Dự kiến tăng học phí, sinh viên nghèo được hỗ trợ gì?
(Dân trí) - Thông tin tăng học phí đại học đã làm không ít sinh viên nghèo lo lắng bởi gánh nặng tiền học, tiền sinh hoạt lại đè nặng trên vai. Tuy nhiên, hiện nay thông tin từ các trường đại học vẫn thu theo mức học phí cũ và các sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vẫn được vay vốn để học tập.
Học phí đại học năm 2015 – 2016 vẫn thu theo mức cũ
Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên, tới thời điểm này Bộ GD-ĐT mới trình Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021. Trong lúc chờ có quy định mới, tới thời điểm này, các trường vẫn thu học phí theo mức cũ.
Cụ thể trần học phí các trường ĐH công lập năm học 2014-2015: nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 550.000đ/tháng; nhóm ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 650.000đ/tháng; nhóm ngành Y dược là 800.000đ/tháng.
Với đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của một tín chỉ được xác nhận căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó. Cụ thể, học phí tín chỉ gồm tổng học phí toàn khóa và tổng số tín chỉ toàn khóa. Trong đó, tổng học phí toàn khóa bằng mức thu học phí tổng số năm học của 1 sinh viên mỗi tháng, tính 10 tháng trong một năm học.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, việc tăng học phí dù ở mức nào đi chăng nữa vẫn phải đảm bảo quyền lợi của sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Lộ trình tăng học phí vẫn phải được Chính phủ và các trường ĐH đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT cho biết, để hỗ trợ sinh viên nghèo, bên cạnh việc tăng học phí vẫn duy trì chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và cho vay tín dụng sinh viên với lãi suất thấp, nếu học phí nâng lên thì mức vay tín dụng cũng được nâng lên.
Mỗi trường thu một kiểu học phí
Năm học 2015 - 2016, Học viện ngân hàng thu 173.000đ/tín chỉ. Thí sinh nộp học phí theo số tín chỉ từng học kỳ (Học kỳ I năm 2015 – 2016 là 16 tín chỉ). Theo đó, học phí thí sinh năm đầu phải nộp đầu năm học là 2.768.000.
Lãnh đạo Học viện Ngân hàng cho biết, sau khi vào học, Học viện sẽ nhận “Đơn đề nghị miễn, giảm học phí” đối với các đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định 74/2013/NĐ-CP để giải quyết thủ tục miễn, giảm học phí và hoàn lại học phí.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên nhập học phải nộp học phí theo mức tiền là 3.000.000 đồng (bao gồm học phí tạm tính cho học kỳ 1 và các khoản thu hộ/chi hộ khác).
Học viện Nông nghiệp, học phí học kỳ I năm học 2015 - 2016 tạm thu 4.000.000 đ/ Sinh viên đại học; 3.000.000 đ/ Sinh viên cao đẳng. Sinh viên ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp được miễn học phí theo quy định.
Ngoài ra, đầu năm nhập học sinh viên phải đóng thêm các khoản phí khác là làm Thẻ Sinh viên, khám sức khoẻ, tiền bảo hiểm y tế bắt buộc 545.000 đ/Sinh viên; tiền bảo hiểm thân thể tự nguyện 215.000 đ/sinh viên/khóa học…
Với một số trường đại học như trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương… được thực hiện tự chủ thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (trường tự chủ tài chính). Theo đó, mức trần học phí loại trường này cũng được phân theo nhóm ngành nghề, với mức tối đa của nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/ năm.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cho biết vẫn thực hiện theo mức thu học phí như năm trước. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thu học phí ổn định với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014 - 2015 là 9,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm và đến năm học 2016 - 2017 là 13,5 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Trường ĐH Hà Nội, thu học phí ổn định theo lộ trình. Mức học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa của năm học 2015 – 2016 là 12 triệu đồng/ sinh viên/ năm, năm học 2016 – 2017 là 14 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Mức vốn cho vay tối đa với sinh viên là 1.100.000 đồng/tháng/HSSV
Để giúp sinh viên nghèo được vay vốn trang trải học phí từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Quyết định 154/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.
Đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.
Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.
Sinh viên lưu ý, trong thời gian học tập, học sinh, sinh viên được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; học sinh, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, học sinh, sinh viên có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.
Mức vốn cho vay tối đa với sinh viên là 1.100.000 đồng/tháng/HSSV (áp dụng từ ngày 01/8/2014). NHCSXH quy định mức cho vay cụ thể đối với HSSV căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay.
Được biết năm 2014 cả nước có hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với số tiền trên 52.000 tỉ đồng.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)