Thu tiền trường đầu năm học: Vẫn thu gộp, thu quá các khoản tự nguyện

Để tránh lạm thu đầu năm học, các cấp quản lý giáo dục đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định vẫn diễn ra.

Thu tiền trường đầu năm học: Vẫn thu gộp, thu quá các khoản tự nguyện - 1

Cần phải giãn bớt các khoản thu đầu năm học để chia sẻ gánh nặng chi phí cho phụ huynh - Ảnh: THUẦN THƯ

 

Tự nguyện nhưng không khác gì bắt buộc

Quỹ phụ huynh là một trong những khoản thu gây bức xúc dư luận nhiều nhất trong dịp đầu năm học khi phải đi kèm mục xã hội hóa như tiền lắp điều hoà, mua máy chiếu... Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nôi cho biết, kết quả kiểm tra ban đầu của Sở GD-ĐT Hà Nội về công tác thu chi đầu năm học cho thấy, một trong những vi phạm mà các trường thường mắc phải là thu Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đúng quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Một số trường tự đặt ra mức thu quỹ chứ không theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Việc thu Quỹ phụ huynh đã được thành phố quy định rõ quy trình tổ chức và sử dụng bắt buộc phải qua 4 bước, trong đó có việc lập kế hoạch dự trù kinh phí nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động nguồn đóng góp… và niêm yết công khai ít nhất 1 tuần để tiếp thu ý kiến. Quy định là thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà trường đã làm tắt, bỏ qua một số bước quan trọng nên các khoản đóng góp tự nguyện lại không khác gì bắt buộc.

Một phụ huynh có con học trường mầm non thuộc quận Bắc Từ Liêm cho biết, trường này đã tổ chức họp phụ huynh lần thứ hai vì phụ huynh không thống nhất mức thu mà trường đưa ra. Theo đó, riêng tiền quỹ phụ huynh, mỗi người đã đóng 700.000 đồng gồm 2 khoản là quỹ phụ huynh nhà trường và quỹ phụ huynh của lớp. Sau cuộc họp, một số ý kiến cho rằng mức thu này là quá nhiều đối với trẻ mầm non. Điều này khiến nhà trường phải tổ chức họp lại để giải thích cụ thể hơn về các khoản thu.

Được biết, trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm đưa ra quy định mức thu quỹ phụ huynh khá khiêm tốn: không quá 150.000 đồng/học sinh/học kỳ. Đồng thời, giáo viên cũng yêu cầu không thu ngay trong buổi họp phụ huynh mà tách khoản đóng góp này ra khỏi những khoản thu theo quy định đầu năm, tránh đóng gộp nhiều khoản như khuyến cáo của ngành.

Tuy nhiên, một phụ huynh trường này cho rằng, mức thu 150.000 đồng không phù hợp với nhu cầu chi thực tế. Như vậy, đồng nghĩa với khả năng phụ huynh sẽ phải âm thầm đóng thêm cho quỹ này, nhưng tâm lý không thoải mái và cũng rất dễ dẫn đến việc thiếu minh bạch trong quá trình sử dụng quỹ.

Gánh nặng tài chính

Một giáo viên chủ nhiệm lâu năm ở trường THCS quận Đống Đa cho biết, hiện lương giáo viên không thấp so với mặt bằng chung nên có thể không ít lãnh đạo trường cũng như giáo viên cho rằng đóng thêm một vài trăm nghìn vào quỹ phụ huynh hay mua sắm thiết bị, vật dụng cho lớp cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới phụ huynh.

“Nhưng nếu xét từ góc độ phụ huynh không có việc làm ổn định hoặc công nhân viên chức có mức thu nhập trung bình thấp thì bất cứ khoản đóng nào cũng sẽ trở thành gánh nặng tài chính với họ, nhất là khi có nhiều con ở độ tuổi đi học” - cô giáo này phân tích.

Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các trường phải thu BHYT làm hai lần trong một năm, đồng thời chỉ đạo dừng thu các loại bảo hiểm tự nguyện trong nhà trường. Tuy nhiên, không biết do nhiều trường chưa nắm được thông tin hay vì lý do ngại thu thành nhiều lần nên phụ huynh phản ánh họ vẫn phải đóng hơn 600.000 tiền bảo hiểm khiến các khoản đóng đầu năm tăng cao.

Trường Tiểu học Cát Linh, THCS Bế Văn Đàn thu 508.000 đồng thì trường Tiểu học Tiên Dương, Đông Anh thu 543.000 đồng. Bên cạnh đó, tiền bảo hiểm thân thể cũng có mức thu khác nhau. Trường THCS Tứ Liên, Tây Hồ thu 100.000 đồng, trường Tiểu học Cát Linh thu 80.000 đồng, trường THCS Nguyễn Du thu 60.000 đồng…

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng BHYT, bảo hiểm thân thể nhiều trường đã thu từ tháng 8 hoặc đầu tháng 9 để tránh tập trung đóng nhiều khoản cùng lúc. Khi đó chưa có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc tách làm 2 lần cũng như quy định trường không đứng ra thu hộ bảo hiểm tự nguyện khác. Với các khoản bảo hiểm phụ huynh có nhu cầu đã tự nguyện đóng ở các nhà trường trước thời điểm Bộ GD-ĐT có yêu cầu dừng thì Sở không can thiệp. Sau thời điểm này, các nhà trường phải thực hiện nghiêm yêu cầu, phụ huynh có nhu cầu mua bảo hiểm thân thể cho con có thể mua ở các kênh ngoài nhà trường.

Cấm tự ý thu BHYT 15 tháng với học sinh, sinh viên

 

 

Trước những phản ứng của dư luận về cách thức thu phí tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) với học sinh, sinh viên (HSSV) đầu năm học, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) vừa hướng dẫn cách thu mới. Theo đó, BHXH VN đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước thống nhất với Sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thu phí BHYT HSSV theo đúng quy định.

Cụ thể, 3 tháng còn lại của năm 2015 sẽ được thu nốt và tách biệt với năm 2016. BHXH sẽ cấp thẻ BHYT cho HSSV đến hết năm 2015. Sang năm 2016, BHXH sẽ có hướng dẫn việc thu BHYT cho HSSV theo 6 tháng hoặc 12 tháng. Thời hạn thẻ của năm 2016 sẽ tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Các trường chỉ thu phí BHYT một lần (từ tháng      10-2015 đến tháng 12-2016), tức đóng liền 15 tháng, nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. (Duy Tiến)

Theo An ninh Thủ đô