Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người

(Dân trí) - Dù bận rộn học tập, làm thêm nhưng các du học sinh Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn hướng trái tim về quê hương, hòa mình vào thời khắc giao thừa thiêng liêng đón năm mới Canh Tý của dân tộc.

Nữ du học sinh Hoàng Phương Hải Châu, đang học chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản cho biết, năm nay em đón Tết ở Nhật. Em nấu một bữa cơm rồi mời các bạn nước ngoài đến ăn chung vui năm mới.

"Bọn em vẫn đang trong kỳ học chính thức và sắp thi nên em cũng không chuẩn bị gì cầu kỳ. Lịch học khá căng thẳng và em liên tục phải làm việc nhóm nên em tạm gác niềm vui đón Tết cho những năm sau.

Mặc dù vậy em vẫn hướng về gia đình, vẫn cập nhật từng ngày xem cả nhà ở Việt Nam chuẩn bị đón Giao thừa và năm mới như thế nào", Hải Châu chia sẻ.

Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người - 1
Hoàng Phương Hải Châu nấu một bữa cơm rồi mời các bạn nước ngoài đến ăn chung vui trong thời khắc Giao thừa.

Năm mới, cô gái Việt có dự định tiếp tục giữ điểm cao và đạt được các học bổng trong quá trình học, cũng như liên tục nâng cao khả năng học thuật. Em muốn tiếp tục nỗ lực và cải thiện bản thân để dù có đón cái Tết xa nhà, bố mẹ vẫn có thể tự hào và yên tâm về em.

Thạc sĩ Bùi Minh Phương, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học giáo dục & nghiên cứu tiểu học châu Á và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Turku, Phần Lan cho biết, năm nào dịp Tết Nguyên Đán không về Việt Nam thì chị đều tổ chức ăn uống gặp gỡ với các đồng nghiệp thân thiết tại nhà.

Chị đặt mua và chuẩn bị các món đặc trưng trong dịp Tết như là nem, giò, bánh chưng, để chiêu đãi, các bạn ấy người thì góp rượu, người thì làm đồ ăn đặc trưng ở quê hương họ.

"Trong khoa chị làm việc, không có ai là người Việt cả, nhưng mọi người đều rất vui vẻ và hoà đồng, thích tụ tập mỗi khi có dịp, đặc biệt là ai cũng thích đồ ăn Việt Nam nên có cơ hội là sẽ gặp gỡ tổ chức ăn uống, chia sẻ giây phút hướng về quê hương Việt Nam", Minh Phương nói.

Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người - 2
Minh Phương (áo sọc ngoài cùng bên trái) cùng các bạn quốc tế.

Phương tâm sự chị sống và làm việc ở nước ngoài cũng đã lâu rồi, nên cũng không cảm thấy buồn. Hơn nữa, bây giờ công nghệ thông tin cũng phát triển nên có thể theo dõi các kênh truyền hình online cùng thời điểm đêm giao thừa với mọi người ở nhà.

“Tối 30, chị thường gọi điện trước giờ giao thừa để có thể trò chuyện cùng cả nhà. Phần Lan cách Việt Nam 5 tiếng nên khi ở nhà giao thừa thì ở bên chị mới có 7h tối, thường sau đó là bạn bè đồng nghiệp đến nhà ăn tiệc mừng năm mới”.

Minh Phương hi vọng có thể thu xếp được thời gian và về thăm nhà nhiều hơn trong năm mới. Năm ngoái chị cộng dồn ngày phép và về thăm nhà được 2 lần, mong năm nay cũng được như vậy.

Không thể nằm ngoài không khí đón năm mới rộn ràng của cả dân tộc, du học sinh Việt tại Pháp cũng đã quây quần bên nhau, cùng nhau tổ chức những bữa tiệc giao thừa ấm cúng để phần nào với đi nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình ở Việt Nam.

Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy - Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UFVF) tâm sự: “Có lẽ đêm giao thừa là thời khắc đẹp đẽ và thiêng liêng nhất của một năm.

Với những du học sinh như chúng tôi, cái cảm giác Tết đến xuân về nơi xa xứ hầu như đã là thói quen. Nhưng cảm giác thấy thiếu thiếu, có gì đó chưa trọn vẹn luôn hiện hữu. Năm nay, tuy không được đón Tết bên cạnh gia đình nhưng rất may mắn vì tôi luôn có những bạn bè thân thiết bên cạnh.

Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người - 3
Nguyễn Phan Bảo Thụy (phải) gói bánh chưng đón Tết tại Pháp.

Như hàng năm, anh chị em chúng tôi lại cùng rủ nhau tổ chức gói bánh chưng để có chút gì đó không khí Tết, có chút gì đó hương vị quê nhà.

Ở xa nhà chúng tôi mới có cơ hội để trải nghiệm tự tay mình gói cái bánh chưng truyền thống. Hội sinh viên thực sự đã là một mái nhà chung, là nơi kết nối anh em.

Chúng tôi thật sự mong rằng những du học sinh dù sau này có thành công và sinh sống, định cư tại nước sở tại vẫn luôn luôn nhớ về cội nguồn quê hương dân tộc.

Bởi khi chúng ta gìn giữ được bản sắc văn hóa tại nơi xứ người thì người ta mới dành sự tôn trọng cho chúng ta”.

Các trường đại học Mỹ không nghỉ Tết Nguyên Đán, tuy nhiên, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ bằng cách này hay cách khác sẽ tổ chức mừng đón năm mới Kỷ Hợi của riêng mình.

Các du học sinh Việt luôn cố gắng thực hiện các hoạt động chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đặc biệt trong khoảnh khắc đón Giao thừa.

Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người - 4

Hương vị Tết trên đất Mỹ.

Bạn Linh Vũ, du học sinh Việt tại trường Đại học University of Delaware, hiện là thành viên ban điều phối Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ (SVUSA) chia sẻ: “Những ngày sắp tết này Linh cảm giác xao xuyến lắm, nhớ quê, tối ngủ cũng mơ đi chợ Tết nữa.

Nhà mình dịp này thường bận rộn hơn do công việc kinh doanh. Bố mẹ và em trai cũng háo hức trở về đón Tết ở quê với đại gia đình.

Linh nhớ một có lần về nhà bất ngờ thăm bố mẹ vào hôm 30 Tết, cảm xúc lúc ấy khó tả lắm, chan chứa hạnh phúc mà không nói nên lời. Điều đó vẫn làm Linh ứa nước mắt mỗi khi nghĩ về.

Linh ước giây phút giao thừa lại được ở bên, ôm mẹ mà tận hưởng khoảnh khắc khi đất trời giao hoà ấy, được nghe bố hỏi chuyện hai chị em năm qua và chúc Tết năm mới. Với mình, đó là hạnh phúc thiêng liêng!”.

Du học sinh Việt bâng khuâng đón Giao thừa nơi xứ người - 5

Linh Vũ (áo dài hàng đầu bên phải) đón Giao thừa cùng các bạn tại Mỹ.

"Một cái Tết nữa đang đến, Linh không thể về nhà, nhưng ở đây Linh có một gia đình thứ hai với bạn bè sum vầy.

Linh nghĩ sự đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau ấy đã sưởi ấm phần nào nỗi niềm của những người con xa xứ trong Linh và những người bạn. Linh thấy mình hạnh phúc với những gì đang có”, nữ du học sinh bày tỏ.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm