Đừng gieo vào trẻ những ký ức đớn đau
(Dân trí) - Trẻ đến trường để học những điều hay, điều tốt. Vậy nhưng, không ít học trò phải đeo theo mình những ký ức đớn đau từ cách hành xử phản giáo dục của những người trong môi trường giáo dục.
Những lúc nhớ lại thời tiểu học, Nguyễn Thị Ánh, sinh viên một trường kinh tế tại TPHCM, quê Nghệ An lại quặn lòng. Là lớp trưởng, Ánh thường xuyên “vinh dự” được thay cô giáo ra tay xử phạt khi học sinh (HS) trong lớp mắc lỗi.
Ánh không thể quên năm lớp 2, tự tay mình phải lột quần của một bạn nam ngay trên bục giảng để cả lớp cùng lêu lêu. Lý do, vì bạn này thường xuyên mặc quần hư khóa (phéc mơ tuya) đi học, cô giáo đã nhắc nhiều lần.
Một lần khác, cũng trên bục giảng đó, Ánh và một bạn lớp phó ép, dùng tay bóp miệng một bạn nữ khác bắt phải ăn hết cả bịch bỏng ngô to vì bạn này bị cô phát hiện ăn quà trong lớp. Cùng lúc nỗi đau, nước mắt của người bạn bị phạt, Ánh được cô giáo khen thưởng do hoàn thành tốt công việc.
Cô nữ sinh nói rằng, lúc đó mình quá nhỏ để biết việc đó nên hay không. Thấy bạn bị phạt, cả lớp cùng hò lên thích thú. Sau này, những hành động mà mình bị giáo viên ép làm ngày đi học đeo lấy Ánh và ngày càng ám ảnh lấy cô. Những lúc nghĩ lại Ánh lại rùng mình, đôi lúc còn thấy sợ chính bản thân.
Trong câu chuyện này, nạn nhân đâu chỉ riêng Ánh, hai bạn HS bị phạt kia mà còn tất thảy HS trong lớp. Hình ảnh đó có thể gieo vào các em ký ức kinh hoàng. Và cách hành xử của GV đưa đến cho các em bài học có sức mạnh hơn mọi sách vở, lý lẽ: phải biết cười nhạo trên nỗi đau, sai lầm của người khác.
Đáng sợ hơn, cách hành xử phản giáo dục của những người làm việc trong môi trường không còn là cá biệt. Chúng ta đã có những GV cắt dép của học trò nghèo, yêu cầu HS ra tay đánh bạn của mình, giáo viên và cả ban giám hiệu đưa HS ra trấn áp khi nghi ngờ các em ăn cắp, xử phạt học trò bằng cách đánh đòn hoặc bêu riếu... Và mới đây, trong không khí cả nước hân hoan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một HS bị tiểu học tại TPHCM bị nhà trường "bỏ rơi" trước cổng trường do gia đình chưa kịp đóng tiền.
Đó mới chỉ là những câu chuyện được báo chí biết đến. Còn những tổn thương mà GV có thể do vô tình đưa đến cho học trò không hề ít. Chia sẻ tại buổi tư vấn tâm lý tại Q.1, TPHCM, chị Trần Ngọc K, quê ở Long An cho hay con trai chị bị sốc đến mức không dám đến trường vì một lần nghịch trong lớp, em bị cô giáo ném thẳng viên phấn vào mặt cùng lời xúc xiểm: “Bất trị như anh, chẳng mấy chốc rồi cũng theo bố vào tù”. Người bố đang trong thời gian chịu án, nỗi đau của cậu học trò bị xoáy thêm bằng những lời của cô.
Cuối cùng người mẹ chuyển con lên TPHCM học tại một trường tư thục nhưng từ đó cháu khép mình, không muốn giao tiếp với mọi người.
Sách vở chúng ta viết thật nhiều, thầy cô giảng giải thật nhiều về đạo làm người, về sự chia sẻ, bao dung... Nhưng các em sẽ học được gì nếu ở đâu đó, chính người giảng đạo lại có cách cư xử trái với tình người?
Những hành xử bất bình thường của một số người trong ngành giáo dục lâu nay được cho rằng là do con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng phải chăng nồi canh đã, đang và càng ngày càng nhiều sâu?
Tình thầy trò trước hết nằm trong mối tổng thể tình người và người. Khó có thể bao biện, khi hành xử một cách phản giáo dục như vậy, người trong cuộc không lường được hết hậu quả. Không thể vì nóng giận, hay muốn giải quyết vấn đề trước mắt một cách nhanh chóng, họ bất chấp cả việc chà đạp, làm tổn thương học trò.
Trẻ đến trường là để học những điều hay điều tốt, học cách cư xử hợp lý hợp đạo trong cuộc sống. Cớ gì bắt các em phải chịu đựng cách hành xử khủng khiếp từ chính người những người mang danh dạy dỗ mình?
Khủng khiếp hơn là những cách hành xử phản sư phạm sẽ gieo vào các em những ký ức tuổi thơ kinh hoàng, có thể đeo đuổi, ám ảnh các em suốt cả cuộc đời.
Một người thầy giỏi không hẳn là người thầy giúp học trò đạt nhiều điểm 10, giành nhiều thành tích, bằng khen. Trước hết, thầy phải là người xây cho các em những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò thông qua lối sống, cách hành xử của mình. Không phải là kiến thức mà chính ký ức đẹp từ người thầy, từ trường học mới là động lực cho các em thêm sức mạnh, thêm niềm tin để sống tốt.
Còn kết quả của những cách hành xử phản giáo dục, theo các chuyên gia tâm lý sẽ là những hành vi tiêu cực, phản giáo dục.
Hoài Nam