Dự thảo đánh giá học sinh tiểu học: Băn khoăn và góp ý

(Dân trí) - Đọc Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại HS tiểu học, áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, chúng tôi băn khoăn về quy định “xếp loại học sinh tiểu học”.

Nghiên cứu kĩ Dự thảo, chúng tôi rất vui mừng vì Dự thảo đánh giá học sinh tiểu học lần này có nhiều điểm mới tích cực.

Đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Dự thảo đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ lớp 1. Chương trình mới với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục (chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh), có thêm một số môn học/hoạt động giáo dục mới nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Do đó, việc ban hành thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới trên cơ sở kế thừa những ưu việt của quy định hiện hành là điều cần thiết và quan trọng, đảm đảm tính đồng bộ khi thực hiện chương trình.

Coi trọng động viên và khuyến khích học sinh

Dự thảo mới có phần thuật ngữ “đánh giá học sinh tiểu học”, “đánh giá thường xuyên” thể hiện rõ sự quan trọng của đánh giá quá trình học tập của học sinh, coi trọng việc động viên và khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Điểm mới căn bản của Dự thảo là việc điều chỉnh hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi. Đặc biệt là điểm mới về cách thức đánh giá, nhất là đánh giá thường xuyên để từng học sinh hình thành và phát triển được năng lực và phẩm chất. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự thảo đánh giá học sinh tiểu học: Băn khoăn và góp ý - 1
Học sinh tiểu học Hà Tĩnh tự học tại nhà trong đại dịch Covid-19

Đánh giá gồm đủ các hình thức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá.

Câu hỏi và bài tập theo 3 mức độ, thêm hình thức “thư khen”

Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi và bài tập trong bài kiểm tra định kì như hiện nay, Dự thảo Thông tư mới quay lại 3 mức độ theo Thông tư 30. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi, bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kì.

Trong quy định về khen thưởng học sinh, Dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Băn khoăn và… góp ý

Bên cạnh vui mừng với những điểm mới và điểm tích cực, chúng tôi còn băn khoăn về quy định “xếp loại học sinh tiểu học” mà Dự thảo đưa ra.

Trước đây, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009 về quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thay Thông tư 32/2009 bằng Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 về quy định đánh giá học sinh tiểu học; sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Cả hai thông tư này đều không quy định “xếp loại học sinh tiểu học” và đây là điểm đổi mới “căn bản” trong đánh giá học sinh tiểu học - đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Thiết nghĩ nếu Dự thảo lần này lại quy định “xếp loại học sinh tiểu học” thì đã đi ngược với hai thông tư trên (Thông tư 30 và 22) và đi ngược với sự “nhân văn” trong đánh giá học sinh tiểu học bấy lâu nay. Đánh giá để học sinh tiến bộ và phát triển thì việc “xếp loại” được hiểu là giáo viên “phân loại” học sinh “đang ở đâu” để giúp từng học sinh tiến bộ và phát triển nên việc xếp loại chỉ là một khâu trong đánh giá. Việc đưa thêm thuật ngữ “xếp loại” vào tên thông tư có thể làm giáo viên quay trở lại nhận thức cũ là đánh giá để xếp loại học sinh thuộc loại nào như đánh giá trước khi có Thông tư 30. Vì vậy theo chúng tôi nên để tên thông tư là “Đánh giá học sinh tiểu học” như Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay.

Phan Duy Nghĩa

(Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm