Đừng mượn “tự nguyện” để tận thu
Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, sự chung tay của phụ huynh trong giáo dục là cần thiết nhưng các trường cần nghĩ đến hoàn cảnh của nhiều gia đình trước khi đẻ ra hàng chục khoản thu.
Lâu nay phụ huynh đã quen cam chịu với việc đóng tiền trường, tiền quỹ và thực tế nhiều trường đang “hợp thức hóa” các khoản thu cho phù hợp. Nhiều khoản thu nói là thu tự nguyện, thu thỏa thuận nhưng thực chất có những người không đồng tình vẫn phải đóng vì sợ con bị “đì”.
Ám ảnh bởi hàng chục khoản thu
Chị Hoàng Thị Yến, sống tại quận Cầu Giấy - Hà Nội, cho hay từ tháng 8 đến nay trường của con gái đang học lớp 1 chia làm nhiều khoản thu nhỏ khác nhau, trung bình mỗi lần đóng khoảng 1-2 triệu đồng và đến nay chị đã phải đóng đến 7 triệu đồng. “Tuần trước họp phụ huynh, chúng tôi chỉ phải đóng tiền quỹ lớp 1 triệu đồng và 500.000 đồng tiền thu hộ nhà trường. Hôm đó chúng tôi cũng ký biên bản thỏa thuận các khoản thu - chi giữa nhà trường và gia đình, gồm các khoản tiền học 2 buổi/ngày, tiền ăn bán trú, quản lý chăm sóc học sinh, hỗ trợ cơ sở vật chất bán trú, tiền tiếng Anh, sổ liên lạc điện tử, tiền nước uống...” - chị Yến kể.
Một lớp học tại một trường THCS ở TP HCM được trang bị phương tiện dạy học hiện đại Ảnh: TẤN THẠNH
Phụ huynh này cũng cho biết thêm là trước đó chị đã phải đóng nhiều khoản như sách vở, đồng phục… của trường. “Những thứ đơn giản ấy chúng tôi hoàn toàn có thể mua ở ngoài với giá rẻ hơn so với mua ở trường nhưng lại không được phép. Đây là những khoản bị “ép” chứ không phải là tự nguyện” - chị Yến ấm ức.
Trước đó, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Lộc Vượng (Nam Định) bức xúc lên tiếng trước 18 khoản thu đầu năm, trong đó có nhiều khoản thu bất hợp lý như lắp đặt máy chiếu, bảo dưỡng phòng máy, trồng cây xanh, thậm chí lớp đã thu quỹ hỗ trợ giáo dục, quỹ khuyến học lại thêm quỹ phụ huynh rồi quỹ lớp… “Trong buổi họp phụ huynh, giáo viên hỏi phụ huynh có ý kiến gì không và kết thúc buổi họp giáo viên tiến hành thu các khoản. Dù ấm ức nhưng các phụ huynh cũng đều tặc lưỡi chấp nhận” - phụ huynh này chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Nam Định), biên bản họp của ban thường trực hội phụ huynh trường này ghi rõ các khoản tiền phải nộp cho mỗi học sinh gồm (những khoản tiền do nhà trường và hội phụ huynh đứng lên thu) gồm hỗ trợ cơ sở vật chất: 200.000 đồng/năm; hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh, điện: 15.000 đồng/tháng; xã hội hóa giáo dục: lớp 1, 2, 3, 4: 200.000 đồng/năm, riêng khối lớp 5 là 150.000 đồng/năm; Bảo Việt: 100.000 đồng/ năm; sổ liên lạc điện tử: 60.000 đồng/năm; quỹ hội phụ huynh: 100.000 đồng/năm; ăn bán trú: 23.000-25.000 đồng/ngày; quỹ hội của trường: 200.000 đồng/ năm; quỹ lớp: 200.000 đồng/học kỳ; bổ sung bán trú: 100.000 đồng/học kỳ…
Lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho rằng các khoản tự nguyện này là do hội phụ huynh đứng lên vận động thu chứ không phải nhà trường thu. Đại diện hội phụ huynh nhà trường khi được hỏi thì nói rằng do đại diện phụ huynh của lớp phổ biến sai. Trong khi đó, lãnh đạo Trường THCS Lộc Vượng cũng phân bua rằng những khoản thu vừa qua đã được thường trực hội phụ huynh bàn bạc và thống nhất với đại diện phụ huynh các lớp. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của phụ huynh, trường đã tiến hành họp phụ huynh toàn trường và sau đó đã loại bỏ khỏi danh sách nhiều khoản thu vô lý.
Sao phải giấu giếm các khoản thu - chi?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng huy động được nguồn lực từ phụ huynh là đáng quý nhưng tất cả các khoản phải được công khai. Khi phụ huynh thấy bỏ đồng tiền xứng đáng, thấy mình được tôn trọng thì tiền trường, quỹ hội sẽ không còn là nỗi ám ảnh của phụ huynh khi vào mỗi năm học.
Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3 - TP HCM, cho rằng ngoài học phí, tất cả các khoản thu đều phải được minh bạch. Những khoản nào thu hộ, chi hộ cũng phải thông báo cho phụ huynh biết. Những phụ huynh khó khăn không ép họ tham gia và tuyệt đối không nêu tên họ.
Theo bà Hạnh, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, sự chung tay của phụ huynh trong giáo dục là cần thiết nhưng các trường cần nghĩ đến hoàn cảnh của nhiều gia đình. “Có lần một vài phụ huynh vào đề xuất với ban giám hiệu lắp máy lạnh ở lớp. Chúng tôi kiên quyết từ chối vì thấy không thật sự cần thiết. Biết bao nhiêu lớp trong một trường mà chỉ một vài lớp có máy lạnh là không được. Hiệu trưởng và giáo viên không thể chiều lòng một vài phụ huynh có điều kiện. Máy lạnh hay tivi không thể làm trường tốt, hiện đại hơn mà quan trọng là phương pháp giáo dục, làm thế nào để học sinh trưởng thành hơn” - bà Hạnh nói.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7- TP HCM cho biết trong nhiều năm, nhà trường yêu cầu hội phụ huynh trường và từng lớp hằng tháng phải công khai cho từng phụ huynh tất cả các khoản thu, chi, kể cả những khoản bồi dưỡng cho giáo viên, thăm hỏi người này ốm, gia đình kia có chuyện buồn. Từ đầu năm, ban đại diện ghi lại địa chỉ email từng phụ huynh và thường xuyên gửi thông báo các khoản thu chi. Những khoản chi cho giáo viên, cho nhà trường cũng không cần phải giấu. “Nhiều ban đại diện nghĩ giấu các khoản thu chi là sai lầm, bởi lẽ, phụ huynh đóng tiền là họ đã chấp nhận chi những khoản đó nhưng với điều kiện sự đóng góp của họ được sử dụng đúng mục đích và hợp lý’’ - vị hiệu trưởng này nói.
Không chọn bừa ban đại diện
Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh cho rằng chức năng của ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ là vận động các khoản đóng góp mà còn là tiếng nói trung gian, chuyển những nguyện vọng của phụ huynh, học sinh đến lớp, đến nhà trường. Không thể chọn thành phần ban đại diện là những người quanh quẩn bên giáo viên, thân quen nhà trường. Muốn thế, quy định chọn người và hoạt động của hội phụ huynh phải chi tiết, rõ ràng với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể.
Theo Yến Anh- Đặng Trinh (Người lao động)