Du học sinh Việt tại Úc: Chuẩn bị lương thực cho 2 tháng đối phó Covid-19
(Dân trí) - Một nghiên cứu sinh Việt từ New South Wales (Úc) cho hay, đã tính đến những kịch bản xấu nhất của đại dịch Covid-19 và chuẩn bị đủ lương thực cơ bản có thể không phải ra khỏi nhà trong 2 tháng.
Anh V.T.T (quê Thanh Oai, Hà Nội) từng tốt nghiệp Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội sau đó trở thành giảng viên ĐH Thuỷ Lợi Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính (khoá 2016-2020) tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc.
Sinh sống tại Parramatta, Stanmore, bang New South Wales, Anh T. cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày một phức tạp.
Lây lan trong cộng đồng ở New South Wales khá phức tạp
Trao đổi với PV Dân trí, nghiên cứu sinh này cho biết, tôi cảm thấy một chút lo lắng, trong bối cảnh chung của toàn thế giới.
“Đại dịch này sẽ ảnh hưởng tới nhiều thứ không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả ở dài hạn. Ngắn hạn là vẫn đề liên quan tới sức khỏe, lương thực, và học tập. Dài hạn là vấn đề thất nghiệp, chia rẽ xã hội, và phân biệt chủng tộc”, VT.T nhận định.
Trên toàn bang New South Wales, hiện có 818 ca nhiễm Covid-19. Gần hơn, cách đây hơn một tuần trường UTS nơi nghiên cứu Việt học tập có ghi nhận một sinh viên nhiễm Covid-19.
Sau đó, UTS chuyển sang hình thức học online và hủy bỏ các hoạt động đông người không cần thiết. Trong hôm nay, trường đã ghi nhận thêm một sinh viên nhiễm mới.
Để ứng phó, cộng đồng dân cư ở đây đã có sự chuẩn bị tích trữ lương thực và đồ thiết yếu cách đây vài tuần. Tuy nhiên, người dân ở đây có vẻ không quá lo lắng trước đại dịch.
Bang New South Wales và một số bang khác, đã yêu cầu công dân “cách ly xã hội” (social distancing) nhằm giảm sự lây lan của Covid-19.
Từ hôm 24/3, các dịch vụ không cần thiết trong bang và một số bang khác đã được yêu cầu đóng cửa. Chỉ các dịch vụ như siêu thị, nhà thuốc, trạm xăng mới được phép mở cửa. Ngoài ra, nước Úc đã tiến hành dừng các chuyến bay với các nước khác.
Ở Úc, các ca nhiễm Covid-19 được cập nhật hàng ngày và theo mối quan hệ tiếp xúc nào đó thay vì báo cáo theo từng khu vực nhỏ. Theo anh V.T.T, ban đầu đa số ca nhiễm ở bang anh sống là từ bên ngoài đem đến.
Tuy nhiên, đến nay số ca lây nhiễm trong bang đã tương đương với số ca nhiễm từ bên ngoài. Cụ thể, 425/818 ca nhiễm là từ bên ngoài nước Úc vào; 174 ca nhiễm do tiếp xúc với người bệnh đã được xác định; 72 ca nhiễm ở địa phương không xác định được nguồn gốc; 147 ca nhiễm đang xác định nguồn lây nhiễm.
Điều này cho thấy sự lây lan trong cộng đồng ở New South Wales đã khá phức tạp. Song, với việc thực hiện chính sách “cách ly xã hội” và đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, có lẽ nước Úc sẽ không bị rơi vào thảm kịch như đang xảy ở nước Ý.
Tính đến kịch bản xấu nhất…
Hiện nghiên cứu sinh Việt này đã thực hiện học tại nhà, báo cáo và xử lý các thủ tục qua mạng. Tuy ở riêng phòng, anh vẫn có sự tiếp xúc nhất định với các phòng khác trong cùng khu nhà. Đó là sự tiếp xúc với bên ngoài thường xuyên nhất.
Ngoài ra, việc đi siêu thị hay bus sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, hoạt động này là không thường xuyên (một vài tuần mới cần đi siêu thị một lần).
Khi được hỏi về phương án phòng tránh dịch bệnh của bản thân, anh T. cho hay: “Tôi đã tính đến những kịch bản xấu nhất của đại dịch Covid-19. Bởi vậy, tôi đã chuẩn bị đủ lương thực cơ bản và đồ thiết yếu để có thể không phải ra khỏi nhà trong khoảng ba tháng”.
Từ tuần này, anh T. bắt đầu không sử dụng phương tiện giao thông công cộng; chủ động giữ khoảng cách với người khác khi đi lại trên đường phố hoặc nơi cộng cộng; hạn chế hít thở sâu khi đi ngang qua người khác; tuyệt đối không mở miệng ở nơi công cộng…; ghi nhớ lịch sử đi lại và tiếp xúc của mình; xác định nguy cơ mỗi khi tay mình tiếp xúc vào một vật gì đó ở nơi cộng cộng; không chạm tay lên mặt khi ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên.
“Mỗi khi có việc ra ngoài về, việc đầu tiên tôi cần làm là rửa tay bằng nước diệt khuẩn. Tôi bắt đầu sử dụng giấy vệ sinh để tránh tiếp xúc trực tiếp với tay nắm cửa của tòa nhà hay nơi công cộng.
Ngoài ra, tôi cũng đã mua máy sấy quần áo để diệt khuẩn đề phòng dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian tới”, V.T.T chia sẻ thêm.
Theo nghiên cứu sinh, cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra như bình thường, chỉ có điều những nơi công cộng vắng người hơn. Các nhà hàng dần vắng khách và giờ phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ. Trước đây, việc hắt hơi xổ mũi nơi công cộng được coi là bình thường, thì nay mọi người sẽ nhìn bạn và họ chủ động tránh xa.
Ngoài ra, có lẽ quan điểm về việc đeo khẩu trang ở phương Tây nói chung và Úc nói riêng rất khác với các nước châu Á khác, nên nếu bạn đeo khẩu trang nơi công cộng ở Úc, người khác sẽ chủ động tránh hoặc không thỏa mái khi gần bạn.
Không chủ quan cũng không quá hoang mang
Xác định đại dịch Covid-19 là vấn đề chung, nên anh V.T.T cũng như các du học sinh Việt tại Úc đều ý thức chủ động phòng tránh, không chủ quan cũng như không hoang mang.
“Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tạo lên tâm lý lo lắng cũng ít nhiều ảnh hưởng tới việc học; Có thể, một số hoạt động trong khóa học của tôi như đánh giá tiến độ học tập sẽ bị chậm một hai tháng do sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của dịch bệnh”, anh T. cho hay.
Theo khuyến cáo của chính phủ Úc về việc thực hiện cách ly xã hội (social distancing), Trường Đại học Công nghệ Sydney – nơi nghiên cứu sinh này theo học đã dừng việc lên lớp từ ngày 17/3 - 24/3 (sẽ có thông báo sau khoảng thời gian này), các hội thảo hay gặp mặt không cần thiết cũng sẽ tạm dừng.
Mặt khác, nghiên cứu sinh tiến sĩ như anh T. sẽ bị ảnh hưởng ít hơn do có rất ít môn học phải lên lớp trong chương trình đào tạo tiến sĩ.
Ở đây, V.T.T học tập và sinh hoạt như người bản địa nên cũng chủ động ứng phó (mua tích trữ nhu yếu phẩm, chủ động phòng tránh) dịch. Hiện nay, khu anh đang sống chưa ghi nhận ca bệnh nào nên anh chưa ở trong tình huống nguy hiểm hay khẩn cấp.
Do đó, anh T. chưa liên hệ với bất cứ cơ quan nào (chính phủ nước sở tại, các cơ quan ngoại giao, bộ chủ quản phía Việt Nam, Hội du học sinh Việt Nam tại Úc…) để yêu cầu sự giúp đỡ.
Tại thời điểm hiện tại, anh T. không có dự định về nước. Bởi theo anh, với đặc điểm của đại dịch Covid-19, mọi người nên hạn chế đi lại, đặc biệt là bằng đường hàng không.
Chú trọng phòng và tránh dịch bệnh ở nước ngoài, anh V.T.T cũng thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh ở quê nhà Việt Nam qua các kênh thông tin.
“Tôi nghĩ Việt Nam đã phải chống dịch Covid-19 từ khá sớm. Qua số liệu được công bố chính thức và quan sát, tôi thấy Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc ứng phó và khống chế dịch.
Tôi có hỏi một hai du học sinh khác thì họ đều tỏ ra lạc quan vời diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam”, anh T. tâm sự.
Anh T. cho rằng để đẩy lùi được đại dịch, tất cả các cá nhân phải có ý thức và trách nhiệm tạo ra một môi trường xã hội an toàn, không chỉ dừng lại ở việc tự bảo vệ cá nhân mình.
Khi xã hội bị mất an toàn, đại dịch bùng phát thì sự an toàn của mỗi cá nhân cũng sẽ không còn bởi nguồn lực y tế không đủ đáp ứng, chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm bị đình trệ.
“Tôi nghĩ rằng các sinh viên đi du học cần hạn chế đi lại, nếu không rơi vào tình huống nguy cấp thì không nên về nước. Tình huống nguy cấp là hoàn cảnh mà bạn không thể đảm bảo sự an toàn cá nhân trong vòng 2 tháng.
Nếu bạn có thể tích trữ được nhu yếu phẩm để sống biệt lập tại nhà trong vòng 2 tháng thì nên cân nhắc giải pháp đó.
Mặt khác, việc di chuyển giữa các nước và việc cách ly khi về nước sẽ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn là ở nguyên một chỗ. Chưa kể, việc di chuyển qua lại và cách ly sẽ làm hao tổn nguồn lực xã hội không đáng có”, nam du học sinh nhấn mạnh.
Lệ Thu