Dự kiến tuyển sinh học nghề 2025-2030 tăng gấp 2,7 lần so với 2019
(Dân trí) - Năm 2019, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 2,3 triệu người. Dự thảo chiến lược phát triển của GDNN đặt ra mục tiêu con số tuyển sinh sẽ tăng lên 6,3 triệu người/năm trong giai đoạn 2025-2030.
Ngày 15/12, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức chương trình tọa đàm khoa học "Các đột phá trong Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm, TS. Trương Anh Dũng - Trưởng Tiểu ban GDNN, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH nêu: "Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, nội dung liên quan đến vấn đề phát triển GDNN.
Đây là cơ hội lớn đối với GDNN. Dự thảo văn kiện cũng chỉ ra GDNN là một trong ba đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh việc hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo của GDNN.
Buổi tọa đàm này nhằm bàn tới chiến lược phát triển GDNN, qua đó tìm ra các giải pháp và xác định các đột phá của hệ thống".
Tại buổi tọa đàm, bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Tổng Cục GDNN trình bày Dự thảo chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, GDNN đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển ngành giai đoạn 2021 - 2030, đó là: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; Phát triển GDNN mở và linh hoạt; Chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính các cơ sở GDNN công lập là xu hướng không thể đảo ngược; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.
Để đạt được những yêu cầu đề ra, hệ thống GDNN đề ra 8 giải pháp chính.
Một là, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN.
Hai là, đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt và mở của hệ thống.
Ba là, đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.
Bốn là, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Năm là, quản lý, đảm bảo chất lượng.
Sáu là, thực hiện chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo.
Bảy là, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDNN.
Tám là, truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Bà Khương Thị Nhàn cũng cho biết, có hai phương án mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển GDNN: đưa ra chỉ tiêu cụ thể và không đưa ra chỉ tiêu cụ thể.
Với phương án đưa ra chỉ tiêu, hệ thống GDNN ước tính trong giai đoạn 2021 -2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.
Trong số này có ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35 có văn bằng, chứng chỉ.
Ở giai đoạn 2025 - 2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; trong cả giai đoạn 2025-2030 tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 25,4 triệu người, trình độ trung cấp là 2,225 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,475 triệu người.
Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ.
Đóng góp ý kiến xoay quanh những vấn đề mang tính đột phá trong chiến lược phát triển GDNN 2021 - 2030, các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra lời khuyên hữu ích về các vấn đề cần cân nhắc và đánh giá sâu sắc hơn.
Ông Phan Chính Thức, Nguyên Tổng cục trưởng TCGDNN, đi sâu vào phân tích các đột phá trong chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030,
Ông Thức nói rằng, theo kinh nghiệm và truyền thống, các nền giáo dục thường bận tâm với những sức ép hiện tại hơn là những toan tính cho tương lai. Vì vậy sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030.
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu rằng: "Đội ngũ nhà giáo luôn là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo trong hệ thống GDNN nói riêng.
Sự tác động của cuộc công nghiệp công nghiệp lần thứ tư đến giáo dục đã làm thay đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, hỗ trợ và định hướng người học phát hiện kiến thức mới. Cho nên việc phát triển năng lực nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo GDNN càng trở cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực lao động cho xã hội".
PGS.TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học GDNN nhấn mạnh: "Trọng tâm của chiến lược phát triển GDNN trong 10 năm tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của CMCN 4.0.
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển GDNN cần phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó có những giải pháp đột phá, tạo bước phát triển mới".