Dự thảo của Bộ GD&ĐT: Học sinh tiểu học có thể được vượt lớp

(Dân trí) - Trên đây là một trong những điểm mới tại Dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT vừa công bố để lấy ý kiến dư luận.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý. Nhiều nội dung trong Điều lệ hiện hành được quy định bởi các văn bản liên quan, đã được điều chỉnh và quy chiếu.

So với Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường.

Theo đó, trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực…

Học sinh có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học

Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước: Cha mẹ học sinh có đơn đề nghị vi nhà trường; Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát; Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Về “Nhiệm vụ của học sinh”, dự thảo bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Dự thảo của Bộ GDĐT: Học sinh tiểu học có thể được vượt lớp - 1

Theo Dự thảo mới, học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong cùng cấp học. 

Dạy học SGK theo quyết định của UBND tỉnh

Trong quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học”, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung nhiều điểm mới.

Cụ thể, trường tiểu học có thêm nhiệm vụ “xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Các trường tiểu học được phép huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh.

Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoản cảnh đặc biệt tới trường…”, dự thảo đã bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học.

Một điểm mới rõ rệt khác trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học, là các nhà trường phải có trách nhiệm triển khai dạy học sách giáo khoa theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Điều này nhằm đáp ứng chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, quy định UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục 2019.

Dự thảo của Bộ GDĐT: Học sinh tiểu học có thể được vượt lớp - 2

Dự thảo quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành.

Giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân chuyên ngành

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể số tiết giảng dạy trong một tuần đối với hiệu trưởng, hiệu phó, làm cơ sở để các trường thuận lợi thực hiện theo.

Các quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên được bổ sung nhiều điểm mới trong dự thảo thông tư Điều lệ trường tiểu học.

Trong đó, dự thảo nhấn mạnh vai trò quyết định của giáo viên trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của trường tiểu học, cơ sở giáo dục khác, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, góp phần thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học.

Đặc biệt, Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.

Trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm”. Để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và đáp ứng lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên, dự thảo cho phép các giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được nhà trường, các cơ quan quản lí giáo dục tạo điều kiện để học tập, đào tạo bồi dưỡng theo quy định.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung một Điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với Điều lệ hiện hành, đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hoá đọc”.

Để thực hiện quy định này, các nhà trường có thể sử dụng đa dạng và sáng tạo các hình thức, như tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện...

Dự thảo cũng định lượng cụ thể số học sinh khuyết tật trong mỗi lớp học hoà nhập là không quá 2 em, lớp học ghép có không quá 02 nhóm trình độ và không quá 15 học sinh, nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục trong lớp học hoà nhập, lớp học ghép được thực hiện hiệu quả và không gây khó khăn cho giáo viên, học sinh khi giảng dạy, tiếp thu kiến thức.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học có thời gian góp ý từ ngày 6/5/2020 đến ngày 6/7/2020.

Theo Bộ GD&ĐT, sau 10 năm tồn tại, Thông tư 41 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với các văn bản quy pháp luật hiện nay, không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống nên cần sửa đổi.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm