Dự kiến bỏ quy định thí sinh nộp phiếu ĐKXT tại trường: Không cần thiết phải bỏ!

(Dân trí) - Tránh tình trạng rối loạn trong xét tuyển ĐH như năm 2015, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2016 đã điều chỉnh quy định nộp hồ sơ. Theo đó, từ chỗ thí sinh có 3 hình thức để nộp phiếu đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã bỏ bớt đi hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không cần thiết phải bỏ, như thế hạn chế quyền tự do của thí sinh.

Đông nghịt người tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong những giờ cuối của hạn xét tuyển ĐH đợt 1 năm 2015.
Đông nghịt người tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong những giờ cuối của hạn xét tuyển ĐH đợt 1 năm 2015.

Bỏ bớt 1 cách nộp để khắc phục bất cập rắc rối

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2016, thí sinh nộp Phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng kí trực tuyến.

Lý giải về sự điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT cho rằng: Bộ dự kiến đưa ra quy định này là rút kinh nghiệm từ công tác tuyển sinh năm 2015. Quy định không cho phép thí sinh tới trường nộp hồ sơ xét tuyển để tránh tình trạng tập trung thí sinh tới trường không cần thiết, các trường cũng thuận lợi vì không còn phải bố trí bàn đăng ký để tiếp nhận hồ sơ nữa.

Năm ngoái, ngoài đăng ký trực tuyến và qua bưu điện, thí sinh được trực tiếp đăng ký tại trường. Do chưa xét đến yếu tố tâm lý phụ huynh và TS đều muốn đến nộp trực tiếp tại trường thì mới an tâm nên đã xảy ra một số rắc rối phát sinh ngoài ý muốn mà Bộ không thể khống chế được.

Cụ thể, hàng ngàn thí sinh và phụ huynh đổ về các trường ĐH với tâm trạng âu lo lên đỉnh điểm vì giờ G nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đang dần khép lại. Đặc biệt, dư luận đã bất ngờ với khi 1 thí sinh thuê hẳn xe cứu thương vượt 350 km từ Hà Tĩnh về Hà Nội để rút hồ sơ ở Học viện An Ninh và nộp vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cuộc “cấp cứu” vô tiền khoáng hậu này có cái kết đẹp khi thí sinh kịp nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa trước giờ khóa sổ.

Không cần thiết phải bỏ

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, người có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh cho rằng: Từ trước đến năm 2014 khi tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, và năm 2015 khi tuyển các NV thí sinh đều có thể nộp HS qua đường BĐ hoặc trực tiếp tại Trường. Tôi thấy cũng tốt, không vấn đề gì xảy ra cả. Vì những em ở xa trường họ đều nộp qua đường bưu điện (70-80% tổng số Hồ sơ). Những em ở gần trường cũng muốn đến trường nộp trực tiếp.

Ông Lập phân tích: Thứ nhất, thí sinh muốn nhà trường tư vấn trực tiếp thêm cho việc chọn ngành nghề, dựa trên lực học, mức điểm và sở thích của thí sinh, để họ có quyết định hợp lý.

Thứ hai là họ (cả thí sinh và phụ huynh) cũng muốn đến để xem ngôi trường mà sau này thí sinh sẽ được học ra sao: từ cảnh quan, môi trường, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên viên nhà trường thông qua việc tư vấn và tiếp nhận Hồ sơ... Như vậy, việc hạn chế thí sinh không nộp hồ sơ trực tiếp tại trường là không cần thiết.

Theo ông Lập, nếu so với năm 2015 hơi khác, do các em phải đến trường rút HS (khi thay đổi nguyện vọng) nên dẫn đến tình trạng lộn xộn. Năm nay Quy định không cho thay đổi NV, TS cũng không cần phải đến trường để rút (kể cả các em gần trường).

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng bày tỏ, không cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường là không không nên mà cần cho phép thí sinh được quyền lựa chọn hình thức đăng ký phù hợp.

“Thí sinh ở Hà Nội tại sao bắt buộc các em phải gửi qua đường bưu điện. Có lẽ Bộ muốn tránh tình trạng thí sinh phải đổ về trường gây quá tải, bức xúc …nhưng đó là do cách thức xét tuyển năm 2015 buộc thí sinh phải như vậy mới kịp thời xử lý tình huống thay đổi nguyện vọng. Năm nay bộ quy định như vậy là không cần thiết và như thế là quyền tự do lựa chọn của thí sinh bị hạn chế” – ông Dũng cho hay.


Thí sinh bỡ ngỡ khi tới trường dự thi

Thí sinh bỡ ngỡ khi tới trường dự thi

Ông Lê Quốc Hạnh, nguyên trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội cho rằng, không cho thí sinh nộp trực tiếp tại trường sẽ gây khó khăn cho các thí sinh gần khu vực trường nên để nguyên như năm trước, tránh xáo trộn không cần thiết.

Theo PGS.TS Lê Trọng Thắng – ĐH Mỏ - Địa chất băn khoăn, tôi thấy, trong dự thảo không nêu rõ thí sinh đăng ký trực tuyến thì phải nộp lệ phí thế nào. Nếu phải ra bưu điện nộp thì ý nghĩa tiện lợi của phương thức này sẽ bị hạn chế. Nếu Bộ đã có quy trình thuận lợi để đăng ký trực tuyến và nộp lệ phí thì nhìn chung không cần phải nộp giấy đăng ký xét tuyển tại trường cũng không vấn đề gì.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng giáo dục trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay thí sinh dùng hệ thống trực tuyến của Bộ để đăng ký online hoặc gửi thư chuyển phát nhanh đến trường để nhập đăng ký vào hệ thống, tôi thấy cũng được. Tuy nhiên, phải có giải pháp để thí sinh kiểm tra thông tin xem mình đã đăng ký thành công và đúng chưa. Nếu sai sót thì đề nghị sửa như thế nào? Đây là vẫn đề chính. Tôi nghĩ, bộ cần phải mở trên triệu tài khoản cá nhân cho thí sinh.

Vấn đề đặt ra ở đây, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định, đăng kí xét tuyển đợt I: Thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 02 trường, mỗi trường không quá 02 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.

Chính vì vậy, việc thí sinh đến trường rút hồ sơ là không cần thiết. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần đưa ra những quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa đối với hai hình thức đăng ký phiếu xét tuyển này như làm thế nào để thí sinh biết chắc chắn hồ sơ của mình đã đến nơi và đã được chấp nhận trên hệ thống?...để thí sinh cảm thấy an tâm.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm