Dù Việt Nam có giải Nobel cũng... không ích gì

Sự xuất hiện của một "siêu sao", cho dù đó là "sao" Nobel, liệu có giúp ích gì cho nền giáo dục, khoa học Việt Nam?

Từ "sao" Olympic đến "siêu sao" Nobel

Quan sát nền giáo dục VN hiện nay, tôi thấy có một vấn đề, đó là tình trạng chuộng chạy theo "sao". Giáo dục trung học thì chạy theo huy chương Olympic quốc tế. Giáo dục đại học thì mơ có tên trong các bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Khoa học thì mơ đến giải Nobel.

Các kiểu "sao" như huy chương Olympic thường được các nhà chức trách đưa ra để đối phó với ý kiến phê phán thành tích giáo dục của VN. Thế nhưng trong thực tế, mối tương quan giữa số lượng huy chương Olympic và thành tựu của một nền giáo dục là rất yếu. Dù đoạt ít huy chương Olympic hơn VN, nền giáo dục các nước phương Tây lại là điểm đến mà nhiều học sinh VN mong đợi.

Vô vàn nỗ lực, đầu tư được đổ ra để mang về giải thưởng Olympic, đến mức trở thành một loại kĩ nghệ: kĩ nghệ luyện "gà chọi". Nhưng được giải xong làm gì thì chưa rõ ràng. Một số em sau khi đoạt huy chương thú nhận là phải đổi ngành nghề học, chứ cũng không theo đuổi môn học đã được luyện thành "gà chọi".

Gần đây người ta đang nhắc đến tình trạng "tị nạn giáo dục", khi những gia đình có khả năng kinh tế gửi con em sang học các nước phương Tây, những nước không có kĩ nghệ luyện "gà chọi". Kĩ nghệ gà chọi có thể giúp ích cho một thiểu số học sinh, nhưng không giúp gì cho đại đa số học sinh trung học và tiểu học.

Xu hướng theo đuổi "sao" cũng rất rõ nét trong giáo dục đại học. Có thời gian, đi đâu cũng nghe người ta nói đến giấc mơ có một vài đại học đẳng cấp thế giới. Nhà nước thậm chí còn có kế hoạch chọn vài đại học để xây dựng thành đại học đẳng cấp thế giới.

Chẳng những chạy theo sao "đẳng cấp quốc tế", VN còn chạy "sao"... Nobel. Vì một trong những tiêu chuẩn cao để có tên trong bảng xếp hạng đại học đẳng cấp thế giới là giáo sư được trao giải Nobel.

Thế là một đại học lớn kí hợp đồng với một tập đoàn kinh tế để xây dựng kế hoạch có giải Nobel. Tuy nhiên, sự có mặt của một "siêu sao", cho dù đó là sao Nobel, có thể giúp gây tiếng vang, cũng không thể nào vực dậy một nền giáo dục.
 
Lễ trao giải Nobel năm 2001. (Ảnh: Nobelprize.org)
Lễ trao giải Nobel năm 2001. (Ảnh: Nobelprize.org)
 
Nhiều "sao" giúp gì cho phát triển bền vững?

Do đó, đã đến lúc phải đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: có cần chạy theo "sao"? Có cần xây dựng một kĩ nghệ luyện "gà chọi" chỉ để có huy chương Olympic? Có cần chạy theo bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới? Có cần phải chạy theo giải Nobel?

Tại sao không đặt câu hỏi thực tế hơn và căn bản hơn: làm gì để xây dựng một nền tảng vững vàng và một cái đà (momentum) để phát triển lâu dài một cách bền vững? Theo thiển ý cá nhân, tôi cho rằng chính sách chạy theo sao không giúp gì cho những mục tiêu này.

Để minh hoạ, thử tưởng tượng chúng ta có 2 dãy số liệu của 2 nước A, B, thể hiện số bài báo khoa học công bố quốc tế của 6 trường đại học tại mỗi nước:

Nước A:   1,  1,   1,    2,    2,   53

Nước B:    8,  9,  10,  10,  11,  12

Cả hai nước đều có trung bình là 10 và tổng số là 60. Nhưng hai dãy số rất khác nhau về phẩm chất. Tại nước A, có một đại học có số công bố quốc tế rất lớn, có thể xem là ngoại vi (53). Nếu bỏ giá trị này, số trung bình của nước A chỉ còn 1,4, chứng tỏ sự phát triển của nước A không ổn định.

Trong khi đó, tại nước B, tất cả số liệu đều trong phạm vi kì vọng, loại bỏ một giá trị trong dãy số liệu cũng không làm thay đổi đáng kể giá trị trung bình. Do đó, rõ ràng nước B có phẩm chất cao và ổn định hơn nhiều so với nước A.

Hình dung tương tự, nếu đại đa số các trường đại học đều "làng nhàng" và chỉ có một trường đạt đẳng cấp thế giới, thì đó là một trường hợp ngoại vi. Nếu loại bỏ trường hợp ngoại vi kia, tất cả sẽ quay lại thực chất là "đẳng cấp" làng nhàng.

Hàm ý của phát biểu trên là tập trung vào phát triển một đại học thành sao đẳng cấp quốc tế mà bỏ bê các đại học khác không giúp gì trong việc phát triển động lực (momentum) cho nền giáo dục.

Cũng như vậy, nếu VN có 1 (hay "rộng rãi" hơn, có 2) nhà khoa học được giải Nobel thì cũng không giúp ích gì cho khoa học nước nhà. Bởi điều đó không giúp thay đổi tình trạng có 24.000 tiến sĩ và hơn 10.000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng năng suất khoa học lại thua kém cả các nước trong khu vực. Đáng lẽ chúng ta cần có một nội lực như nước B trong ví dụ trên.

Xây dựng nội lực thay vì chạy theo sao

Xét cho cùng, chính sách hay xu hướng "đuổi theo sao" thể hiện tư duy nặng hình thức hơn là thực chất. Song nghiên cứu của những nhà khoa học chạy theo danh hiệu, thay vì từ mong đóng góp cho tri thức cho nhân loại, sẽ khó có được phẩm chất cao. Giải Nobel không có được từ hợp đồng nào cả, mà từ nghiên cứu khoa học có phẩm chất cao.

Sự xuất hiện của một hay vài ngôi sao giáo dục và khoa học không chỉ là "món ăn" tuyệt vời cho truyền thông, mà còn là một liều thuốc "an thần" cho cộng đồng đang hoài nghi hiệu quả của nền giáo dục và đẳng cấp của nền khoa học. Có vài ngôi sao, cộng thêm sức mạnh của truyền thông, người ta sẽ an tâm rằng người Việt cũng thông minh và tài ba chẳng thua kém ai. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn bức tranh lớn thì những sao đó chỉ là những "giá trị ngoại vi", có hay không có họ cũng không làm thay đổi cục diện chung.

Có một câu trong bóng đá: "Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi". Một quốc gia có thể có 1 đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng không giữ được vị trí đó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cho dù có giữ được vị trí đó, nhưng 99% các đại học còn lại đều làng nhàng thì cũng không có gì đáng tự hào.

Một phép tính đơn giản về công bố quốc tế. Chúng ta chọn phương án (a) tập trung vào một đại học "sao" để công bố 2.000 bài mỗi năm, và 9 trường đại học khác mỗi trường công bố 50 bài; hay (b) xây dựng năng lực để mỗi đại học công bố được trung bình 300 bài mỗi năm? Dĩ nhiên chúng ta chọn phương án 2 vì tính bền vững và nội lực cao. Sức mạnh của đám đông lúc nào cũng hơn sức mạnh của một cá thể, cho dù cá thể đó đẳng cấp "sao".

Do đó, tôi nghĩ rằng thay vì mải mê theo đuổi những ngôi sao, hay những "giá trị ngoại vi", VN cần tập trung tài lực để (a) xây dựng cơ sở vật chất và nội lực để làm "bệ phóng" cho phát triển trong tương lai; và (b) xây dựng động lực và năng lực nghiên cứu khoa học để có khả năng duy trì sự phát triển một cách ổn định và bền vững.

Theo Nguyễn Văn Tuấn
Tuần Việt Nam