Du học tự túc: nghìn lẻ chuyện dở khóc, dở cười !

Nghe theo quảng cáo hấp dẫn của các trung tâm tư vấn, nhiều gia đình đã không ngần ngại đóng hàng ngàn USD để con họ được học ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc học hành của học sinh không hề dễ dàng như quảng cáo, thực chất khóa học chỉ là những chứng chỉ học nghề!

Được bạn bè giới thiệu, tháng 1/2005, ông Tuấn tìm đến trung tâm tư vấn du học T.T.N.K đặt tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Tại đây họ quảng cáo, "mê hoặc" ông Tuấn bằng một viễn cảnh: Học xong một khoá tiếng Anh quốc tế, con ông sẽ được công ty gửi sang một trường đại học danh tiếng của Anh để học, sau đó có thể lấy tiếp bằng MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh). Nghe theo, ông Tuấn đã đóng 500 USD đưa con ra nước ngoài du học. Thế nhưng, tháng 3/2005, ông Tuấn đột ngột nhận được tin  trường Anh ngữ quốc tế mà con ông định học tiếng đã "mất tích".

 

Có gần 500 nạn nhân cùng chung số phận như vậy, ước tính, trường quốc tế "ảo" này đã ẵm hơn 1 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Ông cùng một số nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị truy tìm dấu vết của trường Anh ngữ "dởm" này.

 

Tiền không thể đòi lại được, nhiều người khi "dính" vào các công ty tư vấn du học dởm còn lỡ nhiều cơ hội. Trường hợp của mẹ con chị Vũ H.L ở Khâm Thiên (Hà Nội) là một ví dụ. Đến nhà chị, tôi không thể tin nổi vì sao sống trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp mà chị có thể xoay xở ngót 2.000 USD đóng cho một công ty tư vấn du học trên đường L.Đ (Hà Nội). Chị bảo với tôi: "Đời tôi khổ rồi, muốn cho con ra nước ngoài đổi đời. Chứ kẽo kẹt mãi như thế này biết bao giờ chúng mở mày mở mặt". "Chị vay đâu một khoản tiền lớn như thế?" - "Thì thế chấp lương, nhận trông con ngoài giờ "miễn phí" ba năm, về quê bán đất...".

 

Đầu năm 2004, cậu con trai cả của anh Trần V.B, trú tại Hào Nam (Hà Nội) chuẩn bị bước lên máy bay sang Australia học thì bị dừng. Hóa ra hộ chiếu của con anh bị một công ty tư vấn du học làm giả. Anh chặc lưỡi: "Chung quy tại mình thiếu thông tin và nhẹ dạ, cứ nghe họ quảng cáo trường này trường nọ ở nước ngoài là đầu óc rối tung. Tôi đã nghiệm ra rằng với chiêu tiếp thị, ban đầu, họ quảng cáo chi phí rất thấp để đánh vào lòng tin của phụ huynh, rồi sau đó mới tấn công vào túi tiền. Nhiều vị phụ huynh lờ mờ đoán được điều không bình thường, nhưng tiếc tiền nên "đâm lao phải theo lao".

 

Có một điều đáng buồn là rất nhiều công ty tư vấn du học tự túc hiện nay đang bị thả nổi, ngoài tầm kiểm soát. Thế nên mới có chuyện nực cười: Một thanh niên quê ở Bắc Ninh, chưa tốt nghiệp THCS, tập tọe lên Hà Nội được vài bữa đã "leo tót" lên chức giám đốc một trung tâm tư vấn du học, cũng các-vi-sít, cũng vi tính xách tay... Chính vị Giám đốc này đã hứa lo cho tôi một suất học bổng Anh quốc trị giá hơn 20 ngàn USD, kể cả tôi chưa tốt nghiệp THPT hay chưa có bất cứ một văn bằng nào. Đưa ra lời mời hấp dẫn đó nhưng anh ta không quên nói nhỏ vào tai tôi: "Em phải trích cho anh 30% học bổng".

 

P.T, một giáo viên ngoại ngữ dạy ở trung tâm ngoại ngữ quốc tế V. A trên đường T.H.T (Hà Nội) cho tôi biết: "Giới kinh doanh "du học" gọi những suất học bổng như thế là học bổng "maketing". Hoặc là người học phải trả trước cho họ số tiền phần trăm của suất học bổng, hoặc là họ móc ngoặc với đối tác ở nước ngoài để ăn chia ngay khi tiền học phí được chuyển vào tài khoản. Có những bản hợp đồng kỳ lạ: Cứ 30 trường hợp du học trót lọt thì trung tâm sẽ được hưởng trọn gói học phí của 3 trường hợp".

 

Theo địa chỉ email (thư điện tử) mà P.T cung cấp, ngày 15/5, tôi liên lạc với Q.C, một du học sinh Việt Nam đang học ở New Zealand. Q.C viết cho tôi một lá thư rất dài đầy tâm trạng, nhưng điều tôi lưu tâm hơn cả là cậu xác nhận mình là một nạn nhân của học bổng "maketing". Công ty du học tại Hà Nội hứa lo cho cậu 100% học bổng, nhưng sang đến đây, Q.C chỉ nhận được 15% suất học bổng đó. Cha mẹ cậu ở Thanh Hóa cuống cuồng lo tiền chuyển sang, nếu không cậu sẽ bị trục xuất. Q.C than thở với tôi, cậu đăng ký học đại học nhưng hóa ra trường cậu học lại đào tạo nghề. Thân cô thế cô nơi đất khách, chẳng biết kêu ai, Q.C đành ngậm ngùi học, hy vọng cuối năm nay sẽ được cấp chứng chỉ nghề điện…

 

Một năm, hàng ngàn học sinh Việt Nam đi du học tự túc và số tiền mà nhà nhà đổ vào hành trình tìm chất xám này cỡ 200 triệu USD. Qua ngàn lẻ những chuyện dở khóc dở cười, ngàn lẻ những trò bịp mà một số công ty tư vấn du học bất chính gây ra cho người dân, các gia đình cần thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin, nên chọn những công ty tư vấn du học có bề dày, có uy tín và được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội bảo lãnh.

 

 

Theo Thu Phương

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm