Điều lệ trường đại học: Trống trách nhiệm giải trình
Tự chủ ĐH đã và đang là trọng tâm chính sách cần cải thiện nhằm giải phóng tiềm năng và động lực tự cải thiện của các trường. Nhưng tự chủ mà tách rời trách nhiệm giải trình thì sẽ là một thảm họa.
Điều lệ trường ĐH vừa ban hành là một văn bản rất quan trọng vì sẽ thay thế các văn bản pháp quy về quản lý nhà nước đối với trường ĐH hiện đang được áp dụng (như Quyết định 58, 61 và 63 của Thủ tướng) và là một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh mà người ta mong đợi sẽ phản ánh được những bước tiến mới trong nhận thức về quản lý nhà nước trong khu vực giáo dục ĐH, tạo ra một không gian mới cho sự phát triển của các trường.
Chưa giải quyết được “trường của hiệu trưởng”
Đối với trường công lập, Điều lệ trường ĐH đã cải thiện thẩm quyền của Hội đồng trường (HĐT) theo hướng tiến đến gần hơn với thực tiễn quốc tế: Tuy chưa có thẩm quyền tuyển dụng và sa thải hiệu trưởng, Điều lệ trường ĐH đã quy định cho HĐT thẩm quyền được “giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định” và “đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết” (điều 9).
Nói cách khác, HĐT ở trường công dù chưa phải cơ quan có quyền quyết định cao nhất của nhà trường song đã “được” tham gia vào quá trình ra quyết định với những vấn đề quan trọng bậc nhất đối với nhà trường. Tuy chưa phân biệt thật rõ vai trò lập pháp và hành pháp nhưng cần ghi nhận điểm tiến bộ rất đáng kể được nêu trong dự thảo là chủ tịch HĐT không kiêm nhiệm hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng.
Dù vậy, có một điều hạn chế là thành phần HĐT không bao gồm cán bộ quản lý cấp trung, cựu sinh viên và sinh viên. Đây là một điều đáng tiếc vì sinh viên là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất bởi các quyết định của nhà trường và HĐT cần lắng nghe quan điểm của họ. Sự có mặt của sinh viên trong HĐT chẳng những là một thực tế phổ biến ở Mỹ mà họ còn là thành viên đương nhiên của HĐT, do Hội đồng giảng viên bầu chọn. Có trường, cựu sinh viên chiếm một nửa tổng số thành viên HĐT.
Đối với trường tư, điểm tiến bộ đáng ghi nhận là sự phân biệt rõ ràng cơ cấu thẩm quyền của trường ĐH vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, theo hướng giảm nhẹ quyền lực của những người góp vốn ban đầu và tăng cường thẩm quyền của cộng đồng giảng viên, nhân viên trong trường đối với mô hình không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là quy định về thành phần của HĐT đối với trường không vì lợi nhuận hầu như không có gì khác với trường vì lợi nhuận, ngoài việc thành viên góp vốn chiếm không quá 20% và quan trọng hơn là không có một cơ chế kiểm soát nào đối với bộ phận điều hành nhà trường, nhất là không có quy định nào ngăn chặn chủ tịch/phó chủ tịch HĐT kiêm nhiệm hiệu trưởng, là điều có khả năng sẽ biến trường không vì lợi nhuận thành ra là “trường của cá nhân hiệu trưởng” trên thực tế.
Trách nhiệm giải trình: Điểm yếu nhất
Có thể nói, điểm yếu nhất của Điều lệ trường ĐH là về trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Trong toàn bộ văn bản 21.502 từ, chỉ có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình của nhà trường và chủ yếu là nhấn mạnh trách nhiệm về an ninh chính trị. “Trách nhiệm xã hội của trường ĐH thể hiện ở các hoạt động: báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết ấy; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ trường ĐH” (khoản 3, điều 5).
Trong 2 thập kỷ qua, vấn đề tự chủ ĐH đã và vẫn đang là trọng tâm chính sách cần cải thiện nhằm giải phóng tiềm năng và động lực tự cải thiện của các trường. Nhưng tự chủ mà tách rời trách nhiệm giải trình thì sẽ là một thảm họa. Điều lệ chỉ đòi hỏi các trường thực hiện việc báo cáo, công khai và giải trình “theo các quy định của pháp luật”, một cụm từ thường được dùng để thu hẹp ngoại diên của các khái niệm. Nói cách khác, chừng nào pháp luật còn chưa quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các trường thì các trường không việc gì phải bận tâm. Còn các bên liên quan, chẳng hạn những người dân đóng thuế để nuôi các ĐH công hay những người nông dân đã chắt chiu từng đồng đóng học phí cho con vào các trường ĐH tư thì... hãy đợi đấy!
Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam, công cũng như tư, đang rất yếu kém về trách nhiệm giải trình. Mục đích và phạm vi của trách nhiệm giải trình đối với trường ĐH khá đa dạng. Điều cần làm nhất trong công tác quản lý nhà nước với tư cách là người bảo vệ lợi ích công là đòi hỏi trách nhiệm giải trình công khai của các trường và thiết lập một hành lang pháp lý giúp cho các trường có một hệ thống quản trị lành mạnh. Rất tiếc, những điều này chưa thể hiện rõ trong Điều lệ trường ĐH.
Trường tư không vì lợi nhuận được quan tâm Điểm tiến bộ của Điều lệ trường ĐH là phạm vi áp dụng chung cho các trường công lập và tư thục phản ánh một nhận thức rõ hơn về tính chất bình đẳng của các trường không phân biệt công tư. Hẳn nhiên là trường công và trường tư có những khác biệt quan trọng cho nên sẽ có khác biệt trong cách thức quản lý vận hành và giải trình trách nhiệm; và có những vấn đề đặc thù của nó, vì vậy có một chương riêng cho tổ chức và hoạt động của từng loại trường là hợp lý. Một số điểm tiến bộ khác so với các văn bản trước đây là đã có một mục riêng về ĐH tư không vì lợi nhuận, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của nhà nước trong việc xây dựng giáo dục ĐH tư, dù vẫn không có những minh định về quyền sở hữu. Điều lệ trường ĐH đã tiến thêm một bước so với trước đây trong việc xác lập cơ cấu quản trị của các trường theo hướng tăng cường mức độ tự chủ. |
Theo Phạm Thị Ly
Người Lao Động