu cực thì tiếng xấu lại đổ dồn “nhà trường dạy kiểu gì, thầy cô dạy dỗ ra sao mà trẻ hư?”…
Gánh nặng áp lực phải dạy trò giỏi, trò ngoan trong bối cảnh hôm nay cần lắm sự đồng thuận của phụ huynh. Khi người thầy được phụ huynh trao cho niềm tin về năng lực, tâm huyết thì lòng người mới an nhiên lên lớp, tận tâm giáo dục trò. Một trường học muốn đem lại hạnh phúc cho trò thì trước hết phải để người thầy cảm nhận được niềm hạnh phúc trong nhiệm vụ dạy chữ - dạy người.
Bởi vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với lời kêu gọi đầy tâm huyết của nhà giáo Lê Thạch Thi: “Hãy tin ở các thầy cô, hãy giảm áp lực, để các thầy cô được làm nhiệm vụ từ chính lương tâm của mình”.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!