Bạn đọc viết:
Đừng bao giờ nhìn "con nhà người ta" mà cuống cuồng ép trẻ học!
(Dân trí) - Ép con trẻ học quá sức, mê mẩn thành tích là căn bệnh cũ ẩn mình gieo thêm gánh nặng học hành cho bọn trẻ qua bao thế hệ. Vậy chuộng thành tích, lỗi tại ai?
Đọc bài viết "Đừng ép con học quá sức" của tác giả Đỗ Văn Nhân trên báo Dân trí, tôi rất đồng tình với lời tâm sự: "Học là tiền đề một người có thể thành công trong cuộc sống, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà khoa học là ưu tiên hàng đầu của sự phát triển".
Và tác giả cũng khẳng định: "Nếu phụ huynh ép con học quá nhiều sẽ làm đầu óc căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc đôi khi sẽ tìm đến cái chết để giải thoát…".
Ép con trẻ học quá sức, mê mẩn thành tích là căn bệnh cũ ẩn mình gieo thêm gánh nặng học hành cho bọn trẻ qua bao thế hệ. Vậy chuộng thành tích, lỗi tại ai?
Tôi vẫn nhớ như in thời điểm năm học kết thúc cũng là lúc mạng xã hội rộn ràng bước vào mùa khoe thành tích, điểm số, giấy khen, phần thưởng của con trẻ. Ngay khi tấm giấy khen vừa rời tay giáo viên để trao tặng cho học trò thì y như rằng ngay lập tức xuất hiện trên trang cá nhân của bố mẹ để làm nức lòng bậc sinh thành.
Khoe con, tự hào về con là tấm lòng đáng trân quý. Vậy nhưng, khi sự khoe khoang vượt quá ranh giới thông thường để biến thành một cơn lốc khoe thành tích ảo thì điều đó hẳn không còn bình thường chút xíu nào!
Và trong câu chuyện giấy khen được phát ào ào giống "tờ rơi" như so sánh của một số người, nhiều luồng dư luận chỉ trích nhắm về phía ngành giáo dục, nhà trường và thầy cô bởi căn bệnh thành tích. Điều này có phần định kiến bởi tâm lý chuộng thành tích đâu chỉ khởi phát trong nhà trường. Nó còn hiện hữu, đâm chồi mọc rễ ngay chính trong gia đình, trong kỳ vọng lớn lao mà bố mẹ đặt vào con trẻ!
Trong xã hội hiện đại luôn coi trọng bằng cấp này, có bao nhiêu bố mẹ tự hào khẳng định mình chỉ mong con vào trường nghề chứ đừng đua chen vào trường đại học danh tiếng? Có lẽ là rất ít!
Trong cuộc đua về thành tích, có bao nhiêu bố mẹ chấp nhận con chỉ cần nắm kiến thức cơ bản, còn điểm 9, điểm 10 và mấy cái danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc ấy thì không đáng bận tâm? Có lẽ là rất ít!
Trong bối cảnh người người nhà nhà đăng ký cho con học thêm, học kèm, học trung tâm để bằng bạn bằng bè, có bao nhiêu bố mẹ chấp nhận cho con trẻ "lội ngược dòng" chỉ học vừa phải và dành thời gian chơi đùa, tích lũy kỹ năng sống? Có lẽ là rất ít!
Chúng ta đặt kỳ vọng vào sự học của con trẻ, không tiếc tiền bạc đầu tư việc học cho con và luôn bao biện rằng "học cho tương lai của con xán lạn hơn". Vậy nhưng đằng sau kỳ vọng ấy, phải chăng chúng ta gửi gắm vào đó cả những áp lực vô hình đè nặng đôi vai con trẻ?
Những thời khóa biểu dày đặc lịch học khiến con ngộp thở với kiến thức, bạn có nhìn thấy chăng? Nỗi lo nhen nhóm cùng ánh mắt sợ sệt khi con đưa ra bảng điểm mỗi khi sơ suất, bạn có cảm thông chăng? Cảnh con trẻ ngáp ngắn ngáp dài, ăn vội ngủ muộn cho kịp bài kiểm tra, bạn có xót xa chăng?...
Tuổi thơ của không ít đứa trẻ đã trôi tuột từ bao giờ để đánh đổi những tờ giấy khen với danh hiệu cao quý làm vừa lòng bố mẹ. Trang viết của bọn trẻ chỉ có một màu sắc đơn điệu của việc học và rượt đuổi không hồi kết với điểm số, thành tích. Đáng thương vô cùng!
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh riêng. Con có thể giỏi văn hóa để trở thành nhà bác học. Con có thể dồi dào năng khiếu để trở thành nghệ sĩ. Con có thể chỉ giỏi về các tài lẻ và giàu vốn sống, điều đó đủ hun đúc nên một người thợ lành nghề. Con cũng có thể chỉ là một đứa trẻ thành tích học không nổi bật nhưng dư thừa tình yêu thương, lòng thấu cảm… Chừng ấy đã đủ làm ta hài lòng!
Vấn đề còn lại là sự tỉnh táo của bố mẹ để nhìn nhận, trân trọng và cảm thông với sở trường và sở đoản của con. Đừng bao giờ nhìn những tờ giấy khen lung linh của "con nhà người ta" mà cuống cuồng ép trẻ học! Đừng bao giờ so sánh một cách khập khiễng tấm bằng khen của trẻ để bắt chẹt sao thiếu đi chữ "xuất sắc"! Đừng bao giờ vì sĩ diện của mẹ cha để rồi ép uổng con phải "bơi" đến đuối sức trong cuộc đua vào trường chuyên lớp chọn!
Và giấc mơ "học thật, thi thật, nhân tài thật" mà chúng ta theo đuổi chỉ có thể hiện hữu khi mỗi gia đình cởi trói áp lực thành tích cho những đứa con thơ…
Nguyễn Thanh
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!